20.000 đồng/kg, "choáng" với thịt nhập khẩu giá rẻ từ Brazil
Giá nhập khẩu thịt từ Brazil về Việt Nam chỉ 1,44 USD/kg, tương đương với 33.000 đồng, còn thịt gà chỉ 1 USD/kg, khiến người tiêu dùng nghi ngại về chất lượng sản phẩm.
Giá thịt rẻ đến ngỡ ngàng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/3/2017, tổng kim ngạch nhập thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ từ các thị trường trị giá 65 triệu USD.
Trong đó, Mỹ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam, với hơn 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 32%. Đứng thứ 2 là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD, chiếm hơn 23%; tiếp đến là Australia với hơn 8 triệu USD, thị trường Brazil đứng thứ 4.
http://static.tinnhanhchungkhoan.vn/w420/uploaded/ngoctuanz/2017_03_29/thitnhapkhau5933b_dzqg.jpg
Brazil là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt lớn thứ tư vào Việt Nam (ảnh minh họa)
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả nước nhập khẩu 2.780.000 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trong đó trên 1.800 tấn thịt gà. Brazil cũng là thị trường nhập khẩu gà lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Mỹ.
Việc nhập khẩu thịt về phục vụ tiêu dùng tại thị trường nội địa là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là giá nhập khẩu thịt từ Brazil lại rẻ đến ngỡ ngàng.
Cụ thể, giá trung bình mỗi kg thịt chỉ vào khoảng 1,44 USD, tương đương gần 33.000 đồng. Trong đó, các loại thịt gà và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus Domesticus với 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD, tương đương 1 USD mỗi kg (khoảng 23.000 đồng). Tiếp đến là cánh gà thuộc loài Gallus Domesticus với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD, tương đương 1,8 USD mỗi kg (hơn 41.000 đồng).
Các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD, tương đương 2,13 USD mỗi kg (48.500 đồng).
Tại không ít siêu thị và các cửa hàng tiện ích, các loại thịt nhập khẩu được bày bán đa dạng và rẻ hơn hẳn so với các sản phẩm thịt trong nước, chiếm nhiều phần trong số đó là các sản phẩm nhập khẩu nguồn gốc xuất xứ từ Australia và Mỹ.
Thịt giá rẻ tiêu thụ ở đâu?
Ông Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, thịt đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu được cung cấp cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng hoặc công ty, cơ sở dùng chế biến thực phẩm. Bởi người dân Việt Nam đa số chưa có thói quen ăn thịt đông lạnh.
Đặc biệt, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil vừa qua chủ yếu là thịt gà và các sản phẩm từ gà với giá rất rẻ, nên chỉ có các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp mới sử dụng nhiều.Thịt đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu được cung cấp cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng hoặc công ty, cơ sở dùng chế biến thực phẩm.
Còn ông Lê Văn Hách, chủ trang trại nuôi gà với quy mô 5.000 con tại Tiên Lữ (Hưng Yên) hoài nghi, với giá nhập khẩu thịt rẻ như vậy, hẳn là sản phẩm có vấn đề về chất lượng. Theo ông Hách, thịt nhập ngoại giá rẻ không chỉ ảnh hưởng đến các hộ chăn nuôi trong nước trong vấn đề cạnh tranh, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bởi đây có thể là thịt đã cấp đông với thời hạn quá lâu, sẽ khó đảm bảo về chỉ tiêu dinh dưỡng.
“Sự đổ bộ của thịt nhập khẩu với giá thấp không tưởng đang khiến đầu ra của sản phẩm chăn nuôi nhỏ lẻ càng khó khăn, do các khâu trung gian ép giá, trong đó, giá của thịt nhập khẩu luôn được đưa ra để so sánh, dù chất lượng của gà đông lạnh với gà tươi có một khoảng cách rất xa”, ông Hách nói.
Thịt nhập khẩu đổ về thị trường nội địa ngày càng gia tăng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày một lớn, trong khi thuế nhập khẩu tiếp đà giảm do các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia có hiệu lực. Tuy nhiên, với giá thịt nhập khẩu rẻ không ngờ, thì việc nghi ngại về chất lượng thịt là có cơ sở.
Đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho hay, thật khó để có sản phẩm thịt chất lượng khi giá chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg. Nhiều vụ thịt hết đát nhập khẩu giá rẻ đã từng xảy ra, khiến người tiêu dùng đặc biệt lo ngại.
Mới đây, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (PA 81), Công an TP. Hà Nội đã phát hiện khoảng 40 tấn thịt trâu giả là thịt bò đóng thùng nhưng không ghi nhãn mác, không thời hạn sử dụng tại kho lạnh của Công ty An Việt (KCN Quang Minh, Mê Linh, Vĩnh Phúc). Một lượng không nhỏ thịt trâu giả bò nhập khẩu này đã được tuồn vào bếp ăn Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.
Bởi vậy, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người tiêu dùng, nếu mua thịt nhập khẩu thì phải đến siêu thị, cửa hàng có uy tín, đồng thời xem xét kỹ nguồn gốc thịt, để tránh bị các tổ chức, cá nhân gian lận thương mại.
Rõ ràng, thật khó để trở thành người tiêu dùng thông thái trước sự bủa vây của thịt nhập khẩu giá rẻ đến bất ngờ, dẫu cơ quan quản lý đều khẳng định, tất cả các lô thịt đông lạnh vào Việt Nam đều được cơ quan thú y cửa khẩu lấy mẫu 100% để xét nghiệm các chỉ tiêu lý hóa, cảm quan, vi sinh vật gây ô nhiễm... , đạt mới được làm thủ tục nhập khẩu.
Theo baodautu.vn
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)