Bắc Giang nâng cao giá trị nuôi trồng thủy sản
Năm 2017, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 39.500 tấn thủy sản, trong đó sản lượng thủy sản nuôi là 36.500 tấn, sản lượng thủy sản khai thác là 3.000 tấn...
Đầu tư con giống và kỹ thuật nuôi cá rô phi giống. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thu Hiền cho biết, năm 2017, tỉnh tiếp tục quan tâm phát triển, nâng cao giá trị ngành nuôi trồng thủy sản nhằm tăng thu nhập cho người nuôi, nông dân địa phương. Theo đó, tỉnh duy trì, mở rộng diện tích nuôi thả cá đạt 12.350 ha; trong đó, diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.500 ha, diện tích nuôi thâm canh năng suất cao 10 tấn/ha đạt 1.350 ha; mở rộng diện tích nuôi an toàn sinh học, VietGAP đạt 400 ha.
Về sản lượng thủy sản, tỉnh phấn đấu đạt 39.500 tấn; trong đó, sản lượng thủy sản nuôi là 36.500 tấn, sản lượng thủy sản khai thác là 3.000 tấn; sản lượng sản xuất ba ba thịt là 45 tấn và số lượng ba ba giống sản xuất trong tỉnh đạt 85.000 con. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ sở sinh sản nhân tạo trong toàn tỉnh tiếp tục tăng số lượng sản xuất cá bột, cá giống có giá trị kinh tế cao như chép lai ba máu, cá chim trắng, rô phi đơn tính... Sản lượng cá bột dự kiến sẽ đạt 850 triệu con các loại, ương nuôi đạt 350 triệu con cá giống các loại, kích cỡ từ 6 - 8 cm trở lên phục vụ đủ lượng cá giống đáp ứng nhu cầu thả nuôi năm 2017.
Để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao, Bắc Giang tăng cường tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh, chủ động phòng chống rét cho thủy sản. Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất giống, kiểm tra vật tư, thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi thủy sản.
Cùng với triển khai có hiệu quả Đề án phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về thủy sản, áp dụng quy trình chăn nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, sản xuất thủy sản an toàn. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất một số giống thủy sản có giá trị kinh tế cao cho các cơ sở sinh sản nhân tạo các loài cá nuôi trên địa bàn; đưa các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Tỉnh Bắc Giang cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước chuyên ngành thủy sản; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản, gắn sản xuất với tiêu thụ, phát triển các sản phẩm thủy sản có thị trường tiêu thụ.
Đến tháng 11/2016, diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành xuống giống đạt 12.320 ha, tăng 20 ha so với kế hoạch năm; trong đó, diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.400 ha, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đạt 3.770 ha (diện tích nuôi thâm canh năng suất cao bình quân 10 tấn/ha là 1.320 ha và diện tích nuôi bán thâm canh năng suất bình quân 4 - 5 tấn/ha là 2.450 ha).
Nhờ phát triển diện tích nuôi năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng và năng suất cá thịt của tỉnh Bắc Giang năm 2016 đã tăng so với năm trước, sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 38.900 tấn, tăng 7,4% so với năm 2015. Giá bán cá thương phẩm năm 2016 của tỉnh trung bình đạt từ 38.000 đồng - 43.000 đồng/kg (tăng 3 - 5% so với năm 2015), đã góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi địa phương. Tổng lượng cá bột sản xuất của tỉnh đạt 930 triệu con các loại và số lượng cá hương, cá giống ước đạt 380 triệu con các loại.
Tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng nuôi cá tập trung với các hình thức nuôi năng suất cao, sản xuất hàng hóa như các xã Minh Đức, Nghĩa Trung (huyện Việt Yên), các xã Cao Thượng, Ngọc Châu, Song Vân (huyện Tân Yên)... Người dân ở tỉnh đã quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống thủy sản mới, giá trị cao vào sản xuất như các mô hình nuôi cá lăng chấm, nuôi cá chép lai V1 và rô phi theo hướng VietGAP, nuôi cá lồng tại các huyện Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Sơn Động, Yên Thế.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)