Báo động lạm dụng kháng sinh nuôi tôm
Nhiều người nuôi tôm tại Phong Điền (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) đang sử dụng nhan nhản thuốc tây dược dùng cho người trong nuôi tôm, gây tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, tuy nhiên đến nay, việc quản lý, kiểm soát dường như bị bỏ ngỏ.
Kháng sinh như biệt dược
Ông M ở xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, chủ một hộ dân nuôi tôm trên cát nhiều năm, khẳng định: “Nuôi tôm mà không sử dụng tây dược, trong đó có cả kháng sinh thì không thể phòng trị bệnh hiệu quả được. Người uống thuốc nào thì tôm cũng “uống” thuốc đó thôi”. Mới nghe qua, nghĩ là điều không tưởng. Thế nhưng về Quảng Ngạn, Điền Hòa, Phong Hải tìm hiểu thực trạng này mới thấy đáng báo động.
Ghé một số hộ dân nuôi tôm ở thôn Trung Hải, xã Quảng Ngạn, trong vai một sinh viên Đại học Nông lâm về tìm hiểu quá trình chăm sóc, phòng trị bệnh trên tôm nuôi, tôi được ông N cho biết: “Với hồ 2.000 m2, thả 50 vạn con tôm; sau khoảng 2,5 tháng cho thu hoạch khoảng 5 tấn tôm, lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài chi phí lớn như thức ăn, con giống, người nuôi phải bỏ 50 - 60 triệu đồng tiền thuốc tây dược, muối khoáng, men tiêu hóa… để phòng và trị bệnh cho tôm”. Nói đoạn, ông N đưa ra cơ man các loại như men tiêu hóa DH, thuốc diệt khuẩn W99, khoáng bổ sung cho tôm Pre-mix cùng những thứ thuốc tây dược như Biolacplus, Teraxinlin, Becberin.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/nuoitrong/z300-Thuy-san-Viet-Nam4812-.jpg
Trộn thuốc tây dược, kháng sinh trong thức ăn nuôi tôm, tiềm ẩn nguy cơ cho người tiêu dùng - Ảnh: T.H
Ông N đang nuôi vụ tôm được 25 ngày nên việc phòng, trị bệnh cho tôm rất quan trọng. Nếu tôm đổ bệnh chết sạch thì người nuôi cầm chắc thua lỗ. Các loại thuốc tây chủ yếu dược dùng để phòng, trị các loại bệnh trên tôm như đường tiêu hóa, viêm gan, nhiễm khuẩn. Ông N chia sẻ cách pha chế: “Tùy theo lượng tôm trong hồ cũng như “tuổi” tôm mà pha chế các loại thuốc kháng sinh vào thức ăn cho phù hợp. Tôm càng nuôi về giai đoạn sau hoặc đang bị bệnh thì phải tăng cường thuốc. Cứ 1 kg thức ăn có thể trộn 10 - 20 g Becberin, Oxyteraxilin; 5 - 10 viên Biolacplus, Boganic để phòng trừ các bệnh liên quan đường tiêu hóa, bệnh gan. Cách thức trộn có thể hòa trong nước hoặc bỏ vào máy sinh tố đánh nhuyễn rồi trộn vào thức ăn”. Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi? Ông N thú thật: “Không bán cho công ty được thì bán cho thương lái, có sao đâu”. Theo các chủ hồ nuôi, các loại thuốc tây dược, trong đó có kháng sinh, chủ yếu mua từ các tiệm thuốc tây trong vùng.
Đi lên vùng Ngũ Điền, “vựa” tôm lớn của tỉnh, chúng tôi thấy tình trạng sử dụng thuốc tây dược, trong đó có kháng sinh cũng rất phổ biến. Ông B (thôn Hải Đông, xã Phong Hải), tiết lộ: “Nếu nuôi bình thường mình chỉ sử dụng tây dược nhằm bổ sung khoáng chất, men… ở mức độ vừa phải để phòng bệnh; còn khi tôm đã bị bệnh, để cứu cả hồ nuôi tiền trăm triệu, người nuôi không cách nào khác phải sử dụng kháng sinh. Một hồ tôm bị bệnh khi đã lớn có thể “ngốn” cả trăm triệu đồng tiền thuốc”.
Ông B có hồ 3.000 m2 thả 60 vạn con tôm đã nuôi được 2 tháng, đây là giai đoạn phòng trị bệnh khá quan trọng bởi đã đi vào cuối vụ. Các loại thuốc tây dược ông B sử dụng như Biosubtyl, Kacmanut, Biobiclilis giá mỗi hộp vài trăm nghìn đồng trở lên. Đặc biệt, trong đó có Oxyteraxilin, mua mỗi thùng 20 kg giá khoảng 10 triệu đồng. Ông B cho biết: “Thuốc này là kháng sinh để trị bệnh trên tôm, dạng bột, màu vàng. Khi tôm bị bệnh đã nổi lởm chởm trên mặt hồ thì sử dụng thuốc trộn tỷ lệ 10 - 20 g/kg thức ăn thả xuống hồ”.
Quản lý không tới
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải cho biết, từ trước đến nay người nuôi tôm ở đây ngoài sử dụng các loại khoáng, chế phẩm bổ sung trong danh mục cho phép được bán ở các đại lý thì thời gian gần đây họ còn sử dụng thuốc nam trong tôm nuôi. “Còn việc sử dụng tây dược, trong đó có kháng sinh cho tôm nuôi, chính quyền xã chưa nắm được” - Ông Khánh nói.
Ông Khánh cho biết thêm: Hằng năm, trước các vụ nuôi, Sở NN&PTNT có thông báo quán triệt người nuôi thực hiện đúng khung lịch thời vụ, cung nguồn giống chất lượng và huyện, xã cũng tuyên truyền các hộ nuôi tôm tránh dư lượng kháng sinh, nhằm đảm bảo chất lượng tôm nuôi.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Hiện, người nuôi có sử dụng tây dược, có cả kháng sinh trong việc nuôi tôm để trộn vào thứ ăn. Tuy nhiên, chỉ sử dụng trong trường hợp tôm đã bị bệnh. Trước thời gian thu hoạch, người nuôi “giãn ra” để các dư lượng tồn đọng trong tôm được đào thải. Để quản lý, kiểm soát các loại thuốc tây dược trong nuôi trồng thủy sản nói chung, mỗi tháng, phía đơn vị đều về các vùng tập trung nuôi để test sản phẩm tôm. Đến nay, vẫn chưa phát hiện các trường hợp có tồn dư các chất cấm như cloramphenicol, miccrophuram, xanhmarachit. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan nên cũng chỉ kiểm tra được một số chất cấm chứ không kiểm soát hết được.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế, cho biết: Hằng tháng, đơn vị cũng phối hợp với Chi cục Nuôi trồng Thủy sản và Thanh tra Sở NN&PTNT kiểm tra định kỳ và ngẫu nhiên các vùng nuôi tôm tập trung, nhất là các vùng nuôi có dịch bệnh theo Thông tư 45 của Bộ NN&PTNT. Nhưng việc lấy mẫu kiểm tra do kinh phí không đủ nên nhiều lúc hiệu quả chưa cao. Mà biện pháp hiện nay chủ yếu thông qua chính quyền địa phương để tuyên truyền người dân là chính. Người nuôi tôm nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên, xuất bán ngay thì rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Theo báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)