Bệnh đốm trắng tàn phá vựa tôm Thái Bình
Chỉ chưa đầy 1 tháng thả nuôi, hàng trăm ao tôm thẻ chân trắng, tôm sú của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) bỗng dưng chết đột ngột, mà nguyên nhân được xác định ban đầu là do tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng.
Hàng trăm ao tôm mất trắng
Đã hơn 10 năm nuôi tôm thẻ, nhưng chưa năm nào hộ Nguyễn Văn Đông ở thôn Nam Duyên, xã Thái Đô, huyện Thái Thụy bị thiệt hại nặng như vụ tôm 2016 này. Hơn 1ha tôm của ông giờ chỉ còn những cái xác tôm trơ trọi.
Ông Nguyễn Văn Đông đang thu dọn xác tôm tại ao nuôi của gia đình ở xã Thái Đô, huyện Thái Thụy (Thái Bình). Ảnh: Trần Quang
Vừa lội dọc các ao vớt xác tôm chết, ông Đông buồn rầu cho hay: “Mới cuối tháng 4 tôm vẫn phát triển bình thường, ngày nào cho ăn tôi cũng thấy tôm bơi tung tăng, ai ngờ bước sang đầu tháng 5 tôm bỗng dưng chúng chết hàng loạt, dạt vào đỏ dọc bờ”. Thấy tôm chết nhiều, ông Đông tìm đi khắp nơi mua thuốc, chế phẩm sinh học về chạy chữa cứu tôm nhưng càng “đổ tiền” xuống ao bao nhiêu cũng tan theo nước bấy nhiêu càng khiến gia đình ông kiệt quệ hơn.
Ông Đông cho biết: “Với việc thiệt hại hơn 1ha tôm gồm cả tôm giống và tôm trưởng thành cùng với tiền thức ăn, chế phẩm sinh học, vật liệu làm ao… gia đình tôi cũng mất đến cả trăm triệu đồng, đây chủ yếu là tiền đi vay lãi ngoài, giờ không biết xoay đâu để trả được”.
Nói về mức thiệt hại, hộ anh Tạ Văn Hưng là hộ mất nặng nhất với khoảng trên 4ha tôm thẻ, tính riêng tiền giống thả nuôi cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. “Đau xót quá, không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có thể gượng dậy làm lại để trả nợ đây” – anh Hưng ngậm ngùi.Theo số liệu thống kê của Sở NNPTNT Thái Bình, tính đến nay hiện tượng tôm chết đã xảy ra tại 513 ao, trong đó có 130 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 383 ao nuôi tôm sú của 308 hộ dân ở 7 xã thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Tổng diện tích ao có tôm chết là 72,7ha với số lượng giống thả khoảng 17,5 triệu con.
Ông Bùi Văn Thiều – Chủ tịch UBND xã Thái Đô cho biết, trong đợt tôm chết lần này, bà con xã Thái Đô bị nặng nhất tỉnh với trên 20ha. “Để nông dân yên tâm, ngay sau khi phát hiện tôm chết hàng loạt vào đầu tháng 5, xã đã thống kê thiệt hại và báo lên huyện, tỉnh đề nghị hỗ trợ” – ông Thiều chia sẻ.
Theo ông Thiều, đến thời điểm hiện tại công tác khắc phục hậu quả đã hoàn tất, tình hình tôm chết đã được địa phương khống chế. “Chúng tôi cam kết không để hộ nào phải bỏ ao, xã cũng đã tuyên truyền và cử cán bộ xuống các hộ hướng dẫn dân xử lý ao nuôi và cho nông dân thả nuôi lại tôm sau 1 tháng nữa. Hộ nào không mua được giống có thể chuyển sang nuôi cua, cá” – ông Thiều khẳng định.
Xác định được nguyên nhân tôm chết
Phạm Hữu Thoại - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: Qua lấy mẫu tôm phân tích và làm xét nghiệm thấy rằng các mẫu bệnh phẩm ở 7 xã tại 2 huyện Tiền Hải và Thái Thụy cho thấy, cả 18/18 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng.
Ông Thoại cho biết thêm, thời gian qua do thời tiết thay đổi bất thường làm nồng độ mặn trong ao nuôi không bảo đảm dẫn đến phát sinh bệnh đốm trắng và khiến tôm chết hàng loạt. Cùng với đó, việc nông dân xử lý vệ sinh ao nuôi không triệt để đã khiến cho nguồn bệnh lưu trú lây sang. Đặc biệt, khi xảy ra tình trạng tôm nhiễm bệnh chết, nông dân không xử lý kịp thời và báo cáo cho cơ quan chức năng khoanh vùng dập dịch làm cho bệnh nhanh chóng lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn.
Cũng theo ông Thoại, chất lượng nguồn tôm giống tại các ao nuôi tôm trên tại đây không bảo đảm cũng là nguyên nhân khiến tôm dễ bị bệnh và chết hàng loạt. “Tôm thẻ chân trắng là loại tôm rất mẫn cảm với bệnh đốm trắng, việc nông dân nuôi thả lẫn tôm thẻ chân trắng với tôm sú khiến dịch bệnh lây lan nhanh” – ông Thoại nhấn mạnh.
Vừa qua, ngay sau có thông tin tôm chết hàng loạt, đoàn công tác gồm các sở, ban ngành liên quan do ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình dẫn đầu về kiểm tra, khảo sát thực tế các nguồn nước trong khu vực cung cấp cho các vùng nuôi tôm của hai huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Kết quả quan trắc nguồn nước tại các ao có tôm chết cho thấy, tôm chết do bị bệnh đốm trắng.
Ông Diên yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu rõ nguyên nhân tôm chết và bùng phát dịch bệnh thời gian qua để bà con không hoang mang. Yêu cầu các hộ có ao nuôi tôm bị chết khẩn trương thu vớt xác tôm chết, xử lý an toàn nguồn nước trong ao, chỉ khi nào thực sự bảo đảm an toàn mới nuôi thả trở lại.
Được biết, đến thời điểm này tỉnh Thái Bình đã xuất 13 tấn hóa chất Chlorine dự trữ hỗ trợ cho các địa phương có tôm bị chết hàng loạt. Đến nay các công tác khắc phục hậu quả đã hoàn tất, nông dân các xã của 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã hoàn thành cộng việc xử lý ao nuôi, sẵn sàng cho đợt thả nuôi lứa tôm, cá mới.
Theo báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)