Các nước trên thế giới đối phó dịch tả lợn châu Phi bằng cách nào?
Trong bối cảnh Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những biện pháp sáng tạo để ngăn chặn đại dịch nguy hiểm này.
Dịch tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu ở Kenya năm 1921 và nhanh chóng lan sang các quốc gia châu Phi khác. Năm 1957, dịch tấn công Bồ Đào Nha. Ba năm sau, tả lợn châu Phi lại trỗi dậy ở Bồ Đào Nha với quy mô lớn. Từ đây, bệnh lan sang Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Malta, Bỉ, Hà Lan rồi vượt đại dương đến Trung và Nam Mỹ (Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Brazil).
Năm 2007, Dịch tả lợn châu Phi vào Georgia qua cảng và lan sang các nước láng giềng như Armenia và Azerbaijan. Cuối năm đó, dịch xâm nhập Nga qua những con lợn rừng mắc bệnh ở biên giới với Georgia. Ban đầu, dịch chỉ ảnh hưởng đến quần thể lợn rừng phía nam nước này, sau đó lây sang lợn nuôi. Từ năm 2009 đến 2011, Nga trải hai đợt bùng phát Dịch tả lợn châu Phi. Tháng 7/2012, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nhận báo cáo của Ukraine về lần đầu tiên dịch xuất hiện trên lợn nuôi. Tháng 6/2013, đến lượt Belarus bị ảnh hưởng.
Từ năm 2014 đến 2015, Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện ở các nước châu Âu nhưng chủ yếu ảnh hưởng tới lợn rừng. Năm 2017, dịch lan sang hai nước mới là Czech và Romania. Theo thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả lợn châu Phi, trong đó nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Trung Quốc - nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức công bố Dịch tả lợn châu Phi. Tính đến ngày 22/5, Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là hơn 1,6 triệu con, chiếm gần 6% tổng đàn lợn của cả nước.
Không chỉ tại Việt Nam, Dịch tả lợn châu Phi đã và đang hoành hành tại Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Phi, châu Á và châu Âu gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trước mức độ nguy hiểm của dịch, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp khống chế dịch cấp bách.
Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: ABC News
Trung Quốc dùng công nghệ cao chống dịch
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ và chăn nuôi lợn lớn nhất trên thế giới. Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại đây từ năm 2018. Hiện nay, một số cơ sở chăn nuôi lợn lớn tại Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để nhận diện sớm dịch.
Truyền thông địa phương cho biết các doanh nghiệp công nghệ lớn như Alibaba và JD.com còn dùng công nghệ nhận dạng khuôn mặt và giọng nói để giám sát sức khỏe của lợn nuôi, phát hiện những triệu chứng bệnh và thay đổi trong hành vi của con vật.
Đan Mạch xây hàng rào “chống lợn hoang”
Đan Mạch đã lên kế hoạch xây dựng hàng rào dài 70 km dọc biên giới quốc gia này để ngăn không cho lợn hoang xâm nhập và lây lan dịch tả lợn châu Phi. Ngành chăn nuôi lợn tại Đan Mạch đóng vai trò quan trọng bởi xuất khẩu thịt lợn của quốc gia này riêng trong năm 2017 đã thu về 2,7 tỷ USD.
Ông Jens Monk Ebbesen tại Hội đồng Thực phẩm và Nông nghiệp Đan Mạch cho biết nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi có thể lan truyền qua nhiều quốc gia châu Âu như Bỉ, CH Séc, Hungary một phần do lợn hoang ăn thực phẩm nhiễm virus dịch tả mà con người vứt đi.
Được biết, Đan Mạch đã khởi động thi công hàng rào ngăn lợn hoang từ đầu năm 2019. Tổng chi phí cho công trình này là vào khoảng 10 triệu euro, trong đó nông dân sẽ ủng hộ 4 triệu euro.
Theo ABC News, thịt lợn bị dịch tả đã được tìm thấy ở Australia vào tháng 1. Chính phủ Australia đã cảnh giác cao độ và khoanh vùng để kiểm tra chặt chẽ hàng hóa, nhất là thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến lợn từ khu vực có nguy cơ cao. Thức ăn đông lạnh cho chó, thịt lợn khô và tai lợn khô là một trong những nguồn gây Dịch tả lợn châu Phi.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)