Chăn nuôi gia cầm ngấp nghé bờ vực thua lỗ
Ngành chăn nuôi, nhất là sản phẩm gia cầm đang ngấp nghé bên bờ vực thua lỗ do chi phí quá lớn.
http://media.baogiaothong.vn/files/Baogiay/2015/08/25/24-0711.jpg
Anh Hải chuyển hướng sang “rửa gà” do chăn nuôi khép kín thua lỗ
“Một tiền gà, ba tiền thóc”
Giữa cái nắng trưa gần 40 độ C, anh Mạc Tuấn Hải, chủ trang trại gà sạch Sơn Trại tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc chạy đi chạy lại hướng dẫn nhóm nhân viên thí nghiệm cách bảo quản gà sau giết mổ mới. Anh Hải cho biết, trang trại gà của anh có 10 lao động, đang nuôi gần 10 nghìn con gà thịt. Hồi năm 2007, anh vay bạn bè, cầm sổ đỏ cả nhà mình và nhà vợ được ít vốn để nuôi gà sạch và lợn sạch rồi dần phát triển lên quy mô trên 2 tỷ đồng. “Tuy nhiên, do chi phí thức ăn quá lớn, gà bị bệnh nhiều, lại khó tìm được thị trường tiêu thụ nên lỗ 700 triệu đồng!”.
Nay anh Hải chỉ “chuyên tâm” khai thác hai giống gà Dabaco giá 133 nghìn đồng/kg và gà Phùng giá 160 nghìn đồng/kg. Gà cũng không nuôi theo hình thức khép kín nữa (mua con giống về nuôi, vỗ lớn, giết mổ và vận chuyển tới nơi tiêu thụ) mà chuyển sang “rửa gà”. Cụ thể, trang trại lấy giống, ký kết với bà con nông dân nuôi lớn đến bốn tháng tuổi, rồi gom về nuôi tiếp bằng các loại thức ăn sạch đến khi xuất chuồng."Chúng ta đã thấy thịt gà của Việt Nam đang quá đắt, chăn nuôi gà của Việt Nam đang quá nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Vấn đề là phải cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nếu không chúng ta sẽ thua trên sân nhà”.
Chuyên gia kinh tế
Lê Đăng Doanh
Anh Hải tính toán, để sản xuất một kg thịt gà thành phẩm, anh phải bỏ ra 60 nghìn đồng chi phí mua gà hơi về “rửa”; chi phí thức ăn (thóc mầm, ngô nghiền và đậu tương) và thuốc thú y 30 nghìn đồng; chăm sóc, giết mổ, vận chuyển 7 nghìn đồng, hao hụt gà khi vỗ béo 13 nghìn đồng, hao hụt gà chết do bệnh tật 10 nghìn đồng…, tổng cộng 120 nghìn đồng (chưa kể chi phí thuê đất). Như vậy, sau khi trừ chi phí, mỗi kg gà anh Hải chỉ lãi xấp xỉ 13 nghìn đồng. “Tuy nhiên, nếu chẳng may có dịch bệnh thì cầm hòa cũng khó”, anh Hải nói.
Trang trại của anh Hải được đầu tư bài bản và tính toán khoa học mà thu nhập còn bấp bênh. Các hộ nhỏ, lẻ, dù một số chi phí có thể tận dụng như rau, thóc “nhà trồng được” hay thức ăn thừa, song nhiều người vẫn phải bỏ chăn nuôi do đầu ra thiếu ổn định trong khi thời tiết, dịch bệnh khắc nghiệt. Như bác Lưu Thị Tám (Quỳnh Phụ, Thái Bình), nhà đang nuôi 10 con gà đẻ và 15 con gà thịt, cho biết đang tính bỏ đàn do thua lỗ!
Con giống vừa đắt vừa tốn
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, con giống hiện chiếm khoảng 6,7-7,2% trong chi phí sản xuất. Do đó, nếu giảm được khoản chi phí này xuống thì bài toán giảm chi phí sản xuất sẽ có đáp án. Không những thế còn có thể giảm thêm mức tiêu tốn thức ăn.
Không riêng trang trại anh Hải, tình trạng chi phí chăn nuôi đắt đỏ là bài toán đau đầu của ngành này. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát xác nhận, chi phí sản xuất 1 kg thịt gà tại Thái Lan là 1,2 USD còn tại Việt Nam lên tới 1,6 USD. Về con giống, gà giống Thái Lan chỉ 0,3 USD/con trong khi Việt Nam 0,6 USD/con. Không chỉ đắt, con giống còn chưa đạt chuẩn nên tiêu tốn rất nhiều thức ăn và thời gian chăn nuôi. Cụ thể, Bộ NN&PTNT cho biết, tỷ lệ nuôi sống của gà nội chỉ đạt khoảng 70%, tiêu tốn khoảng 3,3 kg thức ăn/kg tăng trọng, thời gian nuôi dài khoảng 110 ngày. Đối với gà thả vườn, tỷ lệ nuôi sống đạt 90%, tiêu tốn khoảng 2,8 kg thức ăn/kg tăng trọng, thời gian nuôi từ 90-110 ngày. Đối với gà công nghiệp, tỷ lệ nuôi sống 95%, tiêu tốn khoảng 2 kg thức ăn/kg tăng trọng, thời gian nuôi 45 ngày.Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, trong 7,864 triệu hộ nuôi gia cầm, số hộ quy mô nhỏ (dưới 100 con) chiếm 89,62% (trong đó quy mô hộ siêu nhỏ nuôi 1-19 con chiếm tới 54,39%) nhưng chỉ sản xuất 30% tổng sản lượng thịt gia cầm.
Bộ trưởng Cao Đức Phát sốt ruột: “Tôi đã đặt hàng với Cục Thú y một năm nay chưa có câu trả lời. Trong một cuộc họp, Cục trưởng Cục Thú y nói tỷ lệ chết của gia cầm non là 10-15% nhưng tôi thấy có thể cao hơn. Tôi đã giao cho Cục Thú ý điều tra về tỷ lệ này nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo”.
Theo Báo Giao Thông
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)