Cửa khẩu Cha Lo: Kiểm dịch trâu, bò nhập khẩu qua loa, hiểm họa dịch bệnh
Cửa khẩu quốc tế Cha Lo mỗi ngày có hàng trăm con trâu, bò được nhập khẩu nhưng việc kiểm dịch tại đây lại rất sơ sài khiến người ta lo lắng dịch bệnh dễ dàng lọt vào Việt Nam, và đặt ra bộ phận kiểm dịch tại đây để làm gì?
Ngày 27/7, có khoảng 15 chiếc xe chở trâu, bò như vậy qua cửa khẩu
Kiểm dịch sơ sài
Chứng kiến tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, mỗi ngày có khoảng 15 đến 20 chiếc xe tải chở trâu, bò từ Thái Lan quá cảnh qua Lào nhập về Việt Nam. Sau đó, trâu, bò được chuyển về tập kết tại hai trại cách ly kiểm dịch cách cửa khẩu chừng 7km.
Theo quan sát, những chiếc xe tải chở trâu, bò đi qua cửa khẩu chỉ mất khoảng 20 phút để làm thủ tục. Tại đây, có mặt cán bộ Trạm Kiểm dịch thú y của Cơ quan Thú y vùng 3 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhưng gần như họ chẳng làm gì.
Theo quy định của trạm thú y cửa khẩu, phải phun tiêu độc, khử trùng, bấm lỗ tai đeo số đã kiểm tra lâm sàng cho trâu, bò. Tuy nhiên, qua quan sát thì không khâu nào được thực hiện hoặc thực hiện rất sơ sài để rồi trâu, bò ung dung qua cửa khẩu một cách dễ dàng.
Ghi nhận trong chiều 27/7, có khoảng 15 xe chở, trâu bò qua Cửa khẩu Cha Lo, chúng tôi bám theo những chiếc xe này về trại cách ly kiểm dịch của Cty TNHH Đoàn Kết Phú Quý và Cty TNHH Lê Dũng Linh (đều có trụ sở tại thị xã Ba Đồn - Quảng Bình).
Khoảng 18h, tại trại cách ly kiểm dịch của Cty TNHH Đoàn Kết Phú Quý, chỉ vài chiếc xe chở trâu, bò được bốc xuống và cho vào trại cách ly. Số còn lại được chuyển sang xe khác đợi sẵn hoặc nằm chờ đến tối thì vận chuyển về xuôi. Cách đó vài trăm mét là trại cách ly kiểm dịch của Cty TNHH Lê Dũng Linh cũng trong tình trạng như vậy.
Theo số liệu từ Trạm Kiểm dịch cơ quan thú y vùng III, trong 3 ngày từ 26 đến 28/7, Cty TNHH Lê Dũng Linh nhập về 462 con trâu, bò; Cty TNHH Đoàn Kết Phú Quý nhập 189 con. Riêng ngày 27/7, Cty TNHH Đoàn Kết Phú Quý nhập về 118 con trâu, bò, còn Cty TNHH Lê Dũng Linh nhập về 124 con.
Tuy nhiên, sáng 28/7, khi chúng tôi quay lại hai trạm cách ly kiểm dịch thì chỉ còn lại một số ít trâu, bò. Riêng trạm cách ly kiểm dịch của Cty Lê Dũng Linh trống trơn không còn con trâu, bò nào.
Sáng 28/7, khu vực cách ly kiểm dịch của Cty TNHH Lê Dũng Linh đã trống trơn
Trưởng trạm kiểm dịch nói gì?
Để tìm hiểu quy trình kiểm thông quan, cách ly kiểm dịch trâu, bò nhập qua Cửa khẩu Cha Lo, chúng tôi đã làm việc với ông Bùi Quang Châu - Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch cơ quan thú y vùng III tại Cha Lo.
Ông Châu cho biết: “Sau khi hàng (trâu, bò - NV) về, doanh nghiệp khai báo, xem xét hợp lệ thì sẽ thông báo cho doanh nghiệp địa điểm tập kết kiểm tra, kiểm tra lâm sàng, khi nào thủ tục đầy đủ đảm bảo thì mới làm thủ tục nhập khẩu về khu cách ly. Thời gian theo dõi kiểm tra tại khu cách ly không quá 24h”. Ông Châu cho rằng không có việc trâu, bò được vận chuyển qua cửa khẩu rồi đi thẳng mà không qua khu cách ly kiểm dịch.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi việc lấy các mẩu kiểm định trâu, bò tại khu cách ly trong thời gian bao lâu thì có kết quả, ông Châu trả lời: “Cái đó chúng tôi lấy mẫu xong gửi ra cơ quan kiểm dịch thú y vùng III ngoài TP Vinh (Nghệ An), rồi họ kiểm tra và phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình và Chi cục Thú y tỉnh Quảng Bình có trách nhiệm thông báo với chủ hàng, chứ thời gian có kết quả thì tôi không rõ lắm”.
Tại Điều 6 Chương III Thông tư 27/2009/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Thời gian nuôi cách ly kiểm dịch động vật nhập khẩu là 15 ngày tại các khu cách ly đúng tiêu chuẩn quy định. Và công bố kết thúc thời gian nuôi cách ly kiểm dịch đối với trâu, bò nhập khẩu đáp ứng các điều kiện sau: Khỏe mạnh về lâm sàng, có kết quả âm tính đối với các bệnh được kiểm tra, đã được tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định và đã được phun tắm thuốc diệt ký sinh trùng ngoài da; mới được xuất hàng đi tiêu thụ.
Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là với quy trình cách ly kiểm dịch sơ sài trong vòng 24h như ông Châu nói, thậm chí chỉ vài giờ hoặc đi thẳng không qua khu cách ly kiểm dịch, thì số trâu, bò trên đã thực sự “sạch” trước khi đi sâu vào nội địa để tiêu thụ hay chưa? Nếu làm sơ sài sai quy định như tại khu vực này, hiểm họa dịch bệnh trâu, bò nhập khẩu mang vào Việt Nam có thể bùng phát.
Theo báo Pháp Luật
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)