Đề nghị phân quyền công bố dịch bệnh động vật cho cấp huyện
Chiều 23/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thú y.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, các đại biểu Quốc hội tán thành quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y có từ T.Ư đến cấp huyện. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về cách thể hiện khi quy định đối với hệ thống cơ quan này ở cấp tỉnh và cấp huyện.
Sau khi cân nhắc một cách kỹ lưỡng từ các phương diện khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y theo cách không ghi cụ thể tên cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ở cấp tỉnh và cấp huyện.
http://cdn.ktdt.vn/mfiles/data/2015/05/8102C4FB/dbenh.jpg
Ảnh minh họa
Một trong những nội dung được các đại biểu (ĐB) thảo luận nhiều nhất là thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn (Điều 26). Đa số ý kiến tán thành thẩm quyền công bố dịch động vật trên cạn ở địa phương nên phân cấp đến Chủ tịch UBND cấp huyện. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị chỉ nên phân cấp đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh như quy định của Pháp lệnh Thú y hiện hành. ĐB Hoàng Thị Tố Nga (đoàn Nam Định) cho rằng, việc công bố dịch đồng thời phải xác định vùng có dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Nếu thẩm quyền công bố dịch giao cho Chủ tịch UBND tỉnh thì có tính bao quát, giảm được thủ tục hành chính.
Tuy nhiên theo ĐB Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội), nếu thẩm quyền công bố dịch giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của cả tỉnh. Bởi thực tế, có tỉnh chỉ có ít địa phương bị dịch và các huyện khác vẫn phát triển chăn nuôi an toàn. Nếu công bố dịch cấp tỉnh thì việc tiêu thụ sản phẩm ở các vùng chăn nuôi an toàn của tỉnh đó sẽ gặp khó khăn. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thẩm quyền công bố dịch nên giao cho Chủ tịch UBND cấp huyện nhưng mặt khác phải quy định chi tiết tỷ lệ dịch lây lan là bao nhiêu phần trăm. “Nếu không đưa cụ thể được vào luật là bao nhiêu phần trăm thì phải giao cho Bộ NN&PTNT xây dựng quy định cụ thể”- ĐB Thúy phát biểu.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về bản chất, việc công bố dịch nhằm xác lập vùng có dịch để có biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Việc công bố dịch cần phải kịp thời, chính xác, phù hợp quy mô và tính chất của mỗi loại dịch bệnh… để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra và bảo đảm hiệu quả khi tổ chức chống dịch. Hiện tại, thẩm quyền công bố dịch tại địa phương được giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo Pháp lệnh Thú y hiện hành (Điều 17).
Tuy nhiên, thực tiễn việc thực thi quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập như: Không rõ trách nhiệm chính quyền huyện, xã với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; việc công bố dịch có thời điểm chưa kịp thời, có tình trạng “giấu dịch”, “chậm công bố dịch” làm dịch bệnh lây lan không thể kiểm soát… Hơn nữa, việc quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố dịch dễ tạo tâm lý toàn tỉnh đó có dịch bệnh, gây tác động bất lợi cho việc kinh doanh động vật và sản phẩm động vật ở tỉnh, TP đã công bố dịch.
Do vậy, sau khi cân nhắc về năng lực thực tế của các địa phương cũng như các quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền của UBND các cấp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị với Quốc hội phân cấp thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn tới Chủ tịch UBND cấp huyện và xin thể hiện như tại khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật.
Theo báo Kinh tế Đô thị
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)