Để trở thành nước nông nghiệp hùng mạnh
Tính từ ngày thống nhất đất nước, giang sơn trở về một mối đến nay đã được 40 năm, vị thế đất nước đã được nâng cao, con đường hội nhập với thế giới văn minh đang rộng mở.
http://nongnghiep.vn//upload//2015/8/24/564x378_bo-thit101301603.jpg
Nuôi bò ngoại chất lượng cao, hướng đi mới của nhiều địa phương. Ảnh: Vũ Sinh.
Khát vọng về một Việt Nam hùng mạnh, hòa bình bền vững lại trỗi dậy mạnh mẽ trong mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta nói chung vẫn còn mang nặng tích tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu và kém cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Những ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực có sức mạnh đổi mới quốc gia chưa định hình.
Dưới đây, chúng tôi xin thảo luận về những tiềm năng và một số quyết sách đổi mới trong điều kiện hội nhập.
1. Ba dòng chảy của nền văn minh nhân loại và cơ hội có một không hai
Hiện nay trên thế giới đang tồn tại 2 xu thế phát triển đối lập nhau: Thế giới tiến tới phẳng hơn nhờ các dòng chảy vĩ đại mang tính toàn cầu của “tri thức, công nghệ, tiền tệ”. Thế giới phân cực, chia rẽ sâu sắc hơn về lợi ích, với các rào cản thương mại và đầu tư ở các mức độ và quy mô khác nhau.
Thế giới tiến tới phẳng hơn là xu thế tất yếu, chủ đạo, một trào lưu mang tính toàn cầu, tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển văn minh của nhân loại. Xu thế này đã hình thành và phát triển mạnh mẽ nhờ các thành tựu KH-CN vĩ đại nhất của nhân loại và phát triển thương mại tự do.
Sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những thế năng khổng lồ cho sự vận động toàn cầu, với những dòng chảy làm đổi mới thế giới.
Đó là 3 dòng chảy cơ bản của tri thức, công nghệ, tiền tệ với sức mạnh công phá chưa từng thấy, đòi hỏi sự phá vỡ các rào cản biên giới. Kèm theo chúng là dòng chảy hàng hóa, thiết bị, nguyên liệu, lao động, du lịch, văn hóa... Các dòng chảy đó đã làm cho một số quốc gia nổi lên giàu mạnh nhanh chóng về mọi phương diện.
Trí tuệ điều khiển 3 dòng chảy văn minh nhân loại?
Ba dòng thác trên của văn minh nhân loại, ví như những cột nước lớn đổ vào các rotors ở các nhà máy thủy điện, có thể làm sáng rỡ đất nước. Nhưng ai sẽ là người có khả năng làm chủ và điều tiết được các dòng chảy đó?
Trí tuệ. Trí tuệ và trí tuệ tinh hoa, những con người cụ thể, những công dân toàn cầu sẽ là người điều khiển các dòng chảy đó và vận mệnh quốc gia. Ở đây nổi lên câu hỏi về tháp trí tuệ và vai trò quản lý, sử dụng nhân tài quốc gia.
Theo thống kê của các nhà tâm lý học và nhân chủng học, trên thế giới có sự phân bố theo quy luật của những khả năng trí tuệ ở con người, trong đó số người có trí tuệ trung bình vào khoảng 68,2%, khả năng trí tuệ khá khoảng 13,6%, khả năng trí tuệ nổi trội 2,1% và những cá nhân siêu việt chiếm khoảng 0,13%.
Như vậy, sẽ có khoảng 2,23% dân số có năng lực trí tuệ và tư duy nổi trội và xuất sắc. Tháp trí tuệ càng lên cao sẽ càng nhọn hơn, ít người hơn, nhưng đó là trí tuệ tinh hoa mà mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi ngành, mỗi địa phương và gia đình có thể mong đợi.
Mỗi năm nước ta có khoảng 1 triệu học sinh kết thúc lớp 12, dự kiến sẽ có khoảng 22.300 em có trí tuệ nổi trội trở lên và khoảng 1.300 em xuất sắc. Đó là kho báu, nguồn tài nguyên cốt lõi của dân tộc, đủ phân bổ cho tất cả các lĩnh vực từ triết học, chính trị, kinh tế, xã hội, KHCN và nghệ thuật.
Năm 2013, theo Bộ GD-ĐT, số lượng sinh viên đi du học nước ngoài lên đến 125.000 em, trong đó có khoảng 10% em giỏi có học bổng (khoảng 12.500 em). Số lượng sinh viên du học tại Mỹ vào khoảng 17.000 em.
Ngoài ra còn hàng chục nghìn em đang được đào tạo ở các trường hàng đầu trong nước. Nếu lực lượng trí tuệ đó được phân bổ đào tạo và sử dụng hợp lý, nước ta sẽ không thiếu lực lượng trí tuệ tinh hoa cho mọi ngành, mọi địa phương, mọi doanh nghiệp.
Nếu đánh mất lực lượng trí tuệ đó, lực lượng lao động nước nhà có thể chỉ còn lao động gia công cho nước ngoài. Hiệu quả của ngành giáo dục quốc gia sẽ bị tước đoạt và giảm sút thảm hại.
Việc phân bổ đào tạo và sử dụng hợp lý nhân tài phải được xem là một trong các chỉ số quan trọng nhất để đánh giá vai trò và trách nhiệm của các cấp quản lý quốc gia.Nước ta đã thắng oanh liệt trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, bởi sức mạnh đoàn kết thống nhất với những binh chủng, quân chủng và các tướng lĩnh mặt trận anh hùng. Vậy chúng ta có thể sáng tạo sức mạnh tổng hợp của dân tộc trong cuộc “kháng chiến dựng nước” không? Các dòng chảy của văn minh nhân loại có được điều khiển bởi các trí tuệ quốc gia xuất sắc không? Đó là điều mà chúng ta lo ngại và băn khoăn nhất.
Đòn bẩy trí tuệ của nền kinh tế?
Vai trò của khoa học gia trong nền kinh tế, trong đó có sản xuất nông nghiệp, cho đến nay còn bị đánh giá rất thấp và chưa được sử dụng đúng tầm.
Đây là một “sai lầm lịch sử” của nước ta. Sai lầm này kéo dài đã mấy chục năm nay và vẫn đang tiếp diễn. Nếu chúng ta không khắc phục nhanh hạn chế này, thì dân tộc ta sẽ vĩnh viễn chỉ là một dân tộc “gia công” cho nước ngoài.
Sự phát triển của nền kinh tế quốc gia sẽ phụ thuộc vào 2 đòn bẩy trí tuệ: Trí tuệ kinh tế và Trí tuệ khoa học - công nghệ.
Trí tuệ kinh tế là ngọn đèn pha dẫn dắt nền kinh tế tới đích thị trường. Nhóm khoa học gia kinh tế đại điện cho trí tuệ kinh tế, trí tuệ thị trường của cả hệ thống sản xuất.
Họ phải phân tích hệ thống kinh tế quốc tế và trong nước, thị trường quốc tế và trong nước, sở trường và sở đoản của hệ thống để làm rõ lợi thế và ưu thế cạnh tranh.
Họ phải nắm chắc hiện tại và dự báo tương lai thị trường một cách khoa học để xây dựng chiến lược kinh tế lâu dài và bền vững. Trí tuệ kinh tế sẽ quy định: Sản xuất cái gì? Quy mô sản xuất và khối lượng sản phẩm là bao nhiêu? Thị trường tiêu thụ ở đâu? (bán cho ai, khối lượng bao nhiêu, chất lượng thế nào? Bán ở đâu và vào thời điểm nào sẽ đạt hiệu quả cao nhất?).
Nhóm khoa học gia kỹ thuật sẽ quy định sản xuất như thế nào. Trí tuệ kỹ thuật sẽ quy định sản xuất như thế nào đối với từng loại sản phẩm? Làm thế nào để sản xuất được sản phẩm với chất lượng và giá cạnh tranh, với khối lượng và thời gian cung ứng kịp thời sản phẩm cho các đơn đặt hàng của thị trường.
Trí tuệ kỹ thuật giải quyết vấn đề mà chuyên gia kinh tế đặt ra là làm thế nào để cung ứng cho thị trường đủ số lượng và chất lượng, vào đúng thời điểm thị trường có nhu cầu cao.
Trí tuệ kinh tế và trí tuệ kỹ thuật phải đóng vài trò đòn bẩy của hệ thống sản xuất. Hai đòn bẩy đó càng mạnh bao nhiêu thì hệ thống sẽ được nâng cao bấy nhiêu. Năng suất và hiệu quả lao động của hàng vạn, hàng triệu nhân công, của khoảng 13 triệu hộ nông nghiệp, phụ thuộc vào 2 đòn bẩy này.
Thực tế cho thấy, chúng ta đang thiếu hụt cả “trí tuệ gia kinh tế” và “trí tuệ gia kỹ thuật”. Khi bắt đầu bất kỳ vấn đề đổi mới gì, ta đều cảm thấy thiếu hụt nguồn lực con người. Vậy, tại nguồn lực thiếu hay thiếu giải pháp đào tạo và khai thác nguồn lực?
Câu hỏi này có lẽ đã được chúng tôi giải đáp ở trên.
2. Đổi mới kinh tế đối ngoại
Mỗi địa phương, mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp và HTX phải có chiến lược con người để phát triển kinh tế đối ngoại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Phát triển kinh tế đối ngoại là động lực và sách lược quan trọng hàng đầu để đột phá phát triển.
Các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) giữa các nước và nhóm các nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy 3 dòng chảy tri thức, công nghệ và tiền tệ. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hiện trên thế giới có khoảng gần 400 Hiệp định FTA song phương, đa phương có hiệu lực.
Thông tin từ Bộ Tài chính ngày 3/6/2015 cho biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương và đang chuẩn bị ký TPP.
Các đối tác quan trọng của nước ta như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều là các quốc gia văn minh nhất thế giới hiện nay. Chưa bao giờ nước ta hội tụ được những đầu mối quan hệ quốc tế rộng rãi, sâu sắc và thuận lợi như vậy. Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam đã thực sự đặt mình vào dòng chảy toàn cầu.
Thắng hay thua trong cuộc hòa nhập trong dòng chảy vĩ đại này là một cuộc thử thách cam go và hào hùng đối với năng lực trí tuệ của toàn dân tộc.
3. Đổi mới phương thức sản xuất là cấp bách và không thể chậm trễ
Đổi mới phương thức sản xuất nhỏ, manh mún, tự cung, tự cấp kiểu phong kiến sang phương thức sản xuất lớn, tập trung là yếu tố quyết định đối với thắng lợi của hội nhập phát triển.
Phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta hết sức lạc hậu, mang nặng tính phong kiến. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, tự cung tự cấp là chính, công cụ sản xuất lạc hậu.
Mỗi gia đình có nhiều mảnh ruộng ở nhiều cánh đồng khác nhau, mỗi mảnh ruộng bằng chiếc chiếu manh. Mỗi nông hộ cày cuốc trên mảnh đất bằng manh chiếu, mỗi nhà trồng cấy một loại giống, theo một quy trình kỹ thuật tùy tiện, chất lượng sản phẩm khó kiểm soát, quy mô sản phẩm, hàng hóa nhỏ không có thương hiệu, giá trị thương mại kém.
Đó là “Nền nông nghiệp chiếu manh”, phổ biến ở nước ta. Phương thức sản xuất này hoàn toàn đối lập với định hướng nông nghiệp công nghiệp hóa và kinh tế thị trường trong thời đại hội nhập. Do vậy, đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn là cấp bách.
Nếu chậm trễ, đến năm 2020-2030 thật khó nói rằng nước ta về cơ bản đã trở thành nước công nghiệp, trong khi khoảng 13 triệu hộ nông dân với khoảng 70% dân số vẫn đang ở tình trạng nông nghiệp manh mún, lạc hậu kéo dài.Mỗi địa phương, mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp và HTX phải xây dựng chiến lược hợp tác quốc tế và chiến lược con người để phát triển kinh tế đối ngoại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Tuy nhiên tính chất phân tán, tản mạn, manh mún, phát triển tự phát của nền kinh tế sẽ không thể cho phép chúng ta tạo ra sức mạnh cạnh tranh hội nhập.
Đổi mới phương thức sản xuất là quyết tử hay quyết sinh đối với nông nghiệp nước nhà, là một chỉ số hàng đầu để đánh giá tài năng và phẩm giá của người lãnh đạo trong thời đại hiện nay.
Mô hình các HTX kiểu mới
Nơi nào hội tụ được các khả năng đổi mới công cụ và thiết bị lao động, đặc biệt là cơ giới hóa; nơi nào sản xuất có định hướng thị trường quy mô lớn tương đối ổn định; nơi nào có các lãnh đạo tiền phong; nơi đó nên tổ chức các HTX kiểu mới sản xuất theo định hướng công nghiệp có thương hiệu và chất lượng tin cậy.
Mô hình nông nghiệp “con thuyền lớn tiến ra biển lớn”
Gần đây, ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình sản xuất lớn. Một hoặc nhiều cánh đồng rộng lớn chỉ sản xuất một giống, một mặt hàng, theo một quy trình canh tác, cơ giới hóa toàn bộ các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến chất lượng cao.
Mô hình tổ chức sản xuất như vậy, chúng tôi gọi là “mô hình con thuyền lớn tiến ra biển lớn”, tiến tới thị trường quốc tế và nông nghiệp hiện đại. Đây có thể là một trong các phương thức tổ chức nông nghiệp đặc thù và hiệu quả, bên cạnh các HTX kiểu mới và các doanh nghiệp độc lập.
Sự khác biệt của “mô hình con thuyền lớn” là nó thể hiện tư duy hệ thống trong tổ chức sản xuất. Trên con thuyền này, vai trò của từng tầng lớp xã hội được thể hiện rõ ràng. Trong tương lai, cần tổ chức tập đoàn các “con thuyền lớn” tiến ra biển lớn, đó là thị trường quốc tế.
Quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm
Gần đây, được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đã kết hợp với Công ty Mía Đường Lam Sơn xây dựng đề án “Xa lộ nông nghiệp công nghiệp hóa đường Hồ Chí Minh” khởi đầu từ khu vực Thanh Hóa.
Thanh Hóa và Nghệ An gộp lại có dân số và diện tích đất bằng đúng dân số và diện tích Israel. Nhưng đất nông nghiệp rộng lớn hơn, phì nhiêu hơn cả trăm lần. Thanh - Nghệ lại là mảnh đất địa linh nhân kiệt của nước ta.
Vị trí địa lý 2 tỉnh ở khu vực châu Á, có nền kinh tế phát triển nhanh nhất, thị trường lớn nhất và năng động nhất thế giới. Vùng này cũng rất gần cảng biển và các khu công nghiệp lớn tương lai.
Các thành phố nông nghiệp sinh học hiện đại theo hướng công nghiệp đang manh nha xây dựng, gồm công nghiệp mía đường công nghệ cao, công nghiệp cam không hạt, công nghiệp chế biến sinh khối, công nghệ sinh học giống, phân bón. Đặc biệt, công nghiệp sữa với 2 trụ cột là TH True Milk và Vinamilk.
Ở đây có thể xây dựng 3 nền tảng của ngành chăn nuôi: “Công nghiệp xanh” - Đồng cỏ; “Công nghiệp trắng” - sữa; “Công nghiệp đỏ” – thịt; Công nghiệp rau cao cấp và an toàn theo chuẩn “Global GAP” đang hình thành với ưu thế khí hậu, đất đai màu mỡ, rộng lớn, nước sạch, không khí trong lành.
Theo Báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)