Đề xuất lại nhập chất “tạo nạc”: Người nuôi, người ăn đều “run rẩy”
Sau 9 tháng tạm dừng nhập khẩu, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có đề xuất cho nhập chất salbutamol trở lại với mục đích dùng để chữa bệnh hen suyễn. Đây chính là chất đã được nhiều đối tượng làm ăn gian dối, lợi dụng cho lợn ăn để tăng tỷ lệ nạc trong thịt đã gây bức xúc dư luận suốt thời gian qua…
Trao đổi với NTNN, nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý thừa nhận chúng ta không thể cấm nhập khẩu salbutamol, song nếu cho nhập về cần kiểm soát chặt chẽ và sử dụng phải đúng mục đích.
Các hộ chăn nuôi lo bị… ảnh hưởng
Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi & Dịch vụ Cổ Đông (TX. Sơn Tây, HN) lo lắng việc Bộ Y tế tiếp tục nhập salbutamol sẽ khiến tình trạng lạm dụng chất này trong chăn nuôi sẽ tái diễn. Ảnh: Đình Thắng
Ngày 24.8, trao đổi với NTNN về việc Bộ Y tế, vừa cho phép nhập khẩu lại salbutamol sau gần 9 tháng tạm dừng, ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi & Dịch vụ Cổ Đông (TX.Sơn Tây, Hà Nội) lo lắng: “Thời gian trước đây, việc sử dụng salbutamol được báo chí phản ánh rất nhiều, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ NNPTNT đã tổ chức rất nhiều đoàn thanh-kiểm tra và bắt được rất nhiều họ sử dụng chất này. Cùng với thanh-kiểm tra, Bộ Y tế đã tạm dừng nhập salbutamol nên tình trạng sử dụng chất này trong chăn nuôi đã yên ắng trở lại. Giờ Bộ Y tế lại tiếp tục nhập, tuy nhiên việc nhập chất này là để sản xuất thuốc và chữa bệnh nên không thể cấm được. Nhưng điều tôi lo ngại là các thương lái sẽ lại yêu cầu người nuôi trộn chất này để lợi đẹp mã, tăng lượng nạc. Mặc dù nhiều người nuôi đã ý thức được sử nguy hiểm đối với người tiêu dùng khi lợn có chất tạo nạc, nhưng vẫn còn một số bộ phận do hám lợi nên có thể vẫn sẽ lén lút dùng”.
Ông Chiến cho biết thêm: “Dù HTX Chăn nuôi & Dịch vụ Cổ Đông chưa ghi nhận trường hợp nào sử dụng chất tạo nạc salbutamol trong chăn nuôi, nhưng cá nhân tôi rất lo lắng, bởi vì nếu tình trạng sử dụng chất tạo nạc salbutamol dù chỉ là lẻ tẻ, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi nói chung và những hộ nuôi chân chính, khi người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn thì người nuôi sẽ rất khốn khó, giá cả sẽ tụt dốc rất nhanh. Vì vậy tôi đề nghị Bộ Y tế quản lý chặt chẽ lượng salbutamol nhập về dựa trên nhu cầu thực tế của các đơn vị sản xuất thuốc, Bộ NNPTNT cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, bảo vệ người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, gần 2 năm qua, các chiến dịch “tẩy chay” chất cấm đã được Hiệp hội và các thành viên tích cực thực hiện. Do đó, tới thời điểm hiện tại, hiểu biết của người chăn nuôi trong khu vực về những tác hại của chất tạo nạc đã khá hơn nhiều. Quan trọng hơn, sau khi báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được hình sự hóa. Theo đó, trong Bộ luật Hình sự sửa đổi, người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tù từ 1-5 năm, ngay cả khi chưa xác định hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, nếu có tình tiết tăng nặng, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm.
Ông Công cho rằng, việc hình sự hóa hành vi này đã khiến nhiều người lo sợ, người chăn nuôi e dè chất cấm hơn trước vì sợ bị cơ quan chức năng phát hiện dẫn tới cảnh “tan cửa nát nhà”. Theo nhận định của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sản phẩm thịt heo trong khu vực chăn nuôi lớn nhất cả nước này đến nay đã cơ bản “sạch chất cấm”. “Vấn đề chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh hiện nay là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Còn chất cấm, chất tạo nạc, bà con sợ lắm rồi! Đã có nhiều hộ bị phát hiện có chất cấm, bị tiêu hủy cả đàn heo, lại còn bị phạt mất cả chì lẫn chài, nguy cơ tù tội nữa” - ông Công cho biết.3 Bộ quản chất salbutamol
Ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Chánh thanh tra Bộ NNPTNT cho biết: “Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phối hợp với Thanh tra Bộ NNPTNT trên nguyên tắc bảo mật, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh-kiểm tra đột xuất các khu vực có nguy cơ sử dụng, buôn bán chất cấm cao, thậm chí áp dụng các biện pháp giám sát, kiểm tra đặc biệt với tần suất dày. Từ năm 2015 đến nay sự phối giữa 2 bên rất tốt, nhiều vụ về chất cấm đã bị bắt và xử phạt. Về quản lý nhà nước, Cục Chăn nuôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc quản lý, kiểm soát sử dụng các chất cấm”. Như vậy, sẽ có 3 Bộ là Y tế, NNPTNT và Công an cùng quản lý việc nhập khẩu chất salbutamol này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thành, hộ chăn nuôi ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai), cho rằng, thị trường chăn nuôi từ đầu năm đến nay có giá khá tốt, nông dân đã có thể có lãi kha khá. Do đó, người chăn nuôi tập trung phát triển chuồng trại, hiện đại hóa quy trình chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào để có thể thu lợi nhuận cao hơn.
Theo ông Thành, việc giá heo luôn ở mức 42.000 – 45.000 đồng/kg như thời gian qua đã động viên người chăn nuôi rất nhiều. Thay vì sử dụng các biện pháp chăn nuôi không an toàn, sử dụng chất cấm dẫn tới nguy cơ bị thị trường tẩy chay như thời gian trước, ông Thành cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác đầu tư vào con giống, dinh dưỡng tốt cho heo…
Không nên quá lo lắng về thông tin nhập salbutamol?
Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C49, Bộ Công an) bắt quả tang một vụ buôn bán salbutamol tại TP.HCM. Ảnh: I.T
Trước thông tin Bộ Y tế tiếp tục cho nhập salbutamol, đồng thời phản ánh sự lo lắng của các hộ nuôi lợn, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã trấn an: “Việc Bộ Y tế tiếp tục nhập salbutamol sau 9 tháng tạm dừng là điều không thể tránh khỏi, bởi họ nhập để phục vụ sản xuất thuốc và chữa bệnh. Tôi được biết hiện nay việc nhập salbutamol cũng như cung cấp cho các đơn vị sản xuất thuốc được Bộ Y tế quản lý rất chặt chẽ, cả đầu vào đầu ra đều được kiểm sát nghiêm ngặt. Vậy nên theo quan điểm của tôi, chúng ta không quá lo lắng trước thông tin này. Bộ NNPTNT thời gian qua cũng đã kiểm soát việc sử dụng salbutamol trong chăn nuôi rất gắt gao, các đoàn kiểm tra từ trung ương đến địa phương đi kiểm tra liên tục, việc thanh kiểm tra này sẽ được thực hiện thường xuyên, xử phạt nặng đồng thời kết hợp với tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, tôi tin rằng tình trạng này sẽ không tái diễn.
Ông Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng: “Thời gian vừa qua tôi thấy sự vào cuộc của Bộ NNPTNT là rất nhạnh mẽ, tình trạng người nuôi sử dụng salbutamol đã được khống chế, kiểm soát. Tuy nhiên để giám sát chặt chẽ tình trạng này, để tạo ra thói quen chăn nuôi an toàn, bảo vệ người tiêu dùng, theo quan điểm của tôi, Bộ Y tế, Bộ NNPTNT cần phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa, thông tin liên tục và cùng kết hợp xử lý nhanh nhằm kiểm soát tốt tình hình. Các địa phương, sở ban ngành cần chủ động hơn nữa, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, đồng thời tăng cường các đợt kiểm tra đột xuất, có như thế tình trạng sử dụng salbutamol trong chăn nuôi mới chấm dứt triệt để được”.
Ngày 24.8, ông Đỗ Văn Đông – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, Cục “mở cửa” trở lại cho phép nhập khẩu salbutamol là vì nhu cầu sản xuất thuốc trong nước. Theo ông Đông, 9 tháng qua, Cục Quản lý Dược ngừng cấp phép nhập khẩu chất salbutamol là vì muốn các công ty đã nhập khẩu sử dụng hết lượng salbutamol đã nhập khẩu. Thời gian này, nếu công ty nào có nhu cầu sử dụng salbutamol để làm thuốc thì Cục Quản lý Dược sẽ giới thiệu sang các Công ty vẫn còn dư salbutamol để mua lại chứ không nhập khẩu. Còn hiện nay, lượng salbutamol đã cạn kiệt nên Cục có văn bản cho phép tiếp tục nhập khẩu sabutamol trở lại. Theo báo cáo, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5.215kg salbutamol, năm 2014 nhập 3.876kg.
Diệu Linh
Theo Dân Trí
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)