Dịch cúm A/H5N6 lần đầu tiên xuất hiện tại Nam Định
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 7,2 triệu con gia cầm. Trong đó 5,2 triệu con gà, số còn lại là vịt, ngan và ngỗng đang phải đối mặt với chủng virus cúm A/H5N6 lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh.
Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định cho biết trên địa bàn tỉnh Nam Định từ ngày mùng 1 đến ngày 10/10 phát hiện tình trạng gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N6 tại 4 hộ chăn nuôi tại xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản và xã Trực Phú, huyện Trực Ninh.
Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, tất cả các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus cúm gia cầm A/H5N6. Qua kiểm tra tiếp các hộ nuôi gia cầm, cơ quan thú y phát hiện thêm tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Trực Phú có gia cầm nhiễm bệnh, ốm, chết và phải tiến hành tiêu hủy theo quy định. Đến ngày 13/10, toàn bộ hơn 2.600 con gia cầm tại 4 hộ chăn nuôi đã bị tiêu hủy.
http://congly.com.vn/resize.550x-/data/news/2015/10/17/68/dichcumjpg1445051966.jpg
Dịch cúm A/H5N6 lần đầu tiên xuất hiện tại Nam Định
Ngay khi trên địa bàn xuất hiện các ổ dịch cúm A/H5N6, các địa phương đã thông báo tình hình dịch bệnh trên hệ thống loa truyền thanh của xã, đồng thời hướng dẫn nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh Nam Định xem xét công bố dịch.
Cục Thú y cho hay, các cơ quan thú y địa phương đến nay đã cho tiêu hủy toàn bộ các đàn gia cầm bị bệnh trên địa bàn đồng thời tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây dập dịch. Trước nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng, Cục Thú y đã cử cán bộ đi chỉ đạo chống dịch tại các địa phương trên.
Đối với các xã đang có dịch, tạm dừng việc ấp, nở, giết mổ, buôn bán gia cầm; lập các chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn trong thời gian có dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Người dân khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có phương án xử lý kịp thời. Đặc biệt, bà con không được giết mổ gia cầm ốm, chết làm thực phẩm; không ăn tiết canh, vứt xác gia cầm chết ra môi trường; sau khi tiếp xúc với gia cầm phải rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; thực hiện đầy đủ quy trình phòng dịch trong chăn nuôi…
Hiện công tác phòng chống dịch đang được các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai.
Theo báo Công lý
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)