Doanh nghiệp phải chủ động ứng phó với rào cản kỹ thuật
Hội nhập sâu rộng hơn dẫn tới hoạt động xuất khẩu trên các thị trường quốc tế ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là các rào cản kỹ thuật.
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại có thể được chia làm 3 nhóm. Thứ nhất, các quy định về dịch tễ, vệ sinh an toàn, được các nước đưa ra để bảo vệ sức khỏe cho con người, vật nuôi và cây trồng.
Thứ hai, các biện pháp đối với người tiêu dùng, quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm, bao gồm nhãn mác, đóng gói, dư lượng thuốc trừ sâu, hàm lượng dinh dưỡng và tạp chất. Các quy định này có thể cho phép một quốc gia sử dụng những rào cản nhằm đảm bảo hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia đó là an toàn.
Thứ ba là các biện pháp thương mại được thực hiện nhằm ngăn chặn gian lận thương mại, bao gồm chứng từ vận chuyển và tài chính, các tiêu chuẩn nhận dạng và tiêu chuẩn đo lường.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, càng hội nhập, các rào cản kỹ thuật càng được các nước sử dụng để bảo hộ cho ngành sản xuất trong nước. Đây chính là thách thức lớn nhất cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo thống kê của cơ quan chức năng Mỹ, Việt Nam là 1 trong 3 nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu cá và sản phẩm thủy sản tại 4 thị trường nhập khẩu lớn là Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và Australia, đồng thời là quốc gia có số vụ từ chối cao nhất so với giá trị hàng xuất khẩu thủy sản tại EU, Mỹ và Nhật Bản.
Tổng giá trị trung bình tổn thất hàng năm do các vụ từ chối nhập hàng thủy sản của Việt Nam lên tới hàng chục triệu USD. Trong đó, tại thị trường Mỹ, mặt hàng tôm và cá da trơn chiếm khoảng 30% trong tổng số lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ bị trả lại.
Trong những năm gần đây, số lô hàng cá da trơn bị cảnh báo có xu hướng giảm, nhưng đối với mặt hàng tôm, số lượng lô hàng bị cảnh báo vẫn còn cao. Nguyên nhân chủ yếu các lô hàng bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo là do nhiễm chất salmonella và thuốc thú y không nằm trong danh mục được sử dụng ở Mỹ.
Tác động từ các quy định về hàng rào kỹ thuật là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chững lại. Số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, giai đoạn 2010 - 2013, tăng trưởng bình quân mỗi năm chỉ đạt 7,65%, trong khi những năm trước đó lên tới 2 con số.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, nỗi lo về việc sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh đang lớn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, các doanh nghiệp cá da trơn lại lo ngại tác động của Đạo luật Nông trại (Farm Bill) 2008 của Mỹ. Ngày 4/2/2014, thượng viện Mỹ đã thông qua Luật Nông trại 2008 với điều khoản chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ FDA sang Cơ quan Thanh tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Đây được coi là hàng rào thương mại gây khó cho cá tra, các basa xuất khẩu của Việt Nam bởi USDA sẽ áp dụng những tiêu chuẩn gắt gao hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Về kinh nghiệm ứng phó với các hàng rào thương mại này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn cho biết, các doanh nghiệp cần có sự chủ động. Bà Tâm lấy ví dụ, vừa qua, 17/19 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã được xuất khẩu trở lại vào Panama, sau khi đoàn chuyên gia của quốc gia này sang Việt Nam hồi tháng 7 để thực hiện kiểm tra, đánh giá các vấn đề liên quan đến quá trình nuôi và chế biến cá fillet đông lạnh. Vấn đề không nằm ở tính chất gắt gao của cuộc kiểm tra, mà là ở quá trình chủ động liên hệ với cơ quan thẩm quyền của Panama.
Theo đó, ngay khi biết thông tin cơ quan nước đối tác có phản ứng tự vệ với hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, Vĩnh Hoàn đã kiến nghị Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) có trao đổi thẳng thắn với Panama. Từ đó, NAFIQAD có thư trình bày với phía Panama, mời họ sang kiểm tra tình hình thực tế tại Việt Nam. Đây là một bước rất quan trọng, thể hiện tính chủ động trong việc ngăn ngừa các biện pháp phòng vệ quá mức của nước nhập khẩu.
“Nếu chúng ta im lặng, chắc chắn cơ quan nhập khẩu sẽ có những suy luận riêng về chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam, gây ra những rào cản không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu của nước ta”, bà Tâm nói.
Vị CEO này cũng cho rằng, DN nên đón nhận các yêu cầu và quy định khắt khe như một cơ hội để tự cải tiến và tạo sự khác biệt. Bởi các yêu cầu này không chỉ vì mục đích phòng vệ thương mại, mà còn phản ánh những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Muốn bán được sản phẩm, doanh nghiệp phải chấp nhận và đáp ứng các yêu cầu cao này.
Theo báo ĐTCK
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)