Giá thuốc thú y cao bất thường
Khảo sát mới đây của Liên minh Nông nghiệp cho thấy thị trường thuốc thú y đang bị chi phối cả về đào tạo, thông tin, hoạt động bán thuốc... dẫn đến chi phí cho thuốc thú y cao bất thường.
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2015/08/03/dsc8559-1438563194.jpg
Phụ thuộc vào nguồn thuốc thú y ngoại, ngành chăn nuôi trong nước kém sức cạnh tranh không là điều ngạc nhiên Ảnh: A Lộc
Thị trường thuốc thú y VN ước tính có giá trị gần 3.300 tỉ đồng/năm, tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong đó riêng chi phí cho văcxin đã tăng gấp 10 lần khoảng 10 năm qua.
Chi phí thuốc thú y tăng cao
Bà Trần Thị Mai cung cấp dịch vụ thú y ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khoảng 10 năm nay. Khu vực Bắc Ninh vốn có thế mạnh chăn nuôi hộ gia đình nên bà Mai làm không hết việc, từ phòng dịch đến chữa bệnh cho heo, gà, chó...
Bà Mai cho biết: “Thông thường mỗi gia đình chỉ nuôi 2-5 con heo, nhiều nhất 20 con. Trước đây họ hầu như không chú ý đến phòng bệnh, chỉ khi nào vật nuôi có bệnh mới chữa. Tôi theo dõi thấy nếu không tiêm phòng, hầu như chắc chắn sẽ có dịch trong quá trình nuôi. Hiện nay người ta rất chú ý đến phòng bệnh, nhất là các bệnh gà rù, tụ huyết trùng, phó thương hàn...”.
Theo bà Mai, giá tiêm phòng chỉ 30.000 đồng/con heo với tất cả bệnh trên, trong khi riêng chi phí chữa bệnh viêm phổi heo đã là 50.000 đồng/con. Theo bà Mai, hiện chi phí thú y đã cao đến đỉnh điểm. “Nếu chi phí thuốc và thú y vượt quá 10% giá thành, người chăn nuôi sẽ lỗ” - bà cho biết.
Ở Đồng Nai, nơi được xem là “cái nôi” của ngành chăn nuôi phía Nam, giá thuốc thú y cũng đang có nhiều vấn đề. Tại đại lý thuốc Xuân Đức, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, anh Đức, chủ đại lý, cho hay từ đầu năm đến nay các loại thuốc đều tăng giá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc thú y cho gia súc. Trong đó giá các loại thuốc thú y ngoại nhập tăng mạnh, đặc biệt là sản phẩm của các công ty lớn, có mặt hàng tăng giá đến 20%.
Đơn cử, một chai thuốc của Hãng Virbac (Pháp) bình thường có giá 240.000 đồng/chai, nay dao động 280.000-300.000 đồng/chai. So với các mặt hàng thuốc nội, thuốc ngoại nhập có giá cao hơn nhiều nhưng người nuôi vẫn chọn sử dụng các mặt hàng ngoại. Theo đại lý thuốc Xuân Đức, tỉ lệ hàng ngoại được bán ở đây chiếm đến 70-80%, phần nhỏ còn lại là hàng nội.
Khi được hỏi về giá cả các loại thuốc thú y, anh Đức thừa nhận giá mặt hàng này đa số do các công ty thuốc ngoại nhập áp đặt. Các đại lý phải chấp nhận cuộc chơi, bởi ngay cả người chăn nuôi dù phản ứng nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác là buộc phải sử dụng các loại thuốc ngoại nhập.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi phí thuốc thú y chiếm 7-10% giá thành chăn nuôi, trong khi các nước khác cao nhất chỉ 2-5%. Lý do chi phí thuốc thú y cao, theo ông Dương, là do quản lý dịch bệnh ở nước ta có vấn đề, chưa chú ý đến phòng nhiều mà chỉ chú ý nhiều đến chữa khi gia súc gia cầm đã mắc bệnh.
“Nếu quản lý dịch bệnh tốt thì không phải dùng đến thuốc nhiều, nước ta dùng thuốc quá nhiều. Nếu mỗi người chăn nuôi đều chủ động quản lý dịch bệnh, Nhà nước cung cấp cho họ dịch vụ hỗ trợ, hoạt động chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn” - ông Dương đánh giá.
Ai đang áp đặt cuộc chơi?
Hầu như ngày nào ông Trần Văn Dũng, chủ trang trại heo và gà ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), cũng nhận được điện thoại của nhân viên kinh doanh các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và thuốc bổ cho heo, gà. Hầu hết các công ty này đều có trụ sở tại TP.HCM, nhưng họ có nhân viên phân bổ khắp các vùng chăn nuôi trọng điểm và tiếp cận các chủ trang trại bất cứ khi nào họ rảnh. Chưa kể cứ vài ba tuần ông Dũng lại nhận được điện thoại mời đi hội thảo về một sản phẩm mới của rất nhiều công ty khác nhau, khi về còn được tặng chính sản phẩm mới.
Trong khảo sát mới công bố hồi tháng 6 của Liên minh Nông nghiệp về ngành chăn nuôi VN, hiện có tới 4.000 loại thuốc thú y được phép lưu hành trên thị trường VN. Một quan chức ngành thú y nhận xét thuốc cho gia cầm và gia súc còn có tiêu chuẩn, còn thuốc cho thủy sản vẫn đang ở giai đoạn bát nháo. Vì lợi nhuận, một số công ty sẵn sàng đưa ra các sản phẩm chưa qua khảo nghiệm và có nguy cơ gây hại lâu dài cho nuôi tôm, cá nói chung. Theo quan chức này, Tổng cục Thủy sản vừa yêu cầu thu hồi cùng lúc tới 800 loại thức ăn, chế phẩm dành cho thủy sản, trong đó có những chế phẩm có tác dụng diệt tảo nhưng nguy cơ gây độc cho đầm nuôi.
“Họ giới thiệu ở TP.HCM nhưng sẵn sàng xuống tận trang trại cách hàng trăm kilômet để tư vấn. Nhiều lúc họ xuống đến trang trại thì tôi có việc gấp phải đi thì họ xin địa chỉ để chạy tới, kể cả phải ngược về Biên Hòa hay TP.HCM” - ông Dũng cho hay.
Ngoài nhân viên kinh doanh trực tiếp, các công ty kinh doanh thuốc thú y lớn sử dụng chính hệ thống phân phối tại địa phương để tiếp thị cho các sản phẩm của mình thông qua chiết khấu và chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác. Các đại lý cung cấp thuốc thú y tư nhân vừa là người bán thuốc, vừa là người tư vấn kỹ thuật và loại thuốc sử dụng cho người chăn nuôi.
http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626/2015/08/03/tiemthuoc3-1438563232.jpg
Tiêm phòng cho gà vào đầu mùa mưa ở một trang trại tại Đồng Nai - Ảnh: A Lộc
Trong khi hệ thống thú y công không phát huy được hiệu quả thì các công ty cung cấp thuốc thú y nước ngoài rất năng động trong việc tổ chức những cuộc hội thảo tập huấn kỹ thuật, cách phòng trị bệnh và giới thiệu sản phẩm cho người chăn nuôi. Chính vì vậy khi có nhu cầu tiêm văcxin hay mua hóa chất tiêu độc khử trùng, thậm chí chẩn đoán bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi thường tìm đến các đại lý thuốc thú y trên địa bàn để mua thuốc, văcxin hay các hóa chất tiêu độc khử trùng hơn là liên hệ với các đơn vị thú y nhà nước. Lợi thế của hệ thống đại lý thuốc thú y là số lượng lớn, có mặt tại hầu hết khu vực có hoạt động chăn nuôi.
Tuy nhiên, các đại lý này hoạt động với mục đích chính là bán hàng và lợi nhuận chứ không phải là nơi đảm bảo chất lượng sản phẩm khi có rủi ro như dịch bệnh xảy ra. Việc mất cân bằng về thông tin giữa người chăn nuôi và các đơn vị cung cấp thuốc thú y làm nông dân có xu hướng dễ gặp rủi ro hơn, do các công ty tập huấn để bán sản phẩm nên thông tin được cung cấp có thể thiên lệch.
Chiến lược cạnh tranh của các công ty thuốc thú y cũng khá khác biệt, tùy thuộc quy mô của công ty. Đối với công ty thuốc lớn, bên cạnh các chương trình marketing giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông... thì chiến lược chiết khấu và ưu đãi cho đại lý được các công ty sử dụng triệt để để có thể có được nguồn đầu ra ổn định như hoa hồng trên tổng doanh số hay các chương trình ưu đãi, du lịch... để xây dựng kênh phân phối ở các khu vực sản xuất chăn nuôi lớn.
Một chuyên gia ngành thú y cho hay giá thuốc của các công ty thuốc thú y nước ngoài cao hơn nhiều so với công ty trong nước, nhưng họ luôn quảng bá rằng chất lượng thuốc cao nên giá cũng phải cao. Các công ty này tổ chức mời đại lý và khách hàng của đại lý tham quan nhà máy công ty để thuyết phục về sản phẩm. Các công ty nhập khẩu tập trung vào việc chiết khấu cao và tặng quà cho các đại lý, thậm chí là các chuyến tham quan dài ngày ở nước ngoài, các chương trình rút thăm trúng thưởng với giải thưởng lên đến nhiều tỉ đồng.
Trong ngành chăn nuôi gà, khoảng 90% trang trại chăn nuôi lớn đều nằm trong chuỗi liên kết với các công ty nước ngoài theo hình thức nuôi gia công hoặc nuôi hợp đồng. Ngành nuôi heo cũng đang đi theo xu hướng tương tự khi các tập đoàn lớn của nước ngoài đều đang tích cực mở rộng đầu tư. Có thể kể đến các tập đoàn nước ngoài lớn đầu tư vào ngành chăn nuôi của VN như CP (Thái Lan), Emivest (Malaysia), Japfa (Indonesia), CJ (Hàn Quốc)...
Theo hình thức nuôi gia công, các công ty nước ngoài sẽ cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cho nông dân chăm sóc (nông dân bỏ tiền xây trang trại) và đổi lại họ sẽ trả một số tiền nhất định trên số lượng heo gà nuôi hoặc ký một mức giá cố định từ trước.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)