Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh chăn nuôi
Trong năm 2015, thời tiết nắng nóng, mưa phùn kéo dài, vì vậy, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, thành nước ta diễn biến phức tạp. Virus có hiện tượng biến chủng, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, giám sát và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/1/17/tiem-phong151400703.jpg
Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm được Thú y Hà Nội thực hiện thường xuyên nên năm 2015 hầu như trên địa bàn thành phố không có dịch bệnh lớn.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội chưa xây dựng được các sơ sở giết mổ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, chủ yếu là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ. Số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu nên hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ cóc, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra phổ biến.
Nhận định được những khó khăn trên, công tác giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm được Chi cục Thú y Hà Nội thực hiện thường xuyên, liên tục và duy trì chế độ báo cáo hàng ngày theo đường dây nóng. Đặc biệt, tập trung giám sát chặt chẽ đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn và bệnh dại ở chó, mèo.
Trong năm, dịch bệnh gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố cơ bản ổn định, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với các bệnh truyền nhiễm thông thường, một số bệnh mang tính chất lẻ tẻ, tỷ lệ ốm thấp, tỷ lệ chữa khỏi cao.
Có được thành quả đó là do các đơn vị đã tích cực triển khai tiêm vắc xin đạt và vượt kế hoạch được giao. Ngoài vắc xin do ngân sách thành phố hỗ trợ, các đơn vị đã chủ động xin từ ngân sách huyện hỗ trợ kinh phí mua thêm vắc xin, cung ứng và tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tự mua để phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Tổng số vắc xin được tiêm là hơn 30 triệu lượt con, tập trung vào các loại.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Thú y, so với tổng đàn thì tỷ lệ tiêm vắc xin lở mồm long móng, tai xanh ở lợn và cúm gia cầm còn thấp. Nguyên nhân là do vắc xin lở mồm long móng của thành phố chỉ hỗ trợ cho đối tượng là lợn nái và đực giống. Vắc xin cúm chỉ hỗ trợ cho đàn gà vịt sinh sản. Còn đàn thương phẩm người dân chưa chủ động mua 3 loại vắc xin này tiêp phòng cho đàn lợn. Để thực hiện tốt công tác thú y trên địa bàn thành phố, Chi cục Thú y đề nghị Sở NN-PTNT, UBND TP chỉ đạo các chủ đầu tư, ngành liên quan sớm hoàn thiện hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm của TP theo kế hoạch. Từng bước đình chỉ hoạt động của các cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh theo quy định. Đồng thời, đầu tư xây dựng các chợ đầu mối kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Ngoài thực hiện nhiệm vụ phòng bệnh cho vật nuôi, Chi cục Thú y Hà Nội cũng chủ động ngăn chặn các mầm bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc, gia cầm và trong môi trường. Đơn vị đã triển khai 5 đợt vệ sinh, tiêu độc tại những nơi có nguy cơ cao. Kết quả, tổng số hóa chất đã cấp và sử dụng là trên 250.000 lít các loại. Tổng diện tích phun là trên 305 triệu m2. Ngoài ra, các địa phương đã hỗ trợ thêm hơn 1.000 tấn vôi bột, với kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Đối với công tác giám sát dịch bệnh, Chi cục đã phối hợp với Viện Thú y Quốc gia, Cục Thú y triển khai việc lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus cúm A trên đàn gia cầm, cúm trên đàn lợn với tổng số trên 2.300 mẫu swabs gộp, đơn; trên 5.300 mẫu huyết thanh và 24 mẫu nước uống. Qua kiểm tra đã giúp dự báo sớm dịch bệnh, chẩn đoán, xác định nguyên nhân để chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch có hiệu quả.
Các trạm thú y đã phối hợp với cá đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý 1.266 cơ sở vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc thú y; kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và phòng chống dịch bệnh. Tổng số tiền xử phạt gần 1,4 tỷ đồng.
Theo báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)