Heo nái chích vắcxin phòng dịch tai xanh của Trung Quốc bị sẩy thai hàng loạt, nông dân “khóc ròng“
Sau khi tiêm vắcxin phòng dịch tai xanh do Trung Quốc sản xuất, hàng chục con lợn nái ở xã Hưng Thắng (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) bị sẩy thai, gây thiệt hại lớn. Tuy nhiên, người dân chỉ nhận được mức hỗ trợ quá thấp.
Dân “kêu trời” vì mức hỗ trợ bất hợp lý
Ngày 31.10, cán bộ thú y về tiêm phòng vắcxin tai xanh cho đàn lợn nái 22 con của ông Trần Ngọc Duyên (xóm 16, xã Hưng Thắng). Trước khi tiêm, ông Duyên có hỏi ông Phan Văn Vui là cán bộ thú y xã: "Tiêm có an toàn không?", thì được trả lời: “Nếu hỏng thì được hỗ trợ, đây là vắcxin ngoại, tiêm được”. 22 lợn nái của ông Duyên có thai từ 40 ngày tuổi cho đến gần đẻ.
“Sau khi tiêm, lợn nái của tôi con thì bỏ ăn, con thì sẩy thai, coi như hỏng cả. Khi tôi báo lên, cán bộ thú y về kiểm tra, có trường hợp tôi đã chôn rồi cũng phải đào lên để cân. Mức hỗ trợ chỉ 38.000 đồng/kg, quá bất hợp lý”.
Số bào thai sẩy của hộ ông Duyên cân lên được 150 kg. Nếu số lợn này được sinh ra bình thường, sau 40 ngày đã có trọng lượng 12kg/con, xuất bán với giá 72.000 đồng/kg.
“Để nuôi con lợn nái từ khi phối giống đến khi đẻ, chỉ tính riêng tiền cám, bọn tôi đã chi khoảng 3,5 triệu đồng. Sau khoảng 1 tháng xuất bán, một ổ lợn nái chúng tôi thu khoảng 10 triệu đồng. Nay thì mất trắng, hỗ trợ tính giá như vậy quá thiệt cho chúng tôi”, ông Duyên than thở.
Hộ ông Phan Văn Thuận có 15 con lợn nái có thai, sau khi tiêm phòng vắcxin tai xanh một số bị sẩy thai, có 6 con đẻ non được vài chục con lợn con, nhưng chết dần chết mòn, nay chỉ còn 10 con sống.
“Nhưng mấy con sống cũng coi bộ không ăn thua, tiêm thuốc vào thì không tan, tôi coi như trắng tay”, ông Thuận ngao ngán. Ông Thuận mới vay mượn, đầu tư trang trại khoảng một tỉ đồng, chưa thu được gì thì đã “dính” vụ tiêm phòng dịch tai xanh.
“Để gầy được đàn lợn nái rất vất vả, vậy mà phút chốc thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mấy bữa nay tôi chán nản, không còn tha thiết gì làm ăn”, ông Thuận nói.
Ông Phan Văn Lực, xóm 16 có 10 con lợn nái. Sau khi tiêm phòng, một con bị sẩy thai; một con đẻ được 13 con, chỉ còn sống 7 con, nhưng số này cũng chậm, yếu. Hộ ông Phan Đức Hanh, xóm 16 có một lợn nái có thai, dự kiến tháng 10 âm lịch đẻ, nhưng sau khi tiêm vắcxin phòng bệnh tai xanh, lợn bỏ ăn, phải điều trị hết 200.000 đồng tiền thuốc.
http://static.laodong.com.vn/uploaded/cms/2015_11_16/btb322516-1.jpg
Đàn lợn nái của ông Phan Văn Thuận đẻ vài chục con, chỉ còn chục con sống
“Bây giờ nhìn bụng nó xẹp hẳn, tôi đoán là thai đã bị lưu, coi như mất lứa lợn này”, ông Hanh nói. Ngoài ra, tại xã Hưng Thắng còn một số hộ nữa, lợn nái sau khi tiêm có biểu hiện bất thường, bị sẩy, lưu thai.
Dân quá thiệt thòi
Ông Phan Văn Vui, cán bộ thú ý xã Hưng Thắng cho biết ông chỉ thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng theo qui định, còn nếu xảy ra thiệt hại thì người dân được Nhà nước hỗ trợ.
Theo ông Nghiêm Xuân Bảo, Trạm trưởng Trạm thú y Hưng Nguyên, tại Hưng Thắng có 10 trường hợp lợn nái sẩy thai sau tiêm vắcxin, được hỗ trợ của tỉnh. “Hiện nay chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát ở xã Hưng Thắng, vì chủ yếu số lợn nái bị sẩy thai xảy ra ở đây”, ông Bảo cho biết.
Theo ông Bảo, ở một số xã khác, số lợn nái được tiêm phòng khá lớn, nhưng hầu như không xảy ra hiện tượng sẩy thai. Cụ thể, Hưng Thịnh tiêm 15 nái, Hưng Tân 80 nái, Hưng Phúc 7 nái đều không xảy ra sẩy thai; Hưng Mỹ hơn 200 nái chỉ có một trường hợp sẩy thai.
http://static.laodong.com.vn/uploaded/cms/2015_11_16/btb322516-2.jpg
Ông Trần Ngọc Duyên bức xúc vì mức hỗ trợ bất hợp lí
Ông Đặng Văn Minh - Phó Chi cục trưởng Cục Thú y Nghệ An - cho biết: “Thực hiện chương trình chống dịch tai xanh, ngoài trung tâm ổ dịch là xã Hưng Mỹ, có 5 xã thuộc vùng uy hiếp buộc phải triển khai tiêm phòng tất cả đàn lợn. Chúng tôi đã cấp cho huyện Hưng Nguyên 5.000 đồng/liều và các xóm xung quanh (thuộc địa bàn xã Hưng Chính và phường Vinh Tân, TP. Vinh) 750 liều vắcxin phòng tai xanh. Đây là loại vắcxin nhược độc, do Trung Quốc sản xuất”.
Theo ông Minh, đối với những trường hợp lợn bị sốc phản vệ chết sau tiêm phòng, hoặc bị sẩy thai thì được hỗ trợ đối với bọc thai, mức 38.000 đồng/kg. “Ai cũng biết là đối với lợn nái, khi đẻ con ra và xuất bán thì lợi nhuận cao hơn so với lợn thịt, nhưng vì qui định chung của tỉnh như vậy nên không có cách nào khác”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, đối với những con bị sẩy thai sau khi tiêm quá 14 ngày, thì cần loại trừ nguyên nhân do tác động của vắcxin.
Ông Minh cho biết là sắp tới, nếu UBND tỉnh có thay đổi qui định, Chi cục Thú y sẽ tham mưu bổ sung một số trường hợp đặc thù như trường hợp thiệt hại đối với gia súc mang thai, hay đối với chó do tác động của vắcxin tiêm phòng.
Theo báo Lao Động
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)