Khẩn cấp dập dịch lở mồm long móng
Ngày 7.8, Chi cục Thú y Gia Lai cho biết đến thời điểm này dịch lở mồm long móng ở TX.Ayun Pa tiếp tục diễn biến phức tạp, với tổng số 449 con bò bị mắc bệnh và có nguy cơ lan rộng.
http://image.thanhnien.vn/665/uploaded/minhnguyet/2017_08_07/dich-lo-mom-1_wjzv.jpg
Việc chăn thả, chăm sóc gia súc chưa tốt cũng là một nguyên nhân bùng phát dịch
Từ 37 con bò của người dân xã Ia Sao bị bệnh được phát hiện từ ngày 28.7, đến nay số bò bệnh đã tăng lên 449 con, trong đó 4 con chết đã được thiêu hủy. Đây là số bò của 72 hộ dân ở TX.Ayun Pa. Bò bệnh xuất hiện tình trạng kém ăn, mệt mỏi, ủ rũ, bỏ ăn; vùng miệng và kẽ móng chân bò xuất hiện mụn nước, đi lại khó khăn. Theo kết quả xét nghiệm, toàn bộ bò bị bệnh bị lở mồm long móng týp A. Đây là chủng vi rút mới xuất hiện và số bò này chưa được tiêm phòng chủng này nên bệnh lây lan nhanh, uy hiếp đến đàn bò của các huyện lân cận vùng đông nam Gia Lai như Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa.
Với trên dưới 450.000 con bò, Gia Lai là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tổng đàn gia súc. Vùng đông và đông nam Gia Lai có số lượng bò lớn. Do đó dịch bệnh lở mồm long móng đe dọa trực tiếp đến hàng chục ngàn con bò của người dân.
Ông Ksor Nhuat, Trưởng trạm chăn nuôi và thú y TX.Ayun Pa, nói: “Ngoài thời tiết diễn biến phức tạp khiến dịch bệnh bùng phát, vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chuồng trại của bà con không đảm bảo vệ sinh, chăm sóc còn hạn chế khiến sức đề kháng của bò yếu cũng là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra, ý thức của người dân còn kém, còn tâm lý ỷ lại cán bộ thú y, không chủ động chữa trị và chăm sóc bò bị bệnh. Sau khi xác minh cụ thể về bệnh của đàn bò tại xã Ia Sao, cùng với các biện pháp hướng dẫn điều trị, tiêu độc, khử trùng chúng tôi tuyên truyền bà con cách ly những con bò bị bệnh để chăm sóc, điều trị nhằm tránh lây lan, tiến hành tiêu trùng, khử độc tại các khu vực bò bị nhiễm bệnh”.
Ông Hồ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND TX.Ayun Pa, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch lở mồm long móng của thị xã, cho biết nơi đây vừa công bố dịch và triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống, tránh dịch lan rộng. Thị xã chỉ đạo thành lập 2 tổ xung kích gồm 11 thành viên chốt chặn 24/24 giờ ở hai đầu của xã Ia Sao, nơi bùng phát dịch nằm trên tuyến QL25, để tuyên truyền, vận động nhân dân không buôn bán, vận chuyển gia súc nhiễm bệnh ra vào vùng dịch. “Chúng tôi cũng đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét thành lập 2 trạm chốt kiểm soát trên tuyến QL25 ở 2 đầu xã Ia Sao nhằm phòng, chống dịch giữa vùng dịch và vùng có nguy cơ lây nhiễm. Đề nghị các ngành chức năng cấp vắc xin phòng ngừa, có phác đồ, thuốc điều trị và cung cấp đủ cơ số thuốc, hóa chất tiêu độc, khử trùng để ngăn chặn, dập tắt ổ dịch”, ông Diện nói.
Trước tình hình dịch bệnh lở mồm long móng gia súc trên địa bàn xã Tịnh Hiệp (H.Sơn Tịnh), UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT đôn đốc Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh phối hợp chính quyền địa phương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống, dập dịch; tổ chức tiêm phòng và tiêu độc khử trùng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia súc và sản phẩm gia súc ra vào vùng dịch; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của luật Thú y; không để dịch bùng phát lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, ngày 25.7 cơ quan chức năng phát hiện tại xã Tịnh Hiệp xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng. Ổ dịch xảy ra tại 3 thôn là: Phú Sơn, Hội Đức và Vĩnh Tuy, với 72 con trâu, bò của 18 hộ gia đình mắc bệnh. Nguyên nhân xảy ra dịch là thiếu vắc xin nên đàn trâu, bò của 3 thôn này chưa được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt 1/2017.
Để kịp thời dập dịch, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi xuất cấp 2.500 liều vắc xin lở mồm long móng, 95 lít hóa chất iodine cho H.Sơn Tịnh tiến hành tiêm phòng bao vây và tiêu độc khu vực xảy ra dịch. Đến thời điểm này, có 54 con trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng, ăn uống bình thường trở lại, 18 con còn triệu chứng lâm sàng, đang theo dõi điều trị.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)