Làng quê đang lớn

Xưa nay mỗi khi cần khảo sát những lề xưa nếp cũ, người ta hay tìm về nông thôn. Cuộc sống dân quê trong thời cũ thường ngưng đọng trong lũy tre bao quanh.

Xưa nay mỗi khi cần khảo sát những lề xưa nếp cũ, người ta hay tìm về nông thôn. Cuộc sống dân quê trong thời cũ thường ngưng đọng trong lũy tre bao quanh.

Giao lưu tung tẩy thì cũng chỉ đến "thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" mà "hai thôn thì cùng ở một làng". Nếp sống như bó lại. Ngưng đọng mà tạo nên trầm tích.

Thời thuộc Pháp, kinh tế thị trường tư bản du nhập có làm dấy lên đôi chút động cựa ở thành phố "Đổi đời khăn áo lòng thòng/ Đổi răng trắng lại đổi lòng đen đi". Câu ca dao ấy chắc phát tích từ nông thôn. Bà con đất lề quê thói không quen vơi thay cũ đổi mới, coi tân thời như một thứ học đòi, nên chì chiết "răng trắng lòng đen" hay dè bỉu "Tân thời chẳng đáng là bao/ Năm xu đôi guốc một hào đôi hoa".

Cái anh con trai trong bài thơ "Chân quê" của Nguyễn Bính vò đầu bứt tai "em làm khổ tôi" chỉ vì cái "áo cài khuy bấm" đã không nén được tiếng thở dài nặng nề, tiếc nuối "Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều".

Trong truyện ngắn "Xóm giếng" của Tô Hoài có chi tiết khá vui là từ khi có tiếng giày xăng đá (giày lính, do chữ soldat) vang lên trên đường xóm là bao nhiêu mối tình quê e lệ trong sáng thi nhau tan vỡ.

Sự biến thiên do cơn gió Âu hóa thời ấy thổi sang cũng đã là ghê gớm nhưng cũng chỉ đủ làm tung bay chút yếm váy lụa sồi chứ chưa thể thổi bay cả đất cát nhà cửa, làm biến đổi cả địa hình địa mạo nông thôn, xô đẩy cả nền xưa nếp cũ như cơn gió kinh tế thị trường bây giờ. Nông thôn quê ta đã thức dậy và đang đổi thay chưa từng có.

Đổi thay vui. Và cả những đổi thay buồn.

Từ xửa từ xưa cho đến đêm trước ngày đổi mới. Dù dưới cái nhìn mơ mộng "sáng trăng chia nửa vườn chè" hay cái nhìn chân thực, nước đọng bùn lầy "đom đóm bay qua giải nước đen" thì nông thôn vẫn cứ chung nhau một đặc điểm là nghèo. Chí ít là nghèo hơn thành phố, thua xa thành phố.

Giàu nhà quê không bằng ngồi lê kẻ chợ. Nhà, tranh tre nứa lá. Đồ ăn thức đựng thì bát đàn mâm mộc, thúng mủng giần sàng, cái võng đay, chiếc chiếu cói... thô sơ, tằn tiện, tự sản tự tiêu. Tự bao đời xưa đã thế và nay vẫn thế. "Cảm ơn cái cối cái chày/ Nửa đêm gà gáy có mày có tao/ Cảm ơn cái cọc cầu ao/ Nửa đêm gà gáy có tao có mày".

Sớm khuya làm bạn với người dân quê chỉ có vậy và vẫn vậy. Đơn điệu, buồn tẻ nhưng buồn tẻ đơn điệu đến đâu thì cũng phải cảm ơn nó. Bởi nó nuôi mình. Cái cối cái chày hàng xay hàng xáo lúc đêm khuya. Bậc cầu ao lạnh băm bèo xát ngô khi rạng sáng. Cái thời gian biểu lam làm ngưng đọng đã bao đời ấy hôm nay bỗng biến mất, không còn đấu vết. Kiểu làm, cách làm khác xưa. Thức khuya dạy sớm cũng khác xưa. Ngay cái nỗi âm thầm chịu đựng cũng khác xưa lắm lắm.

Nông thôn bây giờ có điện. Điện trong mọi miền quê. Quả thật, những người ở tuổi tôi, lứa tuổi những năm 60 thế kỷ trước, rời khỏi ghế nhà trường là vào ngay mặt trận. Chiến tranh kết thúc, buông cây súng, lại thành anh nông dân, anh cán bộ. Có sống ở thành phố thì vẫn gắn với bờ tre mái rạ, nơi có cha già mẹ yếu và nhiều khi, cả vợ con còn đang sương nắng với ruộng đồng, chỉ riêng anh là “thoát ly” thôi.

"Những gì ta thương yêu/Sau bờ tre kia nhỉ/Mái nhà và ánh lửa/Tháng ngày ta lớn khôn". Câu thơ ngày ấy, linh hồn quê hương còn là ánh lửa le lói sau những bờ tre. Ánh lửa của bếp núc rạ rơm, của ngọn đèn dầu hỏa. Đầm ấm yêu thương nhưng vẫn có gì mong manh, tội nghiệp, cần được nâng niu che chở.

Cái ánh lửa ấy, từ Đinh Lê Lý Trần Lê và cả trước đó, đã có, có từ khi con người tìm ra lửa. Và cứ nguyên thế. Cho đến chặng đời ta, vẫn vậy. Biết rằng rồi sẽ điện khí hóa toàn quốc. Biết thì biết, tin thì tin nhưng sao thấy nó xa vời. Người dân quê yên tâm thức khuya dạy sớm cặm cụi lam làm với ngọn đèn dầu, khi tỏ khi mờ đen muội khói. Chợt một tối ngẩng lên thấy điện sáng cả làng, sáng cả huyện, sáng cả những xóm rừng heo hút và bây giờ điện ra tận các đảo ngoài khơi. Bà con reo à một tiếng, thích thú rồi lại cúi xuống công việc. Mọi chuyện như đương nhiên và làm quen nhanh chóng với điều kiện sống (có điện) ngỡ như tự nhiên ấy. Nhưng với lớp người như tôi thì việc có điện (cho cả nước) vẫn là điều ngạc nhiên, là sự thần kỳ nhỡn tiền, mà dụi mắt nhìn vẫn tưởng mình mơ.

Ranh giới cách biệt trong sinh hoạt nông thôn, thành phố dần dần xóa bỏ. Có điện thắp sáng, điện thoại nên từ căn nhà một xóm hẻo lánh của quê nội tôi vùng biển Nam Định, ông bố nông dân có thể gọi mà trò chuyện với cô con gái đi làm xa nửa bên kia trái đất bất cứ lúc nào, dễ hơn cả lúc nó ở nhà chồng xóm bên cạnh.

Hơn hai chục năm trước, tôi ở Hà Nội, trong Trường Đại học Bách khoa, mà để điện thoại với con đang theo học ở một nước Đông Âu, phe ta hẳn hoi, cũng phải đạp xe lên chầu chực ở bưu điện trung tâm thành phố, tận Hồ Gươm, chờ lúc con được gọi về để nói, bên ấy chắc cháu cũng phải chờ.

Những cái sự cỏn con ấy, cứ ngồi mà ngẫm nghĩ mới thấy cái hướng kinh tế hòa nhập sáng suốt biết chừng nào và càng hiểu tác động sâu và rộng của sự sống chung cùng nhân loại.

Ông Hoài Thanh, trong cuốn sách bình luận Thi nhân từ năm 40 thế kỷ trước có một nhận định nhỏ mà sâu, ấy là ông nghĩ về cái đinh “một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông”.

Một cái đinh mà còn thế thì bây giờ mọi dụng cụ cho đời sống thường ngày của nền công nghệ tiên tiến thâm nhập vào nhà người làm nông ở chốn “quê mùa” thì chắc chắn sẽ làm lối sống đổi thay, lối sống đổi thì tư tưởng đổi rồi đến vui buồn cũng không như xưa nữa.

Cái khác của quê hương hôm nay không chỉ nhỡn tiền "Trời đất xoay ra phố cả làng" mà ghê gớm hơn là sẽ đi vào bề sâu, trầm tích vào đạo lý làng xã và hồn người. Đổi thay từ vật thể sang vô vật thể, toàn diện và bền vững, một đi không trở lại. Người nông dân hiền. Cái hiền của con hổ ngủ. Ngủ, cho nên hiền. Nhưng hiền thì vẫn là hổ. Sự đổi thay như cơn đánh thức. Hổ thức trong những cơn thay đổi sơn hà.

Lần gần đây nhất là cách mạng tháng Tám 1945. Một cơn thức khổng lồ có tính toàn dân. Cao hơn lần thức thời Tây Sơn, thời Nguyễn Trãi, cố nhiên. Nhưng vẫn cứ là cơn thức của chặng đầu. Cơn thức bây giờ lay vào từng cá thể, không cho một ai ngái ngủ, nói mê, đi đứng mộng du mà phải thật sự tỉnh, thật sự mình. Tư thế đổi thay của nông thôn ta bây giờ là vậy, sẽ là vậy.

Nhìn những đổi thay đường sá, nhà cửa, vườn tược, xóm mạc... hẳn ai cũng thấy đó là bước tiến thần kỳ, xưa nay chưa từng có và không dễ có. Nhiều phố huyện thành thị trấn, sầm uất hơn cả thị xã trước kia. Trước kia, là cách đây vài chục năm chứ mấy, muốn mua cái xe Hon đa bãi, cũng phải lên thị xã hay về Hà Nội. Nay thì nhiều phố huyện có ga ra bán cả ô tô. Còn xe máy thì loại xe nào cũng có. Xóm làng ngói hóa toàn diện. Kiếm một mái nhà tranh mà quay phim "Tắt đèn" bây giờ chắc khó. Ông Kim Lân, lúc sinh thời đóng phim theo truyện của Nam Cao, đã phải ân hận: Mình thì đủ gầy để đóng Lão Hạc, nhưng con chó của Lão Hạc béo quá, không tìm được con chó gầy cho hợp cảnh.

Vui vì câu chuyện nhưng cũng chưa dám mừng cho việc đời đã dư ăn dư ở. Việc hay việc dở vốn dễ đan nhau. Cái chuyện làng xóm thành phố sá cũng vậy. Đường quê trải nhựa, trải bê tông. Người làm đồng có thể cưỡi xe gắn máy đến tận bờ ruộng và khi cần thì gọi nhắn người ở nhà bằng điện thoại di động.

Việc ấy thấy mãi thành quen, coi nó là sự thường, đến không còn ai ngạc nhiên chứ ngồi nghĩ xa nghĩ gần thì quả là không thể ngờ được. Nếu cứ một mình một chợ, tự lực cánh sinh bao cấp thì không biết đến thuở nào mỗi gia đình có cái máy điện thoại để bàn chứ nói gì đến cầm tay nối mạng vào internet thế giới.

Nhưng điều làm những kẻ yêu làng nhớ xóm phải nghĩ ngợi lại thuộc về vẻ đẹp của những làng đang độ lớn hôm nay. Làng lớn, làng sang nhưng làng chưa đẹp, có khi còn xấu đi. Xấu trong kiến trúc, trong quy hoạch, trong công năng, trong mưu toan chụp giật ăn xổi ở thì và cả trong dốt nát, ngạo mạn.

Làng ngói hóa, bê tông hóa thế nào mà ông nhà thơ Thợ Rèn, một tác giả gốc quê Kinh Bắc văn vật, phải kêu lên: Cả làng thành một cục xi măng. Một cục xi măng đậm đặc, không còn ao chuôm lóng lánh bóng trăng loe cũng không còn những hàng rào hàng giậu, kể cả cái giậu mồng tơi xanh rờn lân bang hàng xóm nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau...

Những con đường xóm lát gạch nghiêng quanh co ngõ trúc, những cầu quán, cây đa, rặng đề, kể cả con sông uốn khúc như hình con long từng in dấu trong ca dao cũng đã âm thầm mà biến mất. Kinh tế thị trường, tất cả thành mặt bằng chia lô, thành chung cư, nhà phố. Chỗ đất thuộc toàn dân là chỗ béo bở để làm tiền cho cá thể. Phố chưa ra phố nhưng làng chẳng còn là làng.

Tiếc lắm là những ngôi đình ngôi chùa vài ba trăm tuổi rêu phong u mạc với cỏ cây, trầm lắng hồn làng, phút chốc thành công trình, sơ sinh kệch cỡm, điêu chác, chỉ vì mưu mẹo của mấy anh chạy cờ ăn phết phẩy và các nhà quản lý kém tâm lại hụt tầm.

Bây giờ ngành nào, nghề nào cũng ầm ào quy hoạch. Sao không thấy những nghiên cứu thiết thực cho tầm lớn dậy và đổi thay của quê làng. Sao không hoạch định, đề xuất một nếp sống mang nhiều truyền thống dân tộc mà lại đồng nhất được với nhịp bước của toàn nhân loại. Ấy là nếp sống của bà con một nắng hai sương làm ra hạt gạo hằng ngày nuôi xã hội. Đồng thời âm thầm, bền bỉ gìn giữ những tinh hoa cội nguồn làm nên căn cước tâm hồn cho mỗi người dân.

Theo báo NNVN

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC