Một dự án giúp dân xóa nghèo hiệu quả

Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình “Chăn nuôi lợn nái giai đoạn hậu bị” tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đang cho thấy hiệu quả tích cực.

Sau hơn 5 tháng triển khai, mô hình “Chăn nuôi lợn nái giai đoạn hậu bị” tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) đang cho thấy hiệu quả tích cực.

http://nongnghiep.vn//upload/2015/12/13/10-45-27_nh-1.jpg
Đoàn công tác của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nghiệm thu mô hình

Từ đó mở ra hướng mới trong việc giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, góp phần đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

Băn khoăn ban đầu

Cho đến nay, mỗi lần nhớ lại quyết định lựa chọn xã Hải Yến là địa phương thực hiện thí điểm mô hình “Chăn nuôi lợn nái giai đoạn hậu bị”, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chi Cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn vẫn chưa hết lo.

Nở nụ cười rạng rỡ, ông tâm sự: “Trước khi đưa về, giống lợn được nuôi trong điều kiện đạt chuẩn, cả về thức ăn lẫn môi trường sống.

Ấy vậy mà, các đối tượng được lựa chọn tham gia mô hình lại là những hộ gia đình nghèo và cận nghèo, thành thử chúng tôi cũng băn khoăn. Không biết bà con có làm được không”.

Thực ra, Chi cục lo một thì lãnh đạo xã Hải Yến lo mười. Vốn là một xã thuần nông, người dân địa phương gần như chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Một vài năm gần đây, tuy việc chăn nuôi lợn đã bắt đầu xuất hiện nhưng quy mô nhỏ lẻ và chưa mang lại hiệu quả.

Bà con chủ yếu nuôi lợn nái Móng Cái, nguồn giống nhập từ địa phương khác, do không hợp khí hậu nên thường xuyên xảy ra tình trạng lợn bị chết hoặc rất chậm lớn.

Chẳng thế mà, khi hay tin địa phương mình được chọn làm mô hình thí điểm, từ chủ tịch xã đến cán bộ thú y đứng ngồi không yên. Các cuộc họp xã, họp thôn được tổ chức liên tục.

Mới đầu nghe giới thiệu đặc điểm giống lợn, không ít người còn tỏ ra nghi ngại. Thậm chí, có trưởng thôn nghe xong liền đứng dậy xua tay, lắc đầu bảo: “Bà con chỉ biết làm nương, làm rẫy thôi. Đưa lợn này về chắc khó thành”. Ở phía dưới hội trường, mọi người cũng rì rầm bàn tán: “Đúng đấy, nó (lợn) ăn cám viên, bà con không có tiền nuôi đâu”.

Thấy vậy, ông Hứa Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Hải Yến, phải đứng dậy trấn an: “Biết là khó nhưng vẫn phải gắng làm thôi. Ngoài nông nghiệp, hiện nay xã ta chỉ có thể tập trung vào chăn nuôi vì dịch vụ chưa phát triển. Nhà nước cam kết sẽ hỗ trợ kỹ thuật và 100% chi phí mua giống cho bà con. Mô hình này rất tốt, nếu thực hiện thành công, đây sẽ là một hướng làm ăn mới để bà con ta thoát nghèo”.

Sau đó một kế hoạch triển khai vô cùng cụ thể đã được vạch ra mà trước tiên là việc lựa chọn, bình bầu các đối tượng tham gia mô hình.

Ngoài tiêu chí thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo, các hộ gia đình này phải đáp ứng được một số điều kiện cơ bản về chuồng trại chăn nuôi, nhân lực lao động đồng thời phải ký cam kết tham gia đầy đủ các khóa tập huấn, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn…

Kết quả, có tổng số 35 hộ gia đình đáp ứng được các tiêu chí kể trên. Để đảm bảo công bằng, việc bình bầu đều được tiến hành công khai trong các buổi họp thôn.

Thời gian này, phía Chi cục PTNT tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên phối hợp với cán bộ thú y địa phương tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến một số kỹ thuật chăn nuôi cơ bản cho người dân như: cách chuẩn bị chuồng trại, xử lý hố phân hợp vệ sinh, cách phòng chống dịch bệnh…

Hải Yến là địa bàn cư trú của người Nùng, trình độ nhận thức còn khá hạn chế. Mỗi buổi tập huấn nuôi lợn, cán bộ thú y vừa phải nhắc lại nhiều lần, kết hợp lý thuyết với thực hành theo kiểu cầm tay chỉ việc để bà con hiểu, nhớ và thực hiện đúng theo kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Hồ hởi

Đó là điều mà chúng tôi cảm nhận được khi chứng kiến bà con chăm sóc những con lợn của gia đình mình. Anh Hứa Văn Thư, người được giao nhiệm vụ bám sát các hộ dân, cho biết việc chăm sóc lợn nái lai không khác nhiều so với các giống lợn khác.

Khó nhất là giai đoạn tập cho lợn chuyển từ ăn cám viên sang cám phối trộn dạng nấu hoặc lên men. Thế nên mấy hôm đầu, ngày nào cũng có vài người hớt hải chạy tới tìm anh thắc mắc: “Tôi đã làm đúng như hướng dẫn mà lợn không chịu ăn”.

“Đó là do mọi người chưa biết cách pha cám sao cho khéo. Từ nay, cứ 1 bát cám viên, bà con hòa đều với 2 bát cám nấu, chỉ đến khi nào thấy mùi cám bốc lên thật thơm thì đem cho lợn ăn”, anh Thư mách.

Thời gian đầu do chưa hợp khí hậu nên có một số con lợn bị ho, chảy nước mũi, tuy nhiên, ngay sau đó chúng đã được cán bộ kỹ thuật chữa trị kịp thời.

Tính đến thời điểm này, hầu hết số lợn đã cấp phát cho người dân đều phát triển tốt. Duy chỉ có một trường hợp lợn chết do bị bệnh tụ huyết trùng cấp tính.

http://nongnghiep.vn//upload/2015/12/13/10-45-27_nh-4.jpg
Người dân xã Hải Yến mừng rỡ khi thấy lợn lớn từng ngày

Cụ thể, đối với lợn cấp đợt 1, trọng lượng lợn đạt 80-85 kg/con, tăng 25-35 kg/con; lợn cấp đợt 2 đạt trọng lượng 65-70 kg/con, tăng 15-20 kg/con.

Theo dự kiến đến tháng 1/2016, lợn sẽ được phối giống lần đầu và khoảng 115 ngày sau chúng sẽ đẻ lứa đầu tiên, ước tính trung bình khoảng 8 con/lứa x 1.500.000 đồng/con. Sau khi trừ mọi chi phí đầu tư thức ăn, thuốc thú y, bà con sẽ thu về khoảng 6 triệu đồng/lứa.

Là 1 trong 25 hộ được cấp lợn giống ngay trong đợt 1, anh Hoàng Văn Tá, thôn Tồng Riền, phấn khởi cho biết: “Mới đầu cũng gặp khó khăn lắm nhưng cứ chịu khó học hỏi thì sẽ được thôi.

Từ lúc nhận lợn, các anh ở xã thường xuyên xuống kiểm tra, nhắc nhở phải dọn chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng dịch đầy đủ nên chúng tôi cũng rất yên tâm. Cứ đà này sang năm gia đình tôi sẽ có hẳn một đàn lợn đấy”.

Cách đó không xa, anh Lộc Văn Hảo, thôn Bó Khuông, cũng hồ hởi khoe: “Lợn của tôi được gần 80 kg rồi. Sắp tới tôi sẽ gom tiền xây chuồng mới cho lợn mẹ, sau đó sẽ xây thêm một khu nhỏ ngay bên cạnh để làm “sân chơi” dành riêng cho lợn con.

Vợ chồng tôi mừng lắm! Ngày trước chỉ biết làm nương, làm rẫy nên đói quá, nay được Nhà nước quan tâm, cho lợn giống để thoát nghèo, chúng tôi hứa sẽ chăm sóc cho nó thật tốt”.

Được biết, trong thời gian tới, xã Hải Yến sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để nhân rộng mô hình này. Một mặt, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời từng bước gây dựng nơi đây thành vùng chăn nuôi lợn nái sinh sản, chủ động cung ứng con giống trên địa bàn huyện Cao Lộc.

Theo báo NNVN

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC