Muôn kiểu thương lái “cướp” tôm
Người nuôi tôm hiện nay chịu quá nhiều sức ép, giá con giống, vật tư đầu vào tăng cao nhưng chất lượng không đảm bảo, giá thương phẩm lên xuống bấp bênh… và thêm một nỗi lo nữa, đó là cảnh ép giá và những chiêu trò “bẩn” của thương lái khi thu mua tôm.
Ngày 15/6, ông Nguyễn Quốc Minh (ngụ tại ấp 19, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý việc ông Phạm Văn Chiến (ngụ ấp 3, xã Phong Thanh Đông A, huyện Giá Rai), đã có hành vi gian lận trong thu mua tôm và lợi dụng sơ hở chiếm đoạt hơn 500 kg tôm nguyên liệu. Hiện ông Chiến vẫn đi thu mua tôm trong vùng. Đại diện Đội cảnh sát Kinh tế Công an huyện Giá Rai cho biết, cơ quan đang tiến hành điều tra sự việc, tuy nhiên chưa có đủ cơ sở xử lý do không bắt được quả tang.
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/thuongmai/z300-con-tom-1204-.jpg
Người dân nên cảnh giác với "chiêu trò" thu mua tôm - Ảnh: Lê Hoàng
Ngày 12/6/2015, tại xã Mỹ Long Nam, Công an huyện Cầu Ngang đã đưa hai đối tượng là Nguyễn Thị Gấm (SN 1981, ấp Trường Bắn, xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang) và Nguyễn Thị Nhi (SN 1982, thường trú ấp An Hòa, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) ra công khai hóa hành động trước nhân dân địa phương với hành vi gian lận thương mại trong mua bán tôm tại xã Mỹ Long Nam. Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, vào khoảng 15 giờ ngày 29/5/2015, chị Trần Thị Trắng thỏa thuận bán tôm nuôi cho đối tượng thu mua là Nguyễn Thị Gấm, Nguyễn Thị Nhi ngụ tại xã Mỹ Long Nam. Các đối tượng đã gắn con chíp kim loại dài 4 cm có nam châm hút và lò xo co giãn vào dưới giá cân đồng hồ loại 20 kg nhằm làm giảm trọng lượng tôm khi cân. Cứ 10 kg tôm các đối tượng thu lợi bất chính 500 - 800 g tôm của người bán. Như vậy, sau 8 lần cân các đối tượng đã gian lận 15 kg tôm, sau đó bị chị Trắng phát hiện, báo cơ quan công an. Cơ quan chức năng xét thấy những việc làm của các đối tượng gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế của nhân dân nên đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với mỗi đối tượng
Trước đó, vào cuối tháng 5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau cũng truy tìm ông Trần Văn Chiến (44 tuổi, hành nghề thu mua tôm nguyên liệu, ngụ ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) để làm rõ hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hiện, ông Chiến đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, khi còn thiếu tiền mua tôm của người dân hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, người bị ông Chiến quỵt nhiều nhất là hơn 900 triệu đồng, người ít nhất là 182 triệu đồng. Hiện, các nạn nhân đã có đơn tố giác.
Ngày 28/3/2015, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại đã ra quyết định xử phạt phạt hành chính đối với Trần Hoài Thanh (SN1986, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bình Thới, huyện Bình Đại) với tổng mức phạt 52.500.000 đồng vì hành vi “Hoạt động kinh doanh không có giấy phép kinh doanh theo quy định” và “Cố tình tác động làm sai lệch phương tiện đo lường” trong mua bán tôm. Đồng thời, buộc Thanh bồi thường thiệt hại cho ông Việt 126 triệu đồng.
Không chỉ gian lận trong thu mua tôm của người dân, thương lái còn dùng nhiều chiêu trò để ép giá, cản trở hoạt động buôn bán sản xuất của các hộ nuôi tôm. Như mới đây, tại xã Đông Minh, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, đã xuất hiện tình trạng những nhóm bảo kê chỉ định thương lái nào được phép thu mua và cản trở những thương lái khác đến thu mua tôm của người dân, khiến họ vô cùng hoang mang. Ngoài việc tôm chết vì nắng nóng, thương lái không đến mua, nếu có người mua thì bị ép giá, giờ người nuôi tôm còn phải đối mặt với việc xuất hiện những nhóm bảo kê thì việc sản xuất đến khi nào mới hết khó.
Một hộ nuôi tôm tại Bạc Liêu chia sẻ, chuyện thương lái gian lận khi mua tôm vẫn thường xảy ra nhưng rất khó xử lý vì rất khó phát hiện được các cách thức gian lận của thương lái và không thể bắt quả tang.
Theo Báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)