Ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn yêu cầu các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống cúm gia cầm, ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng vi rút nguy hiểm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.
http://img.daidoanket.vn/images/fullsize/2018/TH%C3%81NG%203/1/anh%20trang%208-dt8.jpg
Cúm gia cầm có thể xâm nhiễm vào Việt Nam qua việc buôn bán gia cầm. Ảnh: TL.
Theo đó, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với lực lượng Thú y tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong từng cộng đồng, chú trọng tới cư dân khu vực biên giới, chính quyền cấp xã, cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tại khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, các dấu hiệu nhận biết gia cầm nghi mắc bệnh cúm; đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm một cách có hiệu quả.
Đặc biệt, cần tuyên truyền để nhân dân giám sát phát hiện, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào trong nước tiêu thụ. Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền cho người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát giết mổ để sử dụng làm thực phẩm; không ăn tiết canh gia cầm và chỉ sử dụng sản phẩm gia cầm đã qua chế biến kỹ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, quy hoạch cụ thể khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống; tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực bán gia cầm sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và các biện pháp xử lý khi phát hiện có virus cúm A/H7N9 tại chợ.
Đồng thời, chỉ đạo chính quyền các cấp chủ động áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo quy định; xây dựng và triển khai kế hoạch chủ động phòng, chống dịch; bố trí lực lượng kiểm soát cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra diện rộng.
Theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong tháng 1/2018 các ổ dịch cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N6, A/H5N8 đã phát sinh tại nhiều quốc gia, đặc biệt là cúm A/H5N1 tại Campuchia và cúm A/H5N6 tại Trung Quốc. Tại nước ta, virus cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn tồn tại và lưu hành trên đàn gia cầm và trong môi trường (năm 2017 có khoảng 1,75% mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 và 0,91% mẫu dương tính với cúm A/H5N6).
Đặc biệt, trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết giá lạnh, độ ẩm cao, các hoạt động vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao; do vậy nguy cơ tiếp tục xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm trong nước và khả năng virus cúm A/H7N9 cũng như các chủng virus cúm độc lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8 chưa có ở Việt Nam) xâm nhiễm vào trong nước là rất cao, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)