Ngành chăn nuôi thua ngay trên sân nhà

Áp lực hội nhập ngày càng tăng, đầu năm 2015, ngành chăn nuôi sẽ không được bảo hộ thuế, hạn ngạch và các chính sách trợ cấp trong cam kết tham gia khu vực mậu dịch tự do (FTA). Với thực trạng hậu cần quá lạc hậu, nghèo nàn hiện nay, chăn nuôi trong nước không thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập…

Vài năm gần đây các sản phẩm thịt ngoại không còn xa lạ đối với người tiêu dùng. Hiện tại nhiều chủ quán nhất quyết không lấy “gà nóng” (gà nuôi, giết mổ trong nước) mà yêu cầu giao “gà lạnh” (gà cấp đông nhập khẩu) do gà lạnh có giá 32.000 đồng/kg, còn gà nóng tới hơn 70.000 đồng/kg.

Không thể cạnh tranh giá

Không chỉ thịt gà, mà cả các loại thịt bò, thịt heo, thịt trâu… cho dù nhập ở bất cứ thị trường nào đi nữa và đang chịu thuế cao, giá cũng thấp hơn nhiều so với sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Hôm cuối tuần trước, ngồi càphê với giám đốc doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt. Ông này tiết lộ mặc dù ngành chăn nuôi trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thịt lạnh vẫn ùn ùn nhập về. Ngoài cánh, đùi góc tư, thịt trâu, thịt bò, một loại hàng “đặc biệt” là chân gà, phao câu gà và đuôi, chân bò cũng đang được nhập về số lượng lớn. “Các quán nhậu lòng lề đường mọc lên như nấm, mấy món này rẻ bèo nên được các quán lấy nhiều, bán rất chạy”, ông này nói. Chưa hết, hiện nay nguồn thịt ở các nước châu Âu, Đông Âu khá phong phú. Khách hàng Ukraine chào giá thịt gà nguyên con có 0,33 euro/kg, cộng thuế, cước vận chuyển về đến cảng tương đương khoảng trên 10.000 đồng. Giá thịt gà xay về đến cảng khoảng 700 – 900 USD/tấn (tương đương 14.000 – 20.000 đồng/kg); thịt heo xay 600 – 700 USD/tấn (tương đương 12.000 – 15.000 đồng/kg). “Do có giá rẻ nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở nhỏ thay vì sử dụng thịt nóng họ đã tìm mua thịt gà xay, thịt heo xay về làm nguyên liệu chế biến xúc xích, giò, chả”, vị giám đốc trên cho hay.

Hậu cần là con số không

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, sở dĩ giá thành chăn nuôi gà, chăn nuôi heo, chăn nuôi bò ở Việt Nam thường cao hơn 10 – 15% so với khu vực, 20 – 25% với các nước có nền chăn nuôi phát triển như châu Âu, Mỹ, Đông Âu… là bởi chúng ta phải phụ thuộc gần như hoàn toàn khâu hậu cần phục vụ cho ngành này. Chúng ta phải nhập khẩu từ con giống, thuốc thu y, thuốc sát trùng, vắcxin, thiết bị chuồng trại cho đến nguyên liệu thức ăn, các chất vi lượng, kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai nhận xét: một trại gà công suất 15.000 con, đầu tư 2 tỉ đồng, nhưng Việt Nam chỉ cung cấp được ximăng, cát, gạch để lót nền, xây tường, mấy cây sắt làm khung dựng và mái lợp, còn các thiết bị cần kỹ xảo công nghệ như bạt, máng ăn, máng nước… chiếm 2/3 giá thành thì phải nhập khẩu. Nhiều lần tham quan mô hình chăn nuôi ở các nước tiên tiến, ông Ngọc cũng cho biết các trang trại ở đây được quản lý khá hiện đại. Thức ăn từ nhà máy được rót trực tiếp vào các xe bồn, sau đó chở về trại bơm lên hệ thống silo. Máy tính sẽ điều tiết lượng thực ăn, nước uống đến hệ thống máng theo chế độ trong ngày cho vật nuôi. Ngay cả khâu bắt gà cũng dùng máy. Cách làm này giúp giảm bớt tối đa nhân công, giảm giá thành chăn nuôi. Trong khi đó, một trại gà ở Việt Nam công suất 15.000 con cần ba lao động cho ăn, cộng thêm người quản lý, bắt gà, thì nước ngoài dùng một lao động quản lý trại gà 100.000 con. “Sử dụng máy tự động còn giảm tiếng ồn, con gà không bị stress. Còn ở Việt Nam, mỗi bữa ăn có ba bốn công nhân vào trại, con gà sợ quá chạy hoảng loạn, bị va đập vào nhau nên tỷ lệ chết thường rất cao, lên đến 8 – 10%”, ông Ngọc dẫn chứng thêm.

“Không thể chống đỡ nổi”

Từ đầu năm 2015, ba mặt hàng gồm thịt gà, trứng gà và thịt heo đang được bảo hộ thuế suất từ 0 – 5 sẽ bị dỡ bỏ khi chúng ta thực thi cam kết AFTA và khi đó, sản phẩm thịt của Thái Lan, Indonesia hay Malaysia có thể xuất khẩu tự do vào thị trường Việt Nam.

Mặc dù ngành chăn nuôi thua lỗ ba năm nay, thiệt hại khoảng 1,3 tỉ USD, nhưng ở nhiều vùng, người dân vẫn chặt cao su, chặt cây điều, đổ tiền vào xây dựng chuồng trại.

Ông Phạm Đức Bình, tổng giám đốc công ty Thanh Bình, đồng thời là phó chủ tịch hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam nói cách đây mười năm đã khảo sát, nghiên cứu khá kỹ khả năng cạnh tranh của gà Thái Lan khi chính sách thuế bị dỡ bỏ và nay, xét thấy không thể chống đỡ nổi nên đầu năm 2013, công ty Thanh Bình đã rút khỏi nghề chăn nuôi gà thịt. Doanh nghiệp Thái Lan, như ông Bình phân tích, họ nuôi gà có giá thành rất rẻ nên đã xuất khẩu được đi Nhật, Mỹ, các nước châu Âu và hoàn toàn có thể quá cảnh Campuchia bằng đường bộ để đưa qua Việt Nam. Một số tỉnh vùng Đông Bắc nước Thái giáp ranh với Campuchia có tổng đàn lớn nhất nước. Các nhà máy giết mổ ở đây có công suất 2.000 con/giờ trở lên, có thể đưa gà vào giết mổ lúc 6 giờ chiều, đến 9 – 10 giờ đêm là xong, sau đó gà được chất lên xe tải, mất sáu tiếng, tức là khoảng 4 giờ sáng là có mặt ở các chợ TP.HCM.

Biết trước tình thế không thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, nên ngay cả một số đại gia nước ngoài, dù đầu tư hàng tỉ đôla vào Việt Nam, cũng chủ động tháo lui khỏi ngành chăn nuôi. Có thể kể đến trường hợp của công ty Japfa Việt Nam, một công ty của tập đoàn Japfa Malaysia. Đầu tư vào Việt Nam gần cả chục năm nay, nhưng đến năm 2012 công ty nay buộc phải giảm đàn gà từ 2 triệu con xuống còn 1 triệu con mỗi tháng tại thị trường phía Nam. Ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc công ty chăn nuôi Japfa Việt Nam nói ngành gà đã có đến ba năm thua lỗ liên tiếp, tính từ tháng 3.2011. Ngoài khâu hậu cần không được chuẩn bị một cách tốt nhất, theo ông Trung, Nhà nước đã không làm tròn vai trò cung cấp thông tin liên quan đến thị trường, thông tin về sản lượng, đặc biệt là lượng thịt nhập khẩu đến người chăn nuôi và doanh nghiệp.

Mặc dù ngành chăn nuôi thua lỗ ba năm nay, thiệt hại khoảng 1,3 tỉ USD (khảo sát của hội Chăn nuôi Việt Nam), nhưng ở nhiều vùng, người dân vẫn chặt cao su, chặt cây điều, đổ tiền vào xây dựng chuồng trại. Ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng đây là bằng chứng rõ nhất cho thấy người chăn nuôi đang rất thiếu thông tin, việc mà lẽ ra Nhà nước phải có định hướng cho họ.

Như vậy, dù ở hoàn cảnh nào, thịt nhập khẩu cũng luôn có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm nội địa. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào chăn nuôi ở Việt Nam biết rõ điều này, nên họ rất ít đầu tư vào chuỗi giá trị mà chỉ dừng lại ở khâu chăn nuôi để khi gặp bất lợi sẽ rút ra, giảm rủi ro thua lỗ. Theo ông Phạm Đức Bình, đây là cách đầu tư khôn ngoan. “Không có doanh nghiệp nào đầu tư vào giết mổ, họ chỉ nuôi ra heo hơi, gà lông để bán kiếm lời, nếu thị trường không còn có ăn nữa thì rút lui mà không sợ bị mất vốn”, ông Bình nói thêm.

Theo Một Thế giới

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC