Ngành thú y chủ động hội nhập để chăn nuôi phát triển bền vững

Trong những năm qua, công tác thú y của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Trong những năm qua, công tác thú y của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Trong đó, đã cơ bản khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh trên động vật nuôi trong nước, ngăn ngừa xâm nhập nhiều bệnh mới nổi vào Việt Nam, góp phần bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đồng thời hạn chế lây truyền bệnh từ động vật sang người,… PV Báo NNVN đã trao đổi với Cục Thú y về vấn đề công tác thú y, cụ thể như sau:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, trong đó đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn cho tất cả các ngành, bao gồm cả ngành chăn nuôi và thú y của nước ta. Cụ thể, nhiều sản phẩm của Việt Nam như lợn sữa, trứng muối, mật ong, lợn thịt,… đã phải cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ngược lại, thị trường trong nước cũng có nhiều sản phẩm ngoại nhập khẩu chất lượng và có tính cạnh tranh cao như xúc xích, thịt hộp, thịt bò, sữa bột,... Thực tế này đòi hỏi Ngành Thú y phải có các giải pháp đồng bộ vừa tạo mọi điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi trong nước phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng cũng đồng thời phải đề xuất các biện pháp kỹ thuật bảo đảm khoa học, hợp lý và phù hợp với các quy định của quốc tế đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Trong những năm qua, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, chỉ đạo xây dựng và ban hành nhiều chính sách, quy định của pháp luật; trong đó có các chính sách thúc đẩy phát triển chăn nuôi và chế biến sản phẩm động vật; đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường,… Kết quả, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê trong 3 năm gần đây, chăn nuôi đã phát triển rất mạnh mẽ, thị trường đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi phát triển khá tốt, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng qua các năm như sau: năm 2014 đạt 4,06%, năm 2015 đạt 5,28% và năm 2016 đạt gần 6%. Theo số liệu thống kê năm 2016, cả nước có khoảng 2,52 triệu con trâu, 5,21 triệu con bò, 282,9 nghìn con bò sữa, 30 triệu con lợn, 370 triệu con gia cầm, 1,4 triệu con dê, cừu. Như vậy so với năm 2015, tổng đàn lợn tăng 2,3%, đàn gia cầm tăng 3,5%, đàn bò tăng khoảng 1%, riêng đàn bò sữa tăng 8%; Sản lượng sữa bò tăng 12% so với năm 2015. Ngành chăn nuôi phát triển tốt như vậy là nhờ có sự đóng góp quan trọng của ngành thú y, cụ thể: Dịch bệnh động vật trên cạn được kiểm soát tốt liên tục trong nhiều năm qua, vấn đề vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm được bảo đảm, chế tài xử lý vi phạm trong công tác thú y đủ mạnh và được thực hiện một cách nghiêm minh, tạo niềm tin cho thị trường tiêu thụ, bảo vệ thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu.

Từ năm 2013 đến nay, để tiếp tục tạo điều kiện cho Ngành Chăn nuôi của Việt Nam phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới, giữ vững thị trường trong nước, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu, Ngành Thú y đã chủ động hội nhập, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, có tính chiến lược, khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế. Sau đây là một số kết quả nổi bật của Ngành Thú y đã đạt được:

Một là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thú y:

Lần đầu tiên, Việt Nam có một hệ thống văn bản pháp luật về thú y đồng bộ với các quy định chi tiết, phù hợp với thực tiễn của đất nước, dễ áp dụng và tương đồng với pháp luật của quốc tế và nhiều nước phát triển, bao gồm: Luật thú y năm 2015, Nghị định số 35/2016/NĐ-CP, Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định chi tiết về: Phòng chống dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, quản lý thuốc thú y, kiểm soát giết mổ động vật và vệ sinh thú y;... Các văn bản này đã được xây dựng đồng bộ ngay khi Luật thú y có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 với quan điểm phòng bệnh là chính, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch động vật và quản lý thuốc thú y, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi nhất cho hội nhập quốc tế.

Hai là, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án:

Cục Thú y đã chủ động đề xuất, báo cáo Bộ NN&PTNT cho phép xây dựng các chương trình quốc gia, các dự án lớn để chủ động kiểm soát dịch bệnh động vật như Chương trình quốc gia khống chế bệnh Lở mồm long móng qua 3 giai đoạn (2006 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 – 2020); Kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh cúm gia cầm qua 4 giai đoạn (từ 2005 – 2018); Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại qua 2 giai đoạn (2011-2015 và 2017-2021); Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây sang người; Đề án thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà, lợn để hướng tới xuất khẩu; Đề án quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm giai đoạn 2014 - 2020; các dự án giám sát lưu hành của mầm bệnh (Cúm gia cầm, LMLM, Dại động vật) để dự báo dịch, chủ động ứng phó dịch,…

Ngoài ra, được sự đồng ý của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai nhiều dự án như: Dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật” (OSRO/VIE/402/USA) do Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên hiệp quốc; Dự án "Giám sát bệnh Lở mồm long móng tại Việt Nam" do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tài trợ; Dự án “Nghiên cứu về cúm ở góc độ tương tác giữa người và động vật và những bệnh chung khác” do Trung tâm khống chế dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tài trợ;…

Ba là, chỉ đạo điều hành có hiệu lực và hiệu quả

  • Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo điều hành rất cụ thể, từng nội dung của công tác thú y nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
  • Định kỳ phát động tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trong toàn quốc từ 02 đến 03 lần trong năm để chủ động tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường chăn nuôi.

Bốn là, hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch:

  • Cục Thú y đã chủ động tham mưu và báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ vắc xin, hóa chất khử trùng từ nguồn Dự trữ quốc gia, hỗ trợ vắc xin cho các huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ; hỗ trợ vắc xin từ quỹ dự phòng của Trung ương cho các địa phương tiêm phòng bao vây khẩn cấp các ổ dịch.
  • Để có cơ sở đề xuất các giải pháp phù hợp và hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh việc triển khai tại cơ sở, hằng năm Cục Thú y đã thành lập nhiều đoàn công tác đi hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, bám sát cơ sở để chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Năm là, kế hoạch chủ động phòng chống dịch của các địa phương

Bằng việc thay đổi cách tiếp cận, từ đầu năm 2013, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức thực kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh động vật của địa phương; trong đó có các phương án cụ thể về kinh phí, vắc xin, hóa chất khử trùng, nhân lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Kết quả là hằng năm hầu hết các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch, bố trí hàng trăm tỷ đồng và tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động kiểm soát dịch, không để xảy ra các đợt dịch lớn trên động vật nuôi.

Sáu là, một số kết quả đạt được trong phòng, chống dịch bệnh

a) Giám sát chủ động lưu hành vi rút gây bệnh; lập bản đồ dịch tễ; đánh giá hiệu lực vắc xin để hướng dẫn sử dụng vắc xin có hiệu quả hơn:

Từ nhiều năm nay, với sự hỗ trợ các tổ chức quốc tế (World Bank, FAO, OIE,…) và của Chính phủ nhiều nước (như Hoa Kỳ, New Zealand,…), Việt Nam đã triển khai nhiều Chương trình giám sát lưu hành vi rút Cúm trên gia cầm, trên chim hoang, trên lợn,... để dự báo, cảnh báo dịch bệnh, phát hiện sự biến đổi của vi rút từ đó đề ra các giải pháp kỹ thuật sát thực tế, có tính khoa học và đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt đối với dịch Cúm gia cầm, trong năm 2016 trên thế giới đã xảy ra nhiều ổ dịch với nhiều chủng vi rút Cúm khác nhau đã liên tục xảy ra tại 17 quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại khu vực Châu Âu và Châu Á, nhưng Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát thành công dịch cúm gia cầm. Mặt khác, mỗi năm Cục Thú y đã tổ chức lấy hàng chục nghìn mẫu giám sát trên gia cầm và môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán gia cầm sống để xét nghiệm nhằm phát hiện các chủng vi rút Cúm gia cầm nguy hiểm; kết quả đã phát hiện các vi rút lưu hành như Cúm H5N1, H5N6; chưa phát hiện có mẫu dương tính với vi rút Cúm H7N9 (chủng vi rút Cúm này lưu hành và gây chết nhiều người tại Trung Quốc).

Các loại vi rút gây bệnh khác như Lở mồm long móng, Tai xanh ở lợn, Dại động vật,.. cũng được Cục Thú y tổ chức lấy mẫu giám sát chặt chẽ, phân tích biến đổi gien, lập bản đồ dịch tễ và đánh giá hiệu lực của các loại vắc xin.

Đánh giá vắc xin: Thông qua công tác giám sát, Cục Thú y thường xuyên thu thập mẫu vi rút và thực hiện đánh giá hiệu lực các loại vắc xin để hướng dẫn các địa phương tiêm phòng, chuẩn bị phương án sẵn có vắc xin để tiêm phòng nếu vi rút có sự biến đổi. Kết quả giám sát vi rút lưu hành trong năm 2016 cho thấy, các chủng vi rút Cúm H5N1, H5N6, vi rút LMLM, Tai xanh lưu hành tại Việt Nam chưa có biến đổi nhiều so với những năm trước đây; vi rút H5N1 vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1c, vi rút H5N6 thuộc nhánh 2.3.4.4, vi rút LMLM thuộc típ O và A, vi rút Tai xanh thuộc dòng Bắc mỹ. Dựa trên kết quả đánh giá hiệu lực vắc xin, Cục Thú y thường xuyên hướng dẫn địa phương lựa chọn các loại vắc xin có hiệu lực để phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm hiệu quả cao.

Cục Thú y cũng thường xuyên gửi các mẫu vi rút lấy từ ổ dịch đến phòng thí nghiệm tham chiếu quốc tế để phân tích chuyên sâu, đánh giá các đặc tính để làm cơ sở sản xuất vắc xin phù hợp cho đất nước.

b) Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh:

Từ đầu năm 2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt các Đề án 441 "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với lợn tại tỉnh Thái Bình và Nam Định” và Đề án 440 "Thí điểm xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gà tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh”; Cục Thú y đã và đang chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức liên quan thực hiện các Đề án trên.

Tính đến hết năm 2016, toàn quốc đã có gần 1.400 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được công nhận ATDB, đã có nhiều xã được công nhận ATDB làm tiền đề cho việc xây dựng vùng ATDB sau này. Ngoài ra, đã xây dựng thành công vùng ATDB Lao, Sảy thai truyền nhiễm đối với bò nuôi tại huyện Củ Chi của thành phố Hồ Chí Minh, vùng ATDB Dại tại huyện Côn Đảo của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Dự kiến trong năm 2017, sẽ xây dựng thành công một số vùng ATDB theo Đề án 440 để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm gia cầm.

c) Phòng, chống dịch bệnh động vật:

Bệnh Cúm gia cầm: Trong những năm gần đây, dịch Cúm gia cầm đã được Ngành Thú y kiểm soát rất hiệu quả, chỉ xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ tại một vài hộ chăn nuôi quy mô gia đình, chủ yếu trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và các ổ dịch đều được phát hiện sớm, xử lý nhanh nên không lây lan (từ năm 2008 đến nay, không ghi nhận các trang trại chăn nuôi phát sinh ổ dịch cúm). Theo số liệu tổng hợp về tình hình dịch bệnh CGC trong 3 năm vừa qua cho thấy dịch bệnh giảm cả về diện dịch và mức độ dịch bệnh, cụ thể: trong năm 2015 số xã có dịch đã giảm hơn 4 lần, số huyện có dịch giảm 2,74 lần, số tỉnh có dịch giảm 3 lần so với năm 2014. Như vậy, dịch Cúm gia cầm đã giảm đáng kể qua các năm và đến năm 2016 dịch CGC chỉ còn xảy ra ở một số ít tỉnh, thành phố với hơn 10.000 con gia cầm bị tiêu hủy.

Bệnh Lở mồm long móng gia súc: Trong những năm gần đây, dịch bệnh LMLM đã được kiểm soát tốt hơn, đặc biệt tại các địa phương chăn nuôi trọng điểm góp phần tăng trưởng mạnh trọng chăn nuôi. Dịch LMLM gần đây chỉ xuất hiện rải rác, nhỏ lẻ trên đàn trâu bò nuôi tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa (tại khu vực này, trâu bò nuôi thả rông trong rừng, gây khó khăn cho công tác tiêm phòng vắc xin). So với những năm trước đây, diện dịch và mức độ dịch năm 2016 đã giảm nhiều, góp phần giảm thiểu thiệt hại về kinh tế và tạo môi trường ổn định để phát triển sản xuất, cụ thể: năm 2016 chỉ còn 2.700 con gia súc mắc bệnh, số tiêu hủy chỉ có 40 con và chủ yếu là lợn.

Bệnh Tai xanh ở lợn: Lần đầu tiên bệnh xâm nhập vào nước ta từ tháng 3/2007 thông qua việc buôn bán trái phép lợn qua biên giới và đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn trong những năm sau đó. Tuy nhiên, từ tháng 7/2013 đến nay, dịch đã cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Cuối năm 2015, dịch Tai xanh tái phát ở diện hẹp, trong thời gian ngắn với 19 ổ dịch tại 11 huyện của 06 tỉnh (khu vực chung biên giới với Căm-pu-chia - nước bị phát sinh dịch Tai xanh từ tháng 8/2015) làm 1.228 con con lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy. Năm 2016, do mưa bão, lũ lụt nhiều, nhất là các tỉnh miền Trung và Nam Trung bộ, gây nguy cơ rất cao về dịch bệnh và đã xuất hiện dịch Tai xanh tại một số tỉnh Bắc Trung bộ làm hơn 1.200 lợn mắc bệnh, chết, tiêu hủy

Dịch bệnh thông thường khác trên động vật nuôi về cơ bản vẫn ổn định, không có biến động lớn, cụ thể: Bệnh thông thường của trâu bò (Tụ huyết trùng, Tiên mao trùng, Ung khí thán), bệnh của lợn (Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn, Phó thương hàn lợn, Đóng dấu lợn, Xoắn khuẩn, Suyễn, E. Coli) và bệnh của gia cầm (Tụ huyết trùng, Niu-cát-xơn, Gum-bô-rô, Dịch tả vịt, Viêm đường hô hấp mãn tính ở gà - CRD, Viêm gan vịt) tiếp tục được cơ quan thú y các địa phương và người chăn nuôi kiểm soát có hiệu quả.

Đã xây dựng hệ thống chẩn đoán, xét nghiệm với các phòng xét nghiệm thú y được đầu tư dụng cụ, máy móc hiện đại (ELISA, PCR, Realtime PCR, máy giải trình tự gien) với nhiều cán bộ được đào tạo, tập huấn ở nước ngoài, các quy trình chẩn đoán bệnh động vật được xây dựng hài hòa với quốc tế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO (ISO/IEC 17025), được Bộ NN&PTNT chỉ định là phòng thử nghiệm nông nghiệp,… phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống dịch bệnh và giám sát mầm bệnh phục vụ xuất khẩu, rút ngắn thời gian xét nghiệm, kết quả chẩn đoán chính xác. Hệ thống phòng xét nghiệm bệnh động vật của Ngành Thú y hiện nay bao gồm 12 phòng xét nghiệm thuộc Cục Thú y, các phòng thí nghiệm thuộc Viện Thú y Quốc gia, Phân viện Thú y miền Trung, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các trường đại học, một số Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp.

Ngành Thú y đã và đang chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc phòng chống bệnh truyền lây giữa động vật và người, ngăn chặn thành công sự xâm nhập của vi rút cúm A/H7N9, giảm thiểu số người mắc bệnh và chết do vi rút cúm A/H5N1 (trong 3 năm qua đã không còn người chết vì Cúm gia cầm tại Việt Nam), từng bước kiểm soát bệnh Dại trên động vật và giảm thiểu số người tử vong do phát bệnh Dại; kiểm soát tốt bệnh Nhiệt Thán.

Như vậy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, tác động trực tiếp đến tăng trưởng của ngành chăn nuôi và thương mại quốc tế của nhiều nước (nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc,... đã phải tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm), nhưng tại Việt Nam, công tác phòng dịch bệnh vẫn tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, đã chuyển từ thế bị động sang chủ động, không chạy theo dịch và đã kiểm soát tốt dịch bệnh, hỗ trợ ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh mẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, ổn định an sinh xã hội, góp phần giảm thiểu số người bị mắc bệnh lây truyền từ động vật, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm động vật của Việt Nam sang nhiều thị trường khó tính.

Bảy là, một số kết quả đạt được trong công tác kiểm dịch động vật

Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong nước đã được cải cách về thủ tục, quy trình, bỏ kiểm dịch vận chuyển nội tỉnh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh. Các cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, cơ sở tham gia giám sát dịch bệnh hoặc động vật đã được tiêm phòng vắc xin thì chủ hàng chỉ phải thực hiện khai báo kiểm dịch và được cơ quan thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật ngay trong ngày. 

Kiểm dịch nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, kiểm soát nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới đã được Cục Thú y chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không có mầm bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.

Kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tăng so với năm 2015, cụ thể: Lợn sữa đông lạnh xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Malaysia đạt 10.000 tấn; thịt lợn choai đông lạnh đạt 1.700 tấn, tăng đột biến so với năm 2015; sản phẩm gia cầm làm thực phẩm đạt 9.800 tấn; trứng vịt muối đạt 14 triệu quả; mật ong đạt 46.000 tấn, tăng hơn so với năm 2015; dầu cá, bột cá làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 144.000 tấn; thức ăn cho thủy sản, chó mèo 80.000 tấn, tăng nhẹ so với 2015; da thuộc xuất khẩu đạt 92.000 tấn. Ngoài ra còn thực hiện kiểm dịch xuất khẩu đối với khỉ, động vật cảnh, trứng chim cút sang Nhật Bản, Singapore và nhiều sản phẩm động vật khác sang các nước.

Tám là, một số kết quả đạt được trong công tác quản lý thuốc thú y

Hiện nay, cả nước có 61 nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt GMP. Đặc biệt đối với sản phẩm vắc xin thú y, Việt Nam đã sản xuất thành công và đăng ký lưu hành 107 loại vắc xin từ 07 nhà máy sản xuất vắc xin hiện đại, đạt yêu cầu "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP) của Tổ chức Y tế thế giới (GMP-WHO), từng bước chủ động nguồn vắc xin phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công một số vắc xin phòng bệnh quan trọng như: vắc xin Cúm gia cầm (Navet-Vifluvac) từ năm 2012; vắc xin Tai xanh từ năm 2015; dự kiến trong năm 2017 sẽ sản xuất thành công vắc xin LMLM.

Về cơ bản, thuốc thú y sản xuất trong nước đáp ứng trên 70% nhu cầu của thị trường tiêu dùng trong nước. Ngoài việc củng cố thị trường nội địa, nhiều công ty đã tìm kiếm thị trường xuất khẩu, hiện đã có gần 1.000 loại thuốc thú y của Việt Nam được xuất khẩu đến trên 40 nước trong khu vực và trên thế giới, kể cả các thị trường khắt khe như Hà Lan, Bỉ, Nga,… số lượng thuốc thú y xuất khẩu tiếp tục có chiều hướng gia tăng trong các năm tới.

Các loại thuốc thú y đều được kiểm nghiệm chất lượng trước khi đăng ký lưu hành tại các phòng kiểm nghiệm của Cục Thú y. Đây là các phòng kiểm nghiệm thuốc thú y được quản lý hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO:17025 và được đầu tư các trang thiết bị hiện đại như hệ thống sắc ký lỏng khối phổ hai lần (LC/MS/MS), hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC), sắc ký khí khối phổ (GC/MS), hệ thống quang phổ hấp thụ nguyên tử (AAS), hệ thống máy ELISA, RT-PCR, Realtime RT-PCR,... đáp ứng được các yêu cầu về kiểm nghiệm tất cả các loại thuốc thú y, tồn dư kháng sinh, chất cấm sử dụng,... và được Bộ NN&PTNT chỉ định là Phòng thử nghiệm Ngành Nông nghiệp. Cục Thú y cũng đã xây dựng được phòng an toàn sinh học phục vụ kiểm nghiệm vắc xin, được cấp chứng chỉ ISO 14644:2007 (chứng nhận phòng thí nghiệm an toàn sinh học), đánh dấu một bước tiến vượt bậc của hệ thống kiểm nghiệm thuốc thú y. Do vậy, những loại vắc xin khó, nguy hiểm trước đây thường phải gửi ra nước ngoài kiểm nghiệm thì giờ đây đã được thực hiện ngay tại Việt Nam.

Với kết quả đạt được trong 05 năm qua trên tất cả các lĩnh vực về thú y. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho tập thể Cục Thú y vào năm 2016. Đồng thời, nhiều tập thể và cá nhân của Văn phòng Cục Thú y, các đơn vị thuộc Cục cũng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Đảng ủy Khối các Cơ quan Trung ương, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…

Theo báo NongNghiep.vn

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC