Nghệ An: Xuất hiện ổ dịch H5N1, tiêu hủy khẩn cấp gần 500 gia cầm
Ở huyện Diễn Châu (Nghệ An), cơ quan hữu trách phát hiện 50 con vịt bị ốm chết và 30 con đang bị bệnh với triệu chứng sưng phù đầu, phân trắng xanh… Kết quả xét nghiệm cho thấy dương tính với H5N1
Trạm Thú y huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa phối hợp với các lực lượng chức năng huyện, tiêu hủy gần 500 con gia cầm, để ngăn chặn nguy cơ lây lan virus H5N1. Đây là số gia cầm cùng đàn với những con bị chết trước đó dương tính với virus H5N1.
Theo đó, vào ngày 30/1, đàn vịt chạy đồng của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng trú ở xóm 5, xã Diễn Lộc (Diễn Châu) bất ngờ ốm chết 50 con, mà không rõ nguyên nhân. Ngoài số vịt chết trên còn có 30 con đang bị bệnh. Ông Hùng đã báo sự việc lên Chi cục Thú y địa phương. Qua kiểm tra, lực lượng thú y phát hiện triệu chứng lâm sàng mắc bệnh của vịt là sưng phù đầu và ỉa phân trắng xanh. Bệnh tích: Buồng trứng teo, mật sưng, phổi mềm nhũn. Được biết, loại gia cầm bị ốm và chết chủ yếu là vịt đẻ và vịt thịt.
Sau đó, Trạm Thú y Diễn Châu đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính H5N1. Ngay lập tức, toàn bộ đàn vịt nhà ông Hùng được vận động đưa đi tiêu hủy khẩn cấp với gần 500 con vịt thịt và vịt đẻ. Được biết, ông Hùng là hộ gia đình chăn nuôi vịt theo hình thức thả rông, chạy đồng. Trên cánh đồng chăn thả có kênh tiêu nước và có nhiều chim hoang dã.
Để ngăn ngừa dịch lây lan, Chi cục Thú y tỉnh Nghệ An đã cung cấp 60 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng, 20.000 liều vắc xin để tiêm phòng cho toàn bộ gia cầm trên địa bàn xã Diễn Lộc. Ngoài ra, các lực lượng liên quan cũng được chỉ đạo theo dõi sát diễn biến của dịch và tình hình sức khỏe các đàn gia cầm trên địa bàn huyện.
http://xmedia.nguoiduatin.vn/thumb_x500x/2017/2/6/9701/image-1486344732.jpg
Vịt thả đồng không được tiêm phòng dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng (ảnh V.T)
Theo báo cáo, huyện Diễn Châu nói chung và xã Diễn Lộc nói riêng có tổng đàn gia cầm lớn, nhưng chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, phần lớn chưa được tiêm vắc xin cúm gia cầm và một số vịt trong thời gian qua (vụ Đông) nuôi theo hình thức chạy đồng. Việc chăm sóc vật nuôi của nhiều hộ còn chủ quan, lơ là, kết hợp với thời tiết diễn ra phức tạp nên mầm bệnh dễ phát triển. Vì vậy, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và lây lan ra diện rộng là rất cao.
Ông Nguyên Trọng Bốn, Trạm trưởng Trạm Thú y Diễn Châu cho biết: “Sau khi phát hiện được ổ dịch, chúng tôi đã tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của nhà anh Hùng. Đồng thời, Trạm cũng triển khai tiêu độc khử trùng bao vây ổ dịch và hướng dẫn nhân dân cách phòng chống dịch. Ngoài ra, còn cắm biển báo dịch, ký cam kết với gia đình không giết thịt, không bán chạy, cách ly gia cầm ốm, không vứt xác bừa bãi, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của Trạm Chăn nuôi và thú y”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Độ, Chi cục trưởng Cục Thú y Nghệ An cho hay: “Hiện, chúng tôi đã làm báo cáo nhanh gửi lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc cảnh báo và đốc thúc kiểm tra được thực hiện báo cáo hàng ngày. Chi cục Thú y tỉnh cũng nhanh chóng cung cấp hóa chất và vắc xin để tiêu độc khử trùng và tiêm toàn bộ cho gia cầm trên địa bàn xã, quyết tâm khống chế không để dịch lây lan ra diện rộng, tránh thiệt hại cho ngành chăn nuôi”.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)