Người tiêu dùng lo thịt lợn Tết giá cao

Trong khi người tiêu dùng đang lo lắng Tết sẽ phải ăn thịt lợn giá cao thì Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn khẳng định nguồn cung thịt lợn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng Tết.

Trong khi người tiêu dùng đang lo lắng Tết sẽ phải ăn thịt lợn giá cao thì Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn khẳng định nguồn cung thịt lợn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng Tết.

 

 


Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vẫn khẳng định nguồn cung thịt lợn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng Tết.

Tại cuộc họp báo mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng lên từ 5 - 10% so với bình quân các tháng trong năm. Cụ thể nhu cầu thịt các loại trong tháng 2 (tháng Tết) sẽ vào khoảng 250 – 350 nghìn tấn/tháng; khoảng 1 – 1,1 tỷ trứng gia cầm...

SẼ ĐÁP ỨNG ĐỦ NHU CẦU

Năm vừa qua, sản xuất lúa gạo được mùa. Riêng về chăn nuôi, Việt Nam đạt 5,4 triệu tấn thịt, trong đó thịt lợn đạt 3,48 triệu tấn. Thịt gia cầm đạt 1,47 triệu tấn, vượt mục tiêu 1,2 triệu tấn đề ra. Bên cạnh đó, trứng gia cầm đã đạt 14,7 tỷ quả, sữa trên 1 triệu tấn. Bên cạnh nguồn cung thịt các loại, sản lượng thủy sản năm 2020 đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với 2019.

"Với tốc độ tái đàn, tăng đàn như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn cho Tết Tân Sửu sẽ đảm bảo dồi dào, giá cả ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và tiêu dùng, sẽ không có sự tăng giá đột biến. Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát ở Hà Nội và một số tỉnh, thành, chúng tôi nhận thấy nhiều địa phương chủ động dự trữ cho Tết từ cách đây vài tháng, điển hình như Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội nguồn cung đều tăng 10 - 20% so với ngày thường nên có thể nói Tết này chúng ta tương đối yên tâm về lương thực, thực phẩm", ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phùng Đức Tiến, năm 2020 là năm ngành chăn nuôi thực hiện phòng, chống dịch bệnh tốt với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, bệnh dại... Đặc biệt, Công ty NAVETCO hiện có những bước tiến cuối cùng rất khả quan trong việc cho ra sản phẩm vacxin dịch tả lợn châu Phi thời gian tới khi việc tiếp nhận và thử nghiệm công trình do phía Mỹ chuyển giao đang rất khả quan và thuận lợi. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục có những thử nghiệm và đánh giá độc lập, khách quan hơn nữa về hiệu quả, hiệu lực của vacxin dịch tả lợn châu Phi do Navetco nghiên cứu trước khi cấp phép lưu hành vào sản xuất.

Ông Tiến đánh giá, vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng được các địa phương coi trọng. Đến nay, đã có 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và tương đương với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng; đã phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn trên toàn quốc, tăng 130 chuỗi so với cuối năm 2019. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98%; đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh chỉ chiếm 0,32%.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, đạt 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 22% so với tháng 1/2020. Năm 2020, tốc độ tái đàn lợn rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện có 5,5 triệu con, tăng 175% so với đầu năm.

Nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm dự báo tăng 10-15% và với mức tăng này không làm đẩy giá thịt lợn lên. "Với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả tốt và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, thị trường về cơ bản ổn định, cân đối cung – cầu đảm bảo. Đến thời điểm này có thể cam kết đảm bảo nguồn cung thực phẩm sẽ không thiếu hụt, giá thịt lợn sẽ tăng nhưng không đột biến", ông Trọng nói.

Tuy nhiên, trái với khẳng định nguồn cung đảm bảo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, giá lợn hơi xuất chuồng đã và đang tăng rất nhanh chỉ trong vòng 2 tuần qua. So với cuối tháng 12 và ngày 1/1/2021, thì giá lợn hơi xuất chuồng ở thời điểm hiện tại đã tăng 8.000 – 10.000 đồng. Nếu như tháng trước, giá lợn hơi chỉ phổ biến ở mức trên dưới 70.000 đồng/kg, thì nay đã đạt ngưỡng 80.000 đồng/kg. Hiện, giá lợn móc hàm đang trong khoảng 115.000 – 120.000 đồng/kg, tăng 15.000- 20.000 đồng/kg so với đầu tháng 1/2021.

Trả lời băn khoăn này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng, theo đúng kịch bản là cuối quý III đầu quý IV/2020, giá lợn hơi sẽ giảm xuống. Tuy nhiên gần đây giá lại tăng lên. Mới đây, Cục Chăn nuôi đã cập nhật thông tin tại các địa bàn, có nơi giá lợn hơi ở mức 83.000-85.000 đồng/kg nhưng đó là giá đã qua đại lý cấp 1, cấp 2, còn giá lợn hơi chung ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động ở mức 78.000-82.000 đồng/kg. Theo ông Trọng, đàn lợn cung cấp ra thị trường đợt này được người dân tái đàn đúng vào thời điểm giá lợn giống đang tăng cao, lên đến 3-3,5 triệu đồng/con. Do chi phí giống quá cao nên giá thành chăn nuôi lợn của người dân đã ở mức 70.000 đồng/kg, vì vậy, giá lợn hơi hiện nay mới đảm bảo dân có lãi.

KIỂM SOÁT XUẤT NHẬP KHẨU THỊT LỢN

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, bên cạnh nguồn cung trong nước, trong năm 2020, đã có 130 doanh nghiệp nhập khẩu 225.494 tấn thịt lợn, chủ yếu từ Nga, Ba Lan, Brazil, Canada, Đức, Hoa Kỳ... Từ 1/1/2021 đến nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 600 tấn thịt lợn các loại. Cùng với đó, trong năm 2020, các doanh nghiệp cũng đã nhập khẩu 43.322 con lợn giống. Từ 1/1/2021 đến nay, tiếp tục nhập thêm 1.360 con lợn giống, đáp ứng nguồn cung con giống phục vụ công tác tái đàn, tăng đàn trên địa bàn cả nước.

Đối với lợn thịt, trong năm 2020, đã nhập 450.294 con. Từ ngày 1/1/2021 đến nay, nhập thêm 53.053 con lợn thịt, bổ sung vào nguồn cung cho thị trường trong nước.

Ông Trọng cho biết. "hiện có tình trạng thẩm lậu lợn qua biên giới, có hiện tượng nhập lợn từ Thái Lan về rồi trà trộn cả lợn Việt Nam vào để xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc đang rất cao, giá gấp đôi thị trường Việt Nam. Do vậy, các đối tượng thương lái tìm đủ mọi cách để có thể đưa lợn qua biên giới vào Trung Quốc thu lời lớn. Do đó, các bộ, ngành và đặc biệt là các tỉnh biên giới cần phải tăng cường kiểm soát tốt vấn đề này. Nếu các cơ quan ban ngành không vào cuộc kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mặt bằng cung cầu giá thịt lợn trong nước".

Về vấn đề này, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vừa có công điện về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới. Công điện đã nêu rõ, việc vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn... giữa các nước với Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, đồng thời ổn định giá cả thịt lợn tại thị trường trong nước, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Trong trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển ra, vào Việt Nam bất hợp pháp thì phải xử lý, tiêu hủy theo quy định...

Đối với việc kiểm soát dịch bệnh khi nhập khẩu thịt lợn và lợn giống, ông Phùng Đức Tiến cho biết, cần bảo đảm nhiều tiêu chí về chăn nuôi theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Khi nhập khẩu vào Việt Nam, lợn sống tiếp tục được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, khi kết quả âm tính, bảo đảm an toàn mới cho phép vận chuyển, chế biến, giết mổ.

Để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, ngành chức năng, các địa phương hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản để kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm.

Đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước có 27,3 triệu con, đạt 88% so với trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tăng 22% so với tháng 1/2020. Năm 2020, tốc độ tái đàn lợn rất mạnh, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện có 5,5 triệu con, tăng 175% so với đầu năm.

theo vneconomy.vn

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC