Nguy cơ dịch LMLM bùng phát
Chi cục Thú y Quảng Trị nhận định nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) bùng phát trên diện rộng là rất lớn và dịch bệnh không chỉ xảy ra trên đàn trâu, bò mà có thể lây lan sang cả đàn lợn.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/2/23/16-28-19_dich-benh-1.jpg
Trâu của nông dân huyện Gio Linh bị dịch bệnh LMLM.
Trâu, bò đã hết thời gian miễn dịch
Ngày 23/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cùng các ban, ngành, cơ quan, huyện thị liên quan đã đi kiểm tra tình hình dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò tại một số địa phương trên địa bàn để tìm hướng khắc phục.
Theo Chi cục Thú y Quảng Trị từ đầu tháng 2 đến nay, dịch bệnh LMLM đã xảy ra tại 4 xã, thị trấn. Cụ thể, xã Gio Mai, Gio Mỹ của huyện Gio Linh có 32 con trâu, bò của 13 hộ dân mắc bệnh; thị trấn Cam Lộ của huyện Cam Lộ có 7 con trâu, bò của 2 hộ dân mắc bệnh; xã Triệu Sơn của huyện Triệu Phong có 20 con trâu, bò của 8 hộ dân mắc bệnh.
Đến nay, qua kiểm tra và điều tra dịch tễ, bước đầu nhận định nguồn dịch xảy ra tại chỗ, gia súc phát bệnh trong những ngày sát Tết nên người dân tự chữa trị và không báo cho thú y cơ sở nên làm dịch lây lan nhanh.
Tính từ thời điểm cơ quan Thú y tiếp nhận thông tin dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng chống cho đến nay, thời gian đã qua 6 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới và ca bệnh mới, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, hiện đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh đã hết thời gian miễn dịch, vắc xin dự phòng LMLM dự phòng tại Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đã hết từ cuối năm 2015. Cùng với đó là diễn biến thời tiết bất lợi, gia súc chăn thả tự do, khi bị bệnh triệu chứng nặng mới được phát hiện nên làm mầm bệnh phát tán rộng và tồn tại lâu trong môi trường.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/2/23/16-28-19_dich-benh-2.jpg
Nguy cơ dịch bệnh LMLM luôn đe dọa đàn trâu
Với phân tích như trên, Chi cục Thú y Quảng Trị nhận định nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng là rất lớn và dịch bệnh không chỉ xảy ra trên đàn trâu, bò mà có thể lây lan sang đàn lợn, nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp đồng bộ và phòng chống để kiểm soát và khống chế.
Kịp thời đối phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y Quảng Trị đã thông báo dịch bệnh cho người dân biết, nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển giết mổ trâu, bò trong vùng dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi cách ly, điều trị gia súc nhiễm bệnh đúng kỹ thuật, bao vây khoanh vùng ổ dịch.
Chi cục đề nghị UBND các huyện Triệu Phong, Gio Linh trước mắt dùng kinh phí dự phòng khẩn cấp mua 1.400 liều vắc xin LMLM tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu, bò tại các xã có dịch và vùng dịch uy hiếp. Qua đó, đã có hơn 1.250 con trâu, bò được tiêm.Với người nông dân, ông Hà Sỹ Đồng yêu cầu không buôn bán gia súc nhiễm bệnh, đồng lòng, đồng sức phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền thực hiện các phương án phòng chống dịch, tích cực chăm sóc, điều trị gia súc bị bệnh, bảo vệ tài sản cho người chăn nuôi.
Vắc xin mua khẩn mới đáp ứng được 45% tổng đàn
Ngày 22/2, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn số 508 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch LMLM trên gia súc, đồng thời chỉ đạo Sở NN- PTNT, Sở Tài chính cấp kinh phí phòng chống dịch năm 2016, với kinh phí tạm ứng là 700 triệu đồng.
Theo bà Lê Thị Nga, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Trị số kinh phí này sẽ tập trung ưu tiên mua gần 29.000 liều vắc xin để tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng cho gia súc.
Bà Nga bày tỏ, mặc dù tỉnh rất cố gắng nhưng số vắc xin này mới chỉ đủ tiêm 45% tổng đàn. Để tiêm đủ 80% tổng đàn cần phải có đến 68 ngàn liều vắc xin. Như vậy, Chi cục sẽ tiếp tục lập kế hoạch xin kinh phí để cố gắng tiêm đủ cho số gia súc cần tiêm phòng trên địa bàn tỉnh.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/2/23/16-28-19_dich-benh-3.jpg
Cán bộ Thú y Quảng Trị tiêm phòng dịch bệnh LMLM cho bò
Tại chuyến kiểm tra thực tế, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhận định tình hình dịch bệnh LMLM gia súc ở các địa phương diễn ra khá phức tạp. Ông Đồng yêu cầu Chi cục Thú y Quảng Trị sau khi mua được vắc xin phải tổ chức ngay lực lượng kịp thời tiêm phòng hiệu quả cho gia súc ở vùng dịch, vùng giáp ranh, những nơi trước đây là ổ dịch, nhằm hạn chế thấp nhất số gia súc bị bệnh cũng như hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
Lực lượng thú y các huyện phải có kế hoạch tổng kiểm tra đàn gia súc trên địa bàn của mình để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời trước dịch bệnh. Phối hợp với các địa phương triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để kiểm soát, điều trị bệnh, không để mầm bệnh phát tán và bùng phát trên diện rộng.
Với chính quyền những nơi có dịch bệnh gia súc cần tiếp tục huy động lực lượng tích cực phòng, chống dịch. Thực hiện tốt các biện pháp về tiêm phòng, khoanh vùng dập dịch. Trong thời gian có dịch, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển gia súc từ những nơi có dịch sang vùng không có dịch.
Theo báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)