NÓNG: Kết quả mới nhất về nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi
Tại cuộc họp bàn về một số kết quả bước đầu nghiên cứu vaccine, sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (2/7), thông tin khiến nhiều người nức lòng là các nghiên cứu đã có kết quả khả quan cả trong phòng thí nghiệm và thí điểm diện hẹp.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay đã tròn 5 tháng (1/2/2019) kể từ khi xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại Hưng Yên. Từ trước khi xuất hiện dịch và cả cho đến bây giờ, cả hệ thống chính trị, cả ngành nông nghiệp và toàn bộ thành phần kinh tế đã cùng vào cuộc chống bệnh dịch tả quyết liệt chưa từng có.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.T
Đến nay, chúng ta đã có thể khẳng định khống chế được mức độ thiệt hại ở mức cao nhất với khoảng 2,8 triệu con lợn phải tiêu huỷ, trọng lượng khoảng 600.000 tấn, chiếm xấp xỉ 10% tổng đàn nhưng thực tế có thể nhiều hơn vì việc thống kê hiện nay chưa đo đếm được đến từng hộ.
"Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch vẫn tiếp tục xảy ra, đe doạ tới ngành chăn nuôi. Khi dịch xảy ra, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã được ngành nông nghiệp đặt lên hàng đầu, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu vaccine. Một số người cho rằng đặt ra nhiệm vụ này là bất khả thi trong bối cảnh thế giới gần 100 năm qua chưa nghiên cứu được vaccine, nhưng chúng ta vẫn quyết tâm làm và đến nay đã đạt được kết quả ban đầu tích cực.
Theo đó, các nhóm nghiên cứu đã đưa ra được kết quả nhất định, phân lập được virus làm tiền đề cho nghiên cứu sản xuất vaccine trong thời gian tới. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp này nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất nhằm khống chế dịch bệnh này" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Báo cáo về tình hình nghiên cứu bệnh dịch tả châu Phi DTLCP), bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay Học viện đang thực hiện 7 đề tài nghiên cứu do Bộ NN&PTNT giao, ngoài ra còn có 7 đề tài nghiên cứu khác do Học viện chủ động thực hiện như thử chế phẩm lương y Tài, thử chế phẩm nano bạc, thử độc lực virus trên lợn… Trong đó đề tài nghiên cứu vaccine vô hoạt thế hệ mới đã bước đầu đạt thành công trong phòng thí nghiệm.
Qua thử chế phẩm nano bạc, nhóm nghiên cứu nhận thấy có tác dụng diệt khuẩn, nhưng chưa có tác dụng chữa bệnh. Trong khi thử độc lực virus trên lợn thì đã chọn ra được 3 chủng virus DTLCP có độc lực cao. Xác định được cơ chế sinh bệnh, sự phân bố của virus trong cơ quan con lợn. Đối với đề tài chọn các dòng tế bào thích nghi với DTLCP/Chế tạo tế bào PAM, hiện đã chủ động sản xuất được tế bào PAM đủ dùng và đang thích nghi virus trên 4-5 dòng tế bào khác nhau, hiện đang tìm ra dòng tế bào thích nghi nhất.
Với đề tài giải trình tự gen/cây sinh học phân tử, hiện nay mới chỉ thấy virus thuộc Gennotype II ở Việt Nam.
Các nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đang nỗ lực tìm ra loại vaccine phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả nhất. Ảnh: I.T
Bà Lan cũng thông tin, đến nay các nhóm nghiên cứu của Học viện đã tạo được vaccine vô hoạt thế hệ mới và bước đầu có kết quả tốt trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trọng điểm CNSH Thú y, tại khu nuôi động vật thí nghiệm của Học viện và cơ sở chăn nuôi ngoài thực địa. Theo đó, vaccine thử nghiệm đã được tiến hành tại 3 trại lợn bị bệnh DTLCP thuộc 3 hộ gia đình khác nhau ở Hưng Yên, Hà Nam và Thái Bình.
Kết quả cho thấy, toàn bộ 16/18 lợn nái và 15 lợn thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khoẻ mạnh sau hơn 2 tháng, một số nái đã đẻ và lợn con khoẻ mạnh. Trong khi những con lợn không được tiêm vaccine thì đều chết do DTLCP.
Đánh giá về độ an toàn của vaccine, bà Lan cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy, vaccine an toàn đối với lợn được tiêm phòng và có hiệu quả bảo hộ cao đối với đàn lợn được tiêm phòng (có 83,3% lợn sống khi công cường độc và 100% lợn sống khi nhiễm tự nhiên).
“Tuy nhiên với loại vaccine vô hoạt đã sản xuất ra, cần tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm thêm trên diện rộng hơn. Trong khi đợi Bộ NN&PTNT cấp kinh phí khẩn cấp cho nghiên cứu và sản xuất vaccine DTLCP, đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm cấp III, chúng tôi cũng đề nghị nhóm nghiên cứu chuẩn bị sản xuất từ 300-500 liều vaccine để phục vụ thí nghiệm. Hạn chế, khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có cơ sở vật chất, thiết bị cần thiết để sản xuất vaccine quy mô công nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc ở cơ sở chăn nuôi đang khảo nghiệm vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu. Ảnh: VTV
Ông Trần Xuân Hạnh - đại diện NAVETCO cho biết, nếu vaccine nghiên cứu thành công, chắc chắn công ty sản xuất được. Hiện chúng tôi cũng đang nghiên cứu nhiều nhóm giải pháp khác nhau, thử nghiệm trên đàn lợn bước đầu cho thấy những kết quả rất triển vọng và khoảng 1 tháng nữa sẽ có kết quả cụ thể hơn.
"Hiện chúng tôi đang phối hợp Chi cục Thú y vùng 6 nghiên cứu giảm độc bằng phương pháp truyền thống, cắt bỏ gen… Qua các kết quả nghiên cứu khả quan, NAVETCO sẽ làm thử vaccine chết để tiêm cho lợn, đồng thời tiếp tục nghiên cứu chọn dòng tế bào để phân lập virus phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất vaccine về sau này" - ông Hạnh cho biết.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu của NAVETCO, Bộ trưởng Bộ NN&PNTTN Nguyễn Xuân Cường rất hoan nghênh và cho biết, NAVETCO cũng là đơn vị đã nghiên cứu thành công vacine lở mồm long móng nên hoàn toàn tin tưởng trong việc nghiên cứu dòng vaccine này.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)