Nông nghiệp Việt Nam: Thua trên sân bạn, thất bại trên sân nhà?
Thực trạng về vấn nạn an toàn thực phẩm hiện nay đang ở mức báo động. Việc sử dụng phân bón và hóa chất tràn lan gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Mới đây, hàng loạt các lô hàng thủy sản, hoa quả xuất khẩu bị các thị trường trả về, trong đó có những thị trường rất quan trọng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Nếu như tình trạng này tiếp diễn, chắc chắn ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ thất bại trên sân bạn mà sẽ thua ngay trên sân nhà
http://baobaovephapluat.vn/dataimages/201511/original/images1202629_Thuc_pham_m.jpg
Thực trạng an toàn thực phẩm đang ở mức báo động.
Thực phẩm dùng chất cấm từ nhà ra… xuất khẩu
Chúng ta đang ăn chất độc, uống chất độc mỗi ngày: rau cỏ phun thuốc, thịt động vật bị bơm thuốc tăng trọng, hóa chất bảo quản, thực phẩm biến đổi gen, trái cây ngâm thuốc thúc chín, tươi lâu… Thực phẩm bẩn đang có mặt ở nhiều ngõ ngách, trong mọi bữa ăn của gia đình. Nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn lúc nào cũng rình rập mạng sống của mỗi thành viên trong gia đình. Tình trạng không an toàn thực phẩm đã đến lúc báo động.
Trước đây, người tiêu dùng lo lắng về rau và trái cây với dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo quản thì gần đây lại thêm lo lắng về thịt có dư lượng chất cấm trong chăn nuôi như chất tạo nạc (salbutamol) hay chất bảo quản (hàn the).
Cùng với đó, thực phẩm bẩn, hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn được đưa vào nhiều nhà hàng và siêu thị khiến sức khỏe của người tiêu dùng bị đe dọa nghiêm trọng. Điều đáng nói là bằng mắt thường, người ta khó phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch, thậm chí là dù có nghi ngờ thì người mua vẫn cứ phải tặc lưỡi vì không còn sự lựa chọn khác.
Trong khi chờ đợi các nhà khoa học nghiên cứu hỗ trợ cho người tiêu dùng cách nhận dạng sản phẩm không an toàn, người tiêu dùng chỉ còn biết kêu gọi cái “tâm” của những người chăn nuôi, người làm nông nghiệp và kinh doanh thực phẩm. Đó là cái “tâm” từ chính trong cách làm, cách trồng, cách chăn nuôi để không đầu độc đồng bào mình chỉ vì những lợi ích trước mắt.
Không chỉ các sản phẩm thực phẩm trong nước không đảm bảo chất lượng, chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng mà gần đây, rất nhiều lô hàng rau quả, thủy sản, thực phẩm… của Việt Nam xuất khẩu bị trả về do hàm lượng chất cấm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Thú y thì 9 tháng của năm 2015, Việt Nam có tới 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước trả về. Không ai biết, sau khi quay về các lô hàng này được xử lý ra sao? Liệu có phải lại được đưa vào các nhà hàng, siêu thị, chợ truyền thống...?.
Cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) khẳng định mức độ ATTP của nông thủy sản Việt Nam chưa được cải thiện, thậm chí tỷ lệ vi phạm dư lượng hóa chất, kháng sinh của thủy sản Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Do đó, có thể dẫn tới việc bị áp dụng các biện pháp kiểm soát bất lợi đối với nông, thủy sản Việt Nam.
Lập đường dây nóng
Về các giải pháp, theo các cơ quan chức năng, tình hình vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay là tương đối nguy cấp và cần có biện pháp tổng hợp khẩn cấp để giảm thiểu tồn dư hóa chất trong các sản phẩm của ngành Nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cảnh báo, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản nếu không khắc phục tốt sẽ có nguy cơ mất thị trường và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu thủy sản Việt Nam. “Giải pháp cấp bách từ nay đến cuối năm là xây dựng và triển khai một chương trình đặc thù, kiểm soát sự lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong thủy sản, tập trung vào sản phẩm tôm nước lợ, cá tra”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Tuy nhiên, xét về mặt thực tế, thiết nghĩ các nhà khoa học cần nghiên cứu, hỗ trợ cho người tiêu dùng nhận dạng sản phẩm không an toàn một cách dễ dàng nhất, khi đó, người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm không an toàn, người sản xuất không tiêu thụ được sẽ phải từ bỏ việc sản xuất những sản phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, cần tạo ra một mạng lưới để người sản xuất và kinh doanh tự kiểm soát lẫn nhau, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh phải kiểm soát chất lượng sản phẩm khi đưa vào cửa hàng, chịu trách nhiệm với khách hàng về sản phẩm của mình. Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ người bán hóa chất đến người sử dụng, áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh và sử dụng chất cấm.
Tại Hội nghị giao ban toàn quốc về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra ở Hà Nội vào đầu tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát cho biết, để xử lý tận gốc thì không chỉ dừng lại ở việc xử phạt người chăn nuôi mà phải truy tìm bằng được các đầu nậu đang kinh doanh, buôn bán chất cấm trái phép. Theo kế hoạch, Bộ NN- PTNT sẽ công bố số điện thoại đường dây “nóng”, đồng thời sẽ trao thưởng cho người dân nếu cung cấp thông tin tố giác đơn vị, cá nhân sử dụng và buôn bán các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Theo báo baobaovephapluat.vn
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)