Phận làm thuê: Nghề... theo chân vịt

Nghề nuôi vịt ở ĐBSCL có đặc thù là chăn thả trên đồng chứ không nuôi nhốt tại chuồng, người dân thường gọi là vịt “chạy đồng”

Nghề nuôi vịt ở ĐBSCL có đặc thù là chăn thả trên đồng chứ không nuôi nhốt tại chuồng, người dân thường gọi là vịt “chạy đồng”

http://nongnghiep.vn//upload/2015/7/20/10-57-21_2-nghe-chn-vit-thue-khong-nng-nhoc-nhung-suot-ngy-dmmu-di-nng-ngoi-dong.jpg

Người đi chăn phải bì bõm suốt ngày theo chân vịt.

Nghề này không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho những hộ dân đầu tư nuôi mà còn giải quyết việc làm cho những người đi chăn mướn. Từ đó hình thành nên nghề sáng theo chân vịt ra đồng, chiều theo chân vịt về nhà.

Rong ruổi khắp nơi

Khi những ruộng lúa vừa thu hoạch xong, chỉ còn trơ lại gốc rạ cũng là lúc người chăn nuôi cho vịt chạy đồng. Để có diện tích đủ lớn cho vịt tung hoành, người nuôi vịt phải thuê đất của chủ ruộng.

Vịt chạy đồng sẽ tận dụng được nguồn thức ăn từ lúa rơi vãi, cua, ốc… nên đỡ tốn chi phí đổ mồi.

Hơn nữa, vịt được vận động nhiều nên thịt săn chắc và không bị hôi như vịt nuôi nhốt. Nuôi vịt chạy đồng mang lại hiệu quả cao hơn do đỡ tốn chi phí thức ăn.

Người cho thuê ruộng cũng có cái lợi là có được ruộng sạch, hạn chế nguồn dịch hại khi gieo sạ lại vụ lúa mới, nhất là ốc bươu vàng.

Ông Trần Văn Chung, một hộ nuôi vịt quy mô lớn ở Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết, hiện gia đình đã xây dựng được hệ thống chuồng trại có thể nuôi vịt với tổng đàn lên đến 15.000 con.

Tuy nhiên, thông thường gia đình chỉ nuôi nhốt khoảng 1.000 - 1.500 con vịt đẻ tại đây nhằm lấy trứng ấp nở vịt con để cung cấp cho các hộ nuôi.

Còn vịt thịt, gia đình thường nuôi theo hình thức chạy đồng, khi nào đạt trọng lượng thì kêu thương lái bán luôn cả bầy tại ruộng. Còn chưa đủ ký mà hết đồng thì buộc phải đưa về trang trại nuôi thúc thêm một thời gian ngắn rồi bán.

Để nuôi vịt chạy đồng, ông Chung buộc phải mướn người trông coi, mỗi bầy 2.000 - 3.000 con cần ít nhất 2 người theo chân vịt, không để chúng mê mồi có thể đi lạc bầy hoặc bị chó tấn công.

Anh Tuấn, một người chăn vịt thuê nhiều năm nay cho biết, vịt thịt nếu nuôi nhốt khoảng 3 tháng là có thể xuất chuồng bán, còn nuôi chạy đồng thì 3 tháng rưỡi đến 4 tháng mới bán được.

Tuy nhiên, nuôi nhốt chuồng tốn chi phí thức ăn rất nhiều, nếu giá đầu ra không tốt sẽ không có lời. Nuôi vịt chạy đồng là giải pháp hiệu quả nhất để giảm giá thành do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên.

Không chỉ vịt thịt, mà vịt đẻ người nuôi cũng chọn giải pháp chạy đồng để giảm chi phí. Trứng vịt đẻ nuôi chạy đồng cũng ngon hơn so với vịt nuôi nhốt tại chuồng nhờ có thêm nguồn thức ăn là cá, ốc… chúng bắt được.

Anh Khang, người bạn đi chăn vịt thuê với anh Tuấn, cho biết thêm: “Trước đây làm lúa 2 vụ, thời gian cách nhau từ vụ này qua vụ kia dài nên ít phải di chuyển.

Còn bây giờ làm 3 vụ/năm nên mỗi cánh đồng vịt chỉ ăn được 15-20 ngày là phải chạy sang đồng khác. Vì vậy, mà những người đi chăn vịt thuê như tụi tui cứ phải rong ruổi khắp nơi, nay huyện này, mai huyện khác, qua cả các tỉnh lân cận”.

Chăn vịt chạy đồng, người nuôi vịt thường mượn đất sau nhà của chủ ruộng để quây lưới nhốt luôn tại chỗ.

Bên cạnh chuồng vịt là lán trại của người chăn vịt thuê, họ ăn ngủ cùng vịt để canh giữ ban đêm. Một ngày của những người chăn vịt thuê thường bắt đầu khi mặt trời chưa ló dạng đến chiều tối mới lùa về.

Nghề chăn vịt thuê tuy không nặng nhọc nhưng phải dầm mưa dãi nắng quanh năm. Người nào da cũng đen nhẻm, tóc vàng hoe vì cháy nắng.

Do phải bì bõm lội ruộng theo chăn vịt suốt nên dễ bị nước ăn chân, ghẻ lở, thối móng là chuyện thường ngày.

Chị Hương, vợ anh Tuấn cho biết, do gia đình 2 bên đều nghèo, không đất SX, nên sau khi lấy nhau, chị cũng theo anh "du canh du cư" theo các đàn vịt.

Công việc hằng ngày của chị Hương là giữ lán trại, lo cơm nước đưa ra đồng cho chồng và bạn chăn vịt.

Chị Hương tâm sự: “Những ngày đầu ra lán trại ở, tôi không chịu nổi mùi hôi của vịt nên cứ khóc đòi về nhà. Thế nhưng ở riết rồi cũng quen, đêm nằm không nghe tiếng kêu “cạp, cạp” của vịt lại thấy nhớ.

Hai đứa con của tôi cũng chào đời trong những ngày đi theo đàn vịt, nhưng nơi sinh thì mỗi đứa mỗi nơi, đứa lớn ở Hòn Đất, Kiên Giang, đứa nhở ở Thoại Sơn, An Giang.

Chỉ lo mai này chúng đến tuổi đi học, không biết gửi ở đâu vì hai bên nội, ngoại đều nghèo, quanh năm đi làm thuê, làm mướn”
.Nghề chăn nuôi vịt có vai trò rất quan trọng đối với người nông dân ĐBSCL, giải quyết việc làm cho cả trăm ngàn người, trong đó có rất nhiều người sống bằng nghề chăn vịt thuê

Quản lý chặt

Ông Nguyễn Thành Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có đàn gia cầm 5,27 triệu con, trong đó đàn vịt là 3,11 triệu con.

Theo ông Đức, nuôi gia cầm ở Kiên Giang chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Riêng đàn vịt thì chăn nuôi theo hình thức chạy đồng là chính.



http://nongnghiep.vn//upload/2015/7/20/10-57-21_3-khi-het-mu-nguoi-chn-nuoi-phi-di-chuyen-dn-vit-dinoi-khc-kiem-dong-moi.jpg
Nghề chăn vịt thuê tuy không nặng nhọc nhưng phải dầm mưa dãi nắng

Người chăn nuôi thường tập trung phát triển đàn vịt theo mùa vụ, đến khi có đồng trống (cắt lúa) là họ cho chạy đồng, tận dụng nguồn thức ăn còn sót lại sau thu hoạch.

Đặc biệt là vịt đẻ, người chăn nuôi thường cho vịt chạy đồng liên tục, cứ ăn ở ruộng này khoảng một tháng là hết mùa, lại phải chuyển đi tìm đồng mới.

Vì vậy, họ không chỉ chạy đồng trong tỉnh mà còn đi sang cả các tỉnh lân cận. Nếu nuôi ít thì người nhà tự trông coi, còn nuôi nhiều thì mướn người đi chăn, hình thành nghề giữ vịt thuê.

“Đặc thù ở Kiên Giang cũng như các tỉnh, thành khác ở ĐBSCL, người nuôi vịt đẻ thường chọn giống vịt cỏ để phát triển đàn. Đây là giống vịt có tập tính theo đàn, di chuyển nhanh, tìm kiếm mồi giỏi, rất thích hợp với việc chăn thả trên đồng để mò cua, bắt ốc, ăn lúa rơi vãi...

Giống vịt này nuôi nhốt sẽ không hiệu quả, tỷ lệ đẻ trứng giảm. Hơn nữa, ĐBSCL có diện tích rộng, rất phù hợp cho nuôi vịt chạy đồng sau mỗi vụ lúa”, ông Đức cho biết thêm.

Ông Trần Văn Thanh, ở Giồng Riềng, Kiên Giang, người chuyên nuôi vịt chạy đồng cho biết, khác với vịt nuôi nhốt tại nhà, vịt chạy đồng được quản lý bằng sổ.

Khi phát triển đàn, người chăn nuôi phải lên xã đăng ký để được thú y cơ cở kiểm tra, tiến hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định, sau đó mới được cấp sổ quản lý.

“Không có sổ thì đừng hòng đi đâu. Nếu vịt chạy đồng mà bị chính quyền địa phương kiểm tra không có sổ, tức là đàn vịt không được an toàn liền bị trục xuất ngay.

Lúc đó vừa mất tiền di chuyển đàn vịt, vừa mất tiền thuê đồng cho vịt ăn. Vì vậy, chẳng ai dại gì mà đem vịt chạy đồng với hai bàn tay trắng”, ông Thanh cho biết.

Lợi thế cũng như hiệu quả của nghề chăn nuôi vịt chạy đồng ở ĐBSCL từ lâu đã được khẳng định.

Theo tính toán của ngành chăn nuôi, mỗi năm nghề nuôi vịt chạy đồng mang lại nguồn thu cho nông dân Nam bộ khoảng 15-20 ngàn tỷ đồng. Tại Kiên Giang, với đàn vịt trung bình khoảng 3 triệu con, riêng nguồn thu từ trứng khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm.

Theo báo NNVN

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC