"Phòng tuyến" bò nội nguy cơ... bị thủng: Cận kề nguy cơ.
Là niềm tự hào, hi vọng của ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam với sức cạnh tranh mạnh nhất, thế nhưng con bò lai BBB vẫn phải chùn chân trước những đợt tấn công ào ạt như sóng biển từ bò Úc.
http://nongnghiep.vn//upload//Article/thanhnb/2015/8/13/bo-1.jpg
Chăn bò thịt
Nếu chấm một nét phác họa trong bức tranh về chăn nuôi bò thịt ở miền Bắc, nét ấy có lẽ là con bò siêu thịt BBB.
Cuộc thay máu khổng lồ
Dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò cái lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội” giai đoạn 2012 – 2016 và giai đoạn mở rộng 2014 – 2018 do Cty Giống gia súc Hà Nội làm chủ đầu tư đã thay máu cho hàng vạn con bò. Quy trình làm khá bài bản. Đối với 8 huyện tham gia dự án từ năm 2012 gồm Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ và Thạch Thất tổ chức giám định bình tuyển 10.000 bò cái nền đủ tiêu chuẩn, phẩm cấp. Đối với các huyện mới tham gia dự án vừa bình tuyển, vừa phối giống theo hình thức cuốn chiếu.
Kết quả là đã bình tuyển, bấm thẻ tai, đưa vào máy quản lý được 20.000 bò cái nền với trọng lượng bình quân đạt 285kg/bò, đa số đẻ từ lứa 2 đến lứa 5. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, số bò phối giống có chửa đạt 6.500 con nâng tổng số bò phối giống có chửa đạt 25.100 con, số bê F1 BBB sinh ra đạt 5.048 con, nâng tổng số bê F1 BBB đã lai tạo 14.200 con.
Qua theo dõi gần như 100% số bê F1 BBB sinh ra đạt trọng lượng từ 28 – 31 kg/con (trong khi trọng lượng sơ sinh của các giống bò thịt khác bình quân từ 18 – 19 kg/con). Do làm tốt khâu bình tuyển cái nền như trọng lượng phải lớn, phải qua vài lứa rồi mới cho phối nên bò mẹ khi đẻ hầu như không phải can thiệp gì nhiều về kỹ thuật và đặc biệt không phải mổ đẻ như những lo ngại ban đầu.
Bò lai là sự kết hợp được cả tốc độ phát triển, chất lượng thịt tốt của bố, giống bò siêu thịt nổi tiếng thế giới BBB có trọng lượng lên đến 1,1, 1,2 tấn lẫn sự thích nghi với môi trường sống của mẹ, bò lai Sind. Dễ nuôi, phàm ăn nên bê tăng trọng bình quân 26 – 28 kg/tháng. Sau cai sữa (khoảng 4 tháng) đã được thương lái mua về nuôi gột vỗ béo với giá trả khá cao từ 15-18 triệu đồng, cao hơn so với bê thường cùng tháng tuổi 5-7 triệu. Hàng vạn con bê lai ra đời đồng nghĩa với đem lại nhuận chênh lệch hàng trăm tỉ đồng.
Khi đến độ tuổi 24-25 tháng, bò lai BBB có thể trọng bình quân 7-8 tạ, có tốc độ tăng trọng nhanh nhất 31 – 32 kg/tháng, tương đương mỗi ngày “tặng” cho chủ nhân của nó 1kg thịt. Chính vì những ưu việt ấy mà Hà Nội đã đăng ký và được Cục Sở hữu Trí tuệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu hàng hóa nhận diện sản phẩm và mã số, mã vạch đối với sản phẩm bò F1 BBB và thịt bò F1 BBB.
Rất nhiều đoàn tham quan kéo đến Thủ đô, hầu hết đều trầm trồ, thèm muốn giống bò khổng lồ này. Một vành đai hợp tác, liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong việc mở rộng giống bò lai BBB cũng được thiết lập như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh, Yên Bái, Đăk Lăk…
Bán bò kiểu… đụng lợn
Là niềm tự hào, hi vọng của ngành chăn nuôi bò thịt Việt Nam với sức cạnh tranh mạnh nhất, thế nhưng con bò lai BBB vẫn phải chùn chân trước những đợt tấn công ào ạt như sóng biển từ bò Úc. Tốc độ nhập khẩu của bò Úc tăng gấp 52 lần chỉ trong vòng hai năm. Nếu năm 2012 Việt Nam nhập 3.500 con thì năm 2013 là 67.000 con, năm 2014 là 181.000 con và những con số vẫn tiếp tục phình lên một cách bất thường.
Nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam được truyền thông ca ngợi vì mở ra nghề nuôi bò Úc nhưng cách nuôi này cũng bất thường nốt. Họ không nhập khẩu giống hay nhập khẩu bê về để nuôi mà chỉ nhập bò trưởng thành để vỗ béo trong một thời gian rất ngắn ngủi chừng 2-3 tháng rồi xuất bán. Sức ép lên con bò nội ngày một tăng, thậm chí ngay cả ở những vùng có lợi thế về tự nhiên, về con người như huyện Ba Vì, Hà Nội cũng bắt đầu có dấu hiệu đuối.
Quay trở lại xã Tòng Bạt nơi có khoảng mươi ông lái bò. Trước, hễ nhà nào có nhu cầu bán bò chỉ ới cái là họ đến ngay trong ngày, thậm chí trong giờ, còn hiện tại gọi cả tuần vẫn chỉ nhận được những cái khất lần, hứa hẹn. Bí, kêu lái bò bên ngoài cũng tương tự thế. Chẳng bù cách đây chỉ hai, ba năm thôi, ông lái này vừa dắt được một con bò là có ông lái khác chạy vè vè xe máy theo sau, gạ mua. Sang tay, trao dây thừng là được 500.000-1.000.000đ
lãi.
Trong gian buồng ngôi nhà cũ bỏ không của anh Đỗ Văn Xuất một con bò lai BBB 17 tháng tuổi nặng 4,9 tạ đang ngốn cỏ rào rào (trọng lượng ấy còn chưa thấm gì với con bò 22 tháng tuổi anh mới bán nặng tới 7,1 tạ). Ngoài chuồng, 11 con bê trong độ tuổi 4-5 tháng cũng đang vục đầu xuống máng cám. Đám này đã được đánh dấu tai để nuôi vỗ béo cho các ông chủ theo “hợp đồng miệng” từ trước nhưng chủ nhân của chúng vẫn không khỏi lo lắng trước giá bán mỗi lúc một xuống.
Điều khác lạ với nghề nuôi bò hướng thịt là đáng lẽ giá bê đực phải cao hơn, dễ bán hơn bê cái vì chúng lớn nhanh, tỉ lệ thịt xẻ cao hơn thì hiện tại ở Tòng Bạt bê cái bán dễ hơn bê đực. Giao dịch chủ yếu diễn ra giữa người dân với nhau để tự nhân giống chứ ít thấy bóng dáng thương lái.
Vũ Kim Tuyền ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì, Hà Nội) có 22 bò F1 BBB nặng 3-4 tạ đang vỗ béo. Tuyền thường mua bò nặng cỡ 2 tạ về nuôi đến khi 4-5 tạ mới xuất bán. Vốn đầu tư rất lớn, khoảng 400-500 triệu nhưng cửa vay ngân hàng khó chẳng khác gì húc đầu vào… chuồng bò. Dù xây dựng mô hình trang trại đàng hoàng, dù bò được đánh số cụ thể nhưng chìa đơn vay, ngân hàng vẫn yêu cầu phải có sổ đỏ. 80-90% đất nhà ở Thuần Mỹ chưa sổ đỏ nên anh đành ngậm ngùi vay nóng bên ngoài với lãi suất gấp đôi.
Hai năm đầu tư, vỗ béo được 3 lứa bò, lứa đầu bán 100.000đ/kg hơi, lứa hai 90.000đ/kg hơi, lứa ba chỉ 87.000-88.000đ/kg hơi nhưng đã khó bán. Trước đây bán 100.000đ/kg hơi thương lái đến tận nhà chèo kéo nhưng nay anh phải mất tiền thuê xe ô tô chở đến tận lò mổ ở thị xã Sơn Tây cách nhà trên 20 km, mỗi con chi phí mất 400.000đ. Với giá chưa đầy 90.000đ/kg hơi, mỗi con bò mất đứt 3-4 triệu. Miếng thịt ba bê đỏ au nhưng mặt người nuôi vỗ béo bò đã bắt đầu tái nhợt bởi hiện tại dù đang hòa nhưng nguy cơ thua lỗ sắp cận kề.
Để tìm hiểu nguyên nhân chậm trễ của thị trường, anh Tuyền đến tận lò mổ của ông T ở thị xã Sơn Tây. Trước đây lò này mổ toàn bò nội nhưng 7 tháng nay bò Úc đã xâm nhập vào với tỷ lệ ngày một tăng, giờ là 9 ngoại 1 nội. Con số 1 ít ỏi đó là bò lai ba bê chất lượng cao còn bò lai Sind giờ gần như lò không nhập nữa. Hỏi tại sao tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt không thua kém gì bò Úc mà không thích nhập bò nội nữa, ông chủ thủng thẳng: “Giá cả vẫn là khâu quyết định. Bò Úc giá hạ nên mổ sẽ lãi hơn”.
Bí đường ra lò mổ, chủ bò đứng ngồi không yên. Họ nghĩ cách tiêu thụ bằng việc rủ người đến nhà đụng bò như kiểu đụng lợn thời bao cấp. Một suất đụng 1 triệu đồng, con bò ước giá bao nhiêu triệu là bán bấy nhiêu suất. Hôm mổ chủ làm vài mâm liên hoan, mời mọi người ăn thử xem có ngon không, có rẻ không rồi mới mua. Vừa bẩn nhà, vừa phải thuê người mổ rồi gọi điện giới thiệu, gửi hàng đến tận nơi… rất cách rách nhưng thời buổi này tháo bò ra khỏi chuồng được là đã đỡ lo.
Trước lúc chia tay với tôi, anh Xuất bảo: “Cuối tháng này anh mổ một con, chú hoặc anh em nào trên đó đăng ký hộ vài suất, điện thoại đây 01678513398”.
Với cách tự tìm đầu ra như vậy xem ra rất chông chênh cho số phận con bò nội.
Theo Báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)