Sản xuất vacxin nội địa: Việt Nam làm được tới đâu?
Mới đây, Bộ NN-PTNT đã thành lập BCĐ Quốc gia phát triển, Sản xuất (SX) vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm. Điều này thể hiện quan điểm quyết liệt nhằm sớm thoát khỏi tình trạng liên miên phụ thuộc vào vacxin NK, nhất là vacxin NK từ Trung Quốc.
Vậy khả năng SX vacxin của Việt Nam hiện nay tới đâu? Khó khăn nào đang cần tháo gỡ? Ông Nguyễn Hữu Vũ (ảnh), Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty CP Dược và Vật tư thú y (Hanvet), DN Việt Nam tiên phong đang sắp cho ra lò sản phẩm vacxin phòng bệnh tai xanh đã chia sẻ với NNVN.
Phòng ATSH đạt yêu cầu vẫn đang là vấn đề hóc búa cho việc nghiên cứu, SX vacxin hiện nay
Sản xuất vacxin chết không khó
Phải khẳng định rằng, SX vacxin không phải là chuyện đơn giản. Thế giới hiện nay, cũng chỉ có mấy hãng lừng danh, với năng lực tài chính hàng tỉ đô la SX được vacxin. Ngay như Trung Quốc, chỉ có một số trung tâm nghiên cứu lớn mới làm được vacxin, và cả Trung Quốc cũng chỉ có hơn 10 NM SX vacxin cho ngành thú y. Ở Đông Nam Á (ĐNA), Malaysia chỉ có 1 NM SX vacxin, Singapore có 1 NM, Thái Lan 1 đến 2 NM, Indonesia 1 NM...
Nhưng tất cả các NM ở ĐNA đều có các tập đoàn nước ngoài đứng đằng sau chống lưng, chứ bản thân họ không tự SX được, và chất lượng vacxin của những nước trong ASEAN chỉ ở mức tàm tạm, không có gì xuất sắc lắm. Chỉ có Trung Quốc là mạnh.
Ở Việt Nam, khá may mắn khi từ trước năm 1960, chúng ta đã được nước ngoài giúp đỡ xây dựng một NMSX vacxin khổng lồ, đó là Xí nghiệp Thuốc thú y TƯ (thường gọi là XN Phùng, nay là Cty Vetvaco) trên diện tích tới 25 ha, với dự tính NM này có thể cung cấp vacxin cho cả ĐNA. Tuy nhiên suốt 55 năm qua, do nhiều nguyên nhân mà có thể nói XN Phùng chưa khẳng định được gì nhiều trong mảng SX vacxin.
Ở phía Nam, Cty Navetco có bề dày trên 40 năm, nhờ có sự hỗ trợ rất lớn từ nhà nước và lối đi đúng đắn nên có thể nói họ có nhiều tiến bộ, đặc biệt là trong SX vacxin. Hai đơn vị khác hiện cũng SX vacxin là Phân viện Thú y Miền Trung (Viện Thú y) có bề dày 30 năm, và Xưởng thực nghiệm của Viện Thú y.
Như vậy tổng cộng đến nay, các đơn vị trong nước chỉ có vẻn vẹn 4 nơi SX vacxin. Theo thống kê, nếu gom tất cả doanh thu từ việc SX vacxin của cả 4 đơn vị này, hiện chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần vacxin trên thị trường, còn lại 95% thị phần là vacxin NK. Điều đó cho thấy VN đang phụ thuộc vào vacxin nước ngoài rất lớn và rất tốn ngoại tệ để NK mặt hàng này.
Vậy khả năng SX vacxin của các đơn vị, DN trong nước hiện nay ra sao? Theo tôi, với hệ thống nghiên cứu, cơ sở kỹ thuật của các đơn vị, DN trong nước hiện nay, việc SX vacxin, kể cả đối với các bệnh khó như cúm gia cầm (CGC), tai xanh là không khó.
Tuy nhiên, với trình độ hiện nay, chúng ta chỉ có thể SX được các loại vacxin vô hoạt, và cần đặt vấn đề chất lượng và hiệu quả của vacxin đó đến mức nào. Hiện tại, ngoài Cty Navetco đã SX được vacxin CGC vô hoạt, một số đơn vị và DN khác cũng đang gấp rút xúc tiến SX các loại vacxin khó như tai xanh và CGC, trong đó có Cty Vetvaco, Cty Marfavet, Cty CP Thuốc thú y TƯ I...
Cty Hanvet chúng tôi đã nghiên cứu xong và hoàn thành việc đăng ký SX vacxin tai xanh. Nếu Bộ NN-PTNT chủ trương muốn sớm có vacxin tai xanh SX nội địa cũng như tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục pháp lí, Hanvet sẽ sớm SX vacxin tai xanh ngay trong tháng 8/2014 này.
Có thể nói đến thời điểm này, Việt Nam đang trong quá trình hình thành một thị trường vacxin nội địa, và chắc chắn sẽ sớm có sự cạnh tranh giữa các DN SX vacxin nội địa với nhau. Vacxin NK sẽ dần được thay thế, bởi điểm yếu của vacxin NK là tính phù hợp với chủng virus tại Việt Nam thường không cao.
Vì thế, chủ trương của Bộ NN-PTNT nhằm tăng cường chỉ đạo, gắn kết “3 nhà” giữa nhà nước, DN và nhà khoa học để đẩy nhanh tiến độ nội địa hóa vacxin trong thời điểm này là rất đáng ủng hộ và cần làm rốt ráo hơn nữa.
Đối với vacxin sống (vacxin nhược độc), đặc biệt là vacxin tái tổ hợp, theo tôi có thể còn lâu nữa chúng ta mới tự SX được. Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị nghiên cứu, DN từng bước tiếp cận với SX vacxin nhược độc, có thể phải liên kết với các DN nước ngoài.
Với vacxin LMLM, ngay cả Trung Quốc hiện nay cũng phải chào thua khi mới chỉ SX được vacxin typ O và O Asean..., còn các typ khác chưa thực sự thành công. Vì vậy, SX được vacxin LMLM sẽ là một khó khăn lớn cho nước ta.
Bài toán an toàn sinh học và vật nuôi sạch
Điểm hạn chế nhất để SX vacxin thực sự có chất lượng ở Việt Nam hiện nay theo tôi đang nằm ở ba vấn đề chính: Một là phòng nghiên cứu, thí nghiệm đảm bảo toàn sinh học (ATSH) cũng như môi trường đảm bảo ATSH phục vụ cho nghiên cứu, thử nghiệm và SX vacxin; hai là nguồn nguyên vật liệu sạch dùng để phục vụ cho nghiên cứu SX vacxin và ba là nguồn giống vacxin.
Hiện nay, ngoài phòng ATSH của ngành y tế tại Viện Pasteur Nha Trang, ngành thú y chưa có phòng ATSH nào thực sự đạt tiêu chuẩn để thực hiện các thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu, thí nghiệm vacxin. Bên cạnh đó, chưa có địa điểm nào để đặt các khu thí nghiệm cũng như NM SX vacxin được cách li đảm bảo ATSH.
Tại Trung Quốc, khu vực nghiên cứu, thí nghiệm vacxin CGC với hệ thống thí nghiệm vô trùng phải đặt tít tận vùng Tây Tạng xa xôi biệt lập, có lực lượng quân đội hỗ trợ cách li hoàn toàn với dân sinh, và phải có biện pháp ngăn chặn chim trời (chim hoang dã).
Chỉ có như vậy, họ mới tạo ra được các nguồn vật liệu thí nghiệm cũng như dùng trong SX vacxin như gà thí nghiệm sạch (FPS), trứng gà FPS (dùng nhân giống vacxin)... Bên cạnh đó, nhờ môi trường sạch đúng nghĩa cũng như hệ thống ATSH, các thí nghiệm vacxin thực địa cũng đảm bảo độ chính xác gần như hoàn toàn.
Ở Việt Nam, hiện các nguồn vật liệu phục vụ thí nghiệm và SX vacxin chỉ ở mức độ sạch tương đối, nghĩa là nguồn vật nuôi thí nghiệm, nguồn vật liệu phục vụ SX vacxin chỉ mới đảm bảo không có virus hoặc kháng thể của loại vacxin cần SX...
Về lâu dài, bản thân các DN trong nước sẽ không đủ khả năng kinh tế để đầu tư cho những vấn đề này, mà cần có sự đầu tư của Chính phủ. Thậm chí, có thể phải có chiến lược xây dựng các khu vực ATSH phục vụ cho thí nghiệm và SX vacxin tại các đảo ngoài biển Đông hoặc các vùng miền núi cách biệt.
Theo Hội Thú y Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)