Tháo gỡ khó khăn cho tôm về “đích”
Gần nửa năm qua, ngành tôm liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn về cả nội tại lẫn khách quan. Để con tôm có thể về “đích” an toàn, ngành chuyên môn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.
Đủ đường khó
Do diễn biến thời tiết bất thường cộng với thị trường bất ổn và giá nguyên liệu liên tiếp giảm đã khiến tiến độ triển khai nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm chậm so với kế hoạch, sản lượng và diện tích nuôi đều giảm. Cụ thể, đến nay cả nước thả nuôi khoảng 608.754 ha (đạt 88,9% kế hoạch cả năm và bằng 95,4% cùng kỳ năm 2014). Trong đó, tôm sú là 559.975 ha, đạt 95,7% kế hoạch năm và bằng 100,2% cùng kỳ; tôm thẻ chân trắng (TTCT) là 48.780 ha, đạt 48,8% kế hoạch năm và bằng 61,2% cùng kỳ 2014. Sản lượng thu hoạch 200.847 tấn, đạt 28,3% kế hoạch năm và bằng 76,4% cùng kỳ, (trong đó, tôm sú 97.150 tấn, TTCT 103.698 tấn).
http://thuysanvietnam.com.vn/uploads/article2/baiviet/tieu%20diem/z300-Thuy-san-Viet-Nam4214-.jpg
Ảnh: Trần Út
Theo ông Nguyễn Tử Cương, Hội Nghề cá Việt Nam, hiện nay người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn, với hàng loạt các vấn đề như thời tiết, giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng, các sản phẩm chế phẩm sinh học, hóa chất, chất cải tạo môi trường, thuốc trong NTTS sử dụng trên thị trường hầu hết đều là sản phẩm giả, gây khó khăn cho người nuôi. Dịch bệnh xảy ra nhiều trên tôm, đặc biệt là TTCT, nhiều ao nuôi phải bỏ trống do không thể nuôi được loại tôm nào.
Nhanh chóng tháo gỡ
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các địa phương cần duy trì ổn định diện tích và sản lượng tôm nuôi, phát huy lợi thế nuôi tôm sú tại các vùng sinh thái đặc trưng. Với TTCT, cần tiếp tục nuôi ở các vùng có lợi thế, kiểm soát tốt dịch bệnh. Cụ thể, cần tăng cường thả nuôi tôm thương phẩm, các địa phương giám sát chặt chẽ việc nuôi tôm nước lợ, hướng dẫn người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, chọn lựa và sử dụng tôm giống có nguồn gốc rõ ràng… Các hoạt động quản lý giống, quan trắc môi trường, phòng trừ dịch bệnh… cũng được triển khai.
Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết, đơn vị đã cử đoàn công tác tới các địa phương để theo dõi và hướng dẫn thả nuôi. Đồng thời, gửi công văn chỉ đạo các địa phương dừng thả giống khi nắng nóng và nhiệt độ cao. Hiện nay thời tiết đã thuận lợi, cần khẩn trương thả nuôi hết diện tích. Tổng cục Thủy sản đã ra văn bản về quy trình tạm thời khi nuôi tôm trong vùng dịch bệnh nhằm đảm bảo năng suất, thanh tra về vật tư đầu vào, giống, kiểm tra doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản.
Cùng đó, Tổng cục sẽ có cuộc tổng kiểm tra về diện tích, phương thức nuôi, những hộ có từ 2 ao trở lên nếu thải ra mương sẽ bị xử phạt hành chính để tránh lây lan tới những đối tượng khác. Phối hợp tuyên truyền cho các cá nhân, tập thể nuôi tôm thực hiện “3 không” (không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường và không bỏ tôm chết, tôm dịch bệnh ra môi trường, hạn chế lây lan mầm bệnh). Hướng dẫn và khuyến cáo người nuôi tôm thuân thủ biện pháp phòng bệnh cho tôm nuôi, khuyến khích áp dụng các hình thực nuôi tôm tiên tiến để kiểm soát các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh…
Theo Báo Thuỷ Sản Việt Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)