Thị phần ngành chăn nuôi về tay những ông lớn
Các đợt bùng phát nhỏ dịch tả lợn châu Phi khiến nhiều hộ chăn nuôi dè chừng khi tái đàn. Đây cũng là cơ hội để những doanh nghiệp lớn ngành này đẩy mạnh sản xuất.
Sản phẩm của các trang trại chăn nuôi quy mô, đảm bảo an toàn thực phẩm đang dần chiếm thị phần
Nơm nớp lo dịch
Sau năm 2019 đầy biến cố, với gần 6 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy, dịch bệnh này dù không còn lan rộng trong năm vừa qua, nhưng chưa được khống chế hoàn toàn. Các đợt bùng phát nhỏ vẫn xuất hiện rải rác, đặc biệt trong tháng 5/2020, hay những tháng cuối quý IV/2020, buộc tiêu hủy gần 86.500 con lợn.
Công ty Thuốc và Thú y Trung ương (NAVETCO), đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vắc-xin với doanh thu hơn 800 tỷ đồng/năm cảm nhận rõ những khó khăn của ngành chăn nuôi năm qua. Theo lãnh đạo NAVETCO, ảnh hưởng kéo dài của dịch tả lợn châu Phi và các dịch bệnh khác như cúm gia cầm, tai xanh… khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, chưa gây dựng lại số lượng gia súc, gia cầm như trước. Doanh thu của NAVETCO năm 2020 vì vậy sụt giảm tới 16,5%.
Cũng chính sự thiếu hụt nguồn cung, giá lợn hơi năm 2020 đã có thời điểm tăng nhanh, đỉnh điểm vọt lên 105.000 đồng/kg hồi tháng 5. Giá lợn hơi bình quân nửa đầu năm cao gấp đôi cùng kỳ. Các biện pháp nhập khẩu thịt lợn từ Thái Lan sau đó mới giúp giảm bớt sức nóng của thị trường. Dù giá lợn hơi nửa cuối năm về mức trung bình 77.000 - 78.000 đồng/kg, nhưng vẫn còn rủi ro tăng giá, một phần do nhu cầu tiêu thụ dịp cuối năm, một phần bởi đợt bùng phát trở lại và vẫn đang xuất hiện rải rác.
Miếng bánh về tay những doanh nghiệp lớn
Bức tranh chung của ngành chăn nuôi đang có sự phân hóa rõ ràng. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dè chừng việc tái đàn vì lo sợ bệnh dịch, trong khi đó, các trại lợn quy mô lớn, có quy trình kiểm soát dịch cẩn thận lại tận dụng cơ hội “được giá” của thị trường. Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh sáng sủa và đang chuẩn bị cho những kế hoạch đầu tư lớn.
Ngay từ năm 2019, dù ngành chăn nuôi gặp biến cố lớn vì dịch, tăng trưởng doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát ở mảng này vẫn đạt tới 72%, dẫn đầu về thị phần cung cấp bò Australia toàn quốc và trứng gà ở miền Bắc. Riêng mảng chăn nuôi lợn, doanh thu tăng trưởng tốt nhờ giá tăng mạnh.
Năm 2020 vừa qua, doanh thu mảng nông nghiệp của Hòa Phát đã vượt 10.680 tỷ đồng dù mới bước sang lĩnh vực nông nghiệp gần 5 năm. Quy mô doanh thu từ thức ăn chăn nuôi và hoạt động chăn nuôi của Hòa Phát tăng trưởng 33%. Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả nước chỉ tăng 4,4%, thịt bò hơi xuất chuồng tăng 4,6%. Sản lượng trứng gia cầm toàn quốc tăng khá nhất trong nhóm, nhưng cũng chỉ tăng 10,5%
Dù mở rộng doanh thu, nhưng Hòa Phát báo lãi ròng tăng chưa đến 4%, xấp xỉ 578 tỷ đồng. Khác với “lính mới” Hòa Phát, cả doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn Dabaco đồng loạt tăng trưởng mạnh. Trong khi quy mô doanh thu tăng 39%, lên 10.022 tỷ đồng, lợi nhuận năm 2020 còn xác lập kỷ lục mới với mức lãi ròng hơn 1.400 tỷ đồng. Con số này gấp 4,6 lần năm trước và cao vượt trội so với mức bình quân 200-450 tỷ đồng hàng năm.
Bên cạnh sự đóng góp của các dự án mới đi vào hoạt động như nhà máy dầu thực vật, nhà máy chế biến trứng ăn liền, khu chăn nuôi gà giống và nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước..., các lĩnh vực truyền thống của Dabaco gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất giống và chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm là nhân tố chính đóng góp trong khoản lợi nhuận kỷ lục năm nay.
Ở thời điểm giá lợn hơi tăng vọt hồi tháng 5/2020, tỷ suất lợi nhuận gộp của tập đoàn này quý II/2020 cũng vọt lên hơn 30%. Trong nửa đầu năm 2020, mảng sản xuất con giống, chăn nuôi, chế biến thực phẩm mang về cho Dabaco tổng cộng 3.740 tỷ đồng doanh thu và 676 tỷ đồng lợi nhuận, bằng lần lượt 81,2% và 84,2% kết quả kinh doanh của cả tập đoàn.
Với năng lực tài chính mạnh, cùng khoản lãi lớn tích lũy thêm trong năm 2020, Dabaco đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh với một loạt dự án mới vừa được Hội đồng Quản trị thông qua. Theo đó, Công ty dự định đầu tư dự án khu chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Thanh Hóa và Bình Phước, với mức vốn điều lệ cho mỗi doanh nghiệp dự án là 100 tỷ đồng. Đây cũng là bước đi nhằm giành nhiều hơn miếng bánh thị phần.
Hoạt động đầu tư của Dabaco hay nhiều ông lớn khác trong ngành từng bước làm thay đổi mô hình chăn nuôi chủ yếu là quy mô nhỏ trước đây. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, người có nhiều tham vọng cải tiến hoạt động sản xuất nông nghiệp cho rằng, thậm chí có thể xây dựng ngành chăn nuôi để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu được dự báo gây áp lực lên giá thịt lợi do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. Theo bà Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), mặt hàng này có thể tăng trở lại 80.000 - 85.000 đồng/kg, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Việc tái đàn theo hướng an toàn sinh học, cùng công tác nhập khẩu sẽ giúp giá thịt lợn hơi dần ổn định, có thể giảm về dưới 75.000 đồng/kg trong nửa đầu năm 2021. Bà Vân cũng kỳ vọng, giá lợn hơi có thể tiếp tục hạ nhiệt sâu hơn khi vắc-xin dịch tả lợn châu Phi hiệu quả được sử dụng trên diện rộng.
Một loại vắc-xin đang được NAVETCO nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị được đánh giá bởi Hội đồng khoa học quốc gia. Những kết quả thành công bước đầu được đánh giá là tương đối khả quan và chắc chắn loại vắc-xin dịch tả lợn châu Phi này đang được kỳ vọng đưa vào sản xuất cuối quý I/2021, là chìa khóa giải quyết bài toán tái đàn, tăng quy mô đàn lợn.
Theo báo Đầu Tư
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)