Tích cực tiêm phòng gia súc ở miền núi
Để tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho đàn gia súc đạt hiệu quả cao trong vụ xuân tới, nhiều địa phương miền núi xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Theo chân anh Vi Trung Đức, thú y viên của bản Đô, xã Châu Kim (Quế Phong), chúng tôi đến một số hộ trong bản, thống kê, tuyên truyền đến bà con chuẩn bị cho công tác tiêm phòng vắc xin gia súc vụ xuân tới. Người dân bản Đô chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, nên hầu hết gia đình nào cũng làm chuồng trại nuôi nhốt trâu bò.
http://baonghean.vn/dataimages/201603/original/images1472091_03.jpg
Cán bộ thú y xã Châu Kim, huyện Quế Phong phối hợp với thu y viên thôn bản đi tuyên truyền công tác tiêm phòng cho đàn gia súc vụ xuân tới.
Anh Đức cho biết: Mới rồi anh và mọi thú y viên trong xã đã được tập huấn, quán triệt công tác tiêm phòng gia súc, chuẩn bị triển khai tiêm phòng vụ xuân tới. Để người dân nắm được lịch tiêm phòng của bản, trước ngày tiêm phòng, trưởng bản thông báo cho mọi gia đình nhốt trâu, bò tại chuồng, rút ngắn thời gian tiêm phòng, đỡ vất vả phải lên đồi tìm kiếm từng con trâu, bò.
Gia đình ông Lương Văn Mười, ở bản Đô, xã Châu Kim, hiện có 2 con trâu và 1 con nghé. Ông Mười nói, con trâu là tài sản lớn của gia đình, do vậy hàng năm khi bản thông báo tiêm phòng là gia đình thực hiện nghiêm túc. Do được tiêm phòng mỗi năm 2 lần, nên đàn trâu của gia đình phát triển tốt, không bị dịch bệnh gì.
Ông Hà Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim, cho biết: Châu Kim có 10 bản, xã đã bố trí mỗi bản có 1 thú y viên, hàng năm có nhiệm vụ theo dõi tình hình dịch bệnh và tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc. Tuy nhiên, do đội ngũ thú y viên cơ sở không có phụ cấp hàng tháng, nên nhiều người không muốn làm, hoặc làm không có trách nhiệm cao. Vừa rồi, xã phải tìm người thay 2 thú y ở bản Đô và bản Muồng. Để công tác tiêm phòng vụ xuân sắp tới được chu đáo, từ giữa tháng 2, xã đã tổ chức tập huấn, quán triệt cho đội ngũ thú y viên cơ sở. Châu Kim hiện có 1.129 con trâu, 459 con bò, mục tiêu của địa phương, vụ xuân này tỷ lệ đàn trâu, bò được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng đạt 80%.
http://baonghean.vn/dataimages/201603/original/images1472093_04.jpg
Ngoài nhiệm vụ tiêm phòng theo định kỳ hàng năm, anh Vi Trung Đức còn thường xuyên chữa trị bệnh trâu, bò cho bà con trong bản.
Theo thống kê của Trạm thú y huyện Quế Phong, hàng năm vào vụ xuân, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, lở mồ long móng cho đàn trâu, bò đạt từ 70 đến gần 80% tổng đàn. Để đạt được con số đó, trước hết người chăn nuôi đã nâng cao ý thức phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thứ hai, nhà nước có chính sách hỗ trợ 100% vắc xin từ nguồn đầu tư của Nghị quyết 30a; thứ ba, huyện chỉ đạo các địa phương triển khai thời điểm tiêm phòng phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm lịch tiêm phòng của từng bản. Theo kế hoạch, Quế Phong sẽ triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6.
http://baonghean.vn/dataimages/201603/original/images1472094_05.jpg
Bà lô Thị Mùi, bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình, Quỳ Châu chăm sóc đàn trâu.
Ông Lê Mỹ Trang – Trưởng Trạm Thú y huyện, cho biết: Huyện Quỳ Châu có 26 nghìn con trâu, bò, trong đó có khoảng 21 nghìn con nằm trong diện phải tiêm phòng, do đó cần tới 21 nghìn liều vắc xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng. Trong thời điểm này, Trạm phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: gửi văn bản chỉ đạo; phát tờ rơi, thông báo trên loa truyền thanh… kết hợp với cán bộ thú y huyện trực tiếp làm việc với các xã, thôn, bản nắm bắt thực trạng đàn trâu bò…
Nếu như gia đình nào cũng nuôi nhốt trâu, bò thì công tác tiêm phòng hàng năm sẽ thuận lợi hơn, trong khi tập quán của một bộ phận người dân vẫn chăn nuôi trâu, bò theo kiểu thả rông, rất khó khăn cho công tác tiêm phòng.
http://baonghean.vn/dataimages/201603/original/images1472097_01.jpg
Gia đình nào cũng nuôi nhốt trâu, bò thì công tác tiêm phòng hàng năm sẽ thuận lợi hơn.
Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, các cấp, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân hiểu, thực hiện. Thực tế cho thấy, địa phương nào làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc thì ở đó vật nuôi ít xẩy ra dịch bệnh và ngược lại.
Theo báo Nghệ An
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)