Việt Nam nhập 3000 tấn thịt từ Brazil: Bộ Nông nghiệp họp khẩn lo chặn thịt bẩn
Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Cục Thú y đang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Mới đây Thương vụ Việt Nam tại Brazil có đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm tại Brazil. Nước này đang mở rộng cuộc điều tra vụ bê bối lưu thông, xuất khẩu thịt nhiễm bẩn.
Đặc biệt, theo số liệu của Brazil, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.
http://img.infonet.vn/w480/Uploaded/nguyenthuy/2017_03_22/thitnhapkhau.jpg
Từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Ảnh minh họa
Liệu thịt nhiễm bẩn từ Brazil đã về Việt Nam hay chưa? Liên quan đến việc này, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chính thức lên tiếng.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil.
“Như vậy, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil của Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hằng năm tới các nước trên thế giới”, Cục Thú y cho hay.
Cục Thú y khẳng định: “Tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu”.
Đối với thịt và sản phẩm thịt từ Brazil để xuất khẩu vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.
Theo đó các nhà máy sản xuất thịt của Brazil phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định, kiểm tra, đánh giá từng cơ sở giết mổ và chế biến thịt, nếu đạt yêu cầu thì mới được đưa vào danh sách các nhà máy được phép xuất khẩu vào Việt Nam.
Cục Thú y cho biết, ngay sau khi có thông tin về việc phát hiện một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil sử dụng chất có nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Cục Thú y đã tổ chức họp khẩn cấp để chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil.
Ngày 20/3/2017, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 485/TY-KD chỉ đạo các đơn vị liên quan, nhất là các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam.
Giao các Cơ quan Thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường kiểm soát thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS SA và BRF SA thì tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu.
“Theo thông tin, hiện tại đã có một số nước đã hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu thịt từ một số nhà máy giết mổ, chế biến thịt từ Brazil như Hàn Quốc, EU, Chi Lê,... Cục Thú y đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như một số nước nêu trên”, Cục Thú y khẳng định.
Theo Cục Thú y, Brazil là quốc gia được Tổ chức thú y thế giới (OIE) đánh giá và công nhận kiểm soát tốt về dịch bệnh động vật. Do vậy, nhiều nước trên thế giới đã đánh giá, xem xét và cho phép nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ Brazil (như thịt gà, thịt lợn, thịt bò).
Hiện tại, Brazil đã xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm tới 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2016, Brazil là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt bò với sản lượng khoảng 1,8 triệu tấn thịt bò, đồng thời cũng là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thịt gà với sản lượng xuất khẩu trên 4 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thịt từ Brazil sang các nước chủ yếu là các nước châu Âu, Liên bang Nga, Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore,…
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)