Việt Nam thúc đẩy nghiên cứu sản xuất vắcxin lở mồm long móng
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết các cơ quan quản lý, nghiên cứu của Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất vắcxin lở mồm long móng trong nước, giúp Việt Nam chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh.
http://img.vietnamplus.vn/t660/Uploaded/qfsqy/2015_10_20/ttxvn_20102015lo_mom_long_mong.jpg
Nhân viên Thú y tiêm vắcxin phòng dịch bệnh cho đàn lợn nuôi quy mô hộ gia đình. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Tại Hội thảo Quốc tế về bệnh long mồm long móng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 20/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết lở mồm long móng là một trong những bệnh nguy hiểm trên động vật và là rào cản chính trong thương mại quốc tế đối với động vật và sản phẩm động vật.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát bệnh lở mồm long móng thông qua triển khai các chương trình quốc gia khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng với 2 giai đoạn (từ 2006-2015).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai chương trình phòng chống dịch bệnh giai đoạn 3 (2016-2020). Việt Nam mong nhận được sự hỗ trợ, phối hợp hành động của các nước trong khu vực để công tác khống chế dịch bệnh đạt hiệu quả hơn.
Theo ông Ngô Thanh Long, Phó Giám đốc Cơ quan Thú y vùng VI, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, bệnh lở mồm long móng là bệnh đầu tiên trong danh sách bệnh truyền nhiễm cần phải kiểm soát toàn cầu theo danh mục các bệnh của Tổ chức Thú y trên thế giới.
Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm động vật phải kiểm soát được bệnh lở mồm long móng. Việc kiểm soát có 2 cấp độ quan trọng. Một cấp độ là kiểm soát được bệnh dưới điều kiện tiêm phòng và ở mức cao hơn là kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện không tiêm phòng nữa.
Ông Ngô Thanh Long cho biết một trong những công cụ quan trọng để kiểm soát bệnh lở mồm long móng là vắcxin. Việc kiểm soát bệnh lở mồm long móng tại Việt Nam không phải là quá khó khăn nhưng để làm được phải có đủ vắcxin tiêm phòng với tỷ lệ trong đàn trên 90% và tiêm liên tục trong vòng 5 năm. Đây chính là kinh nghiệm từ các nước phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Thanh Long, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là không đủ vắcxin. Trong khi đó, năng lực nghiên cứu cũng như sản xuất vắcxin trong nước, Việt Nam có khả năng làm được. Vì vậy, các ngành chức năng cần tập hợp các nhà khoa học, đặc biệt là các công ty sản xuất vắcxin để cùng chung tay sản xuất nhằm chủ động vắcxin trong kiểm soát bệnh lở mồm long móng./.
Theo Báo VietNam+
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)