Bán nhà nuôi heo, 'treo chuồng' vì lỗ
Người chăn nuôi heo ở miền Bắc "kiệt quệ" khi giá heo hơi lao dốc chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn chăn nuôi cao ngất ngưởng trong nhiều tháng qua.
Giá cám tăng cao trong khi giá bán heo hơi thấp khiến ông Hiệu đang gánh lỗ khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng - Ảnh: LÝ ĐỖ
"Cắm" sổ đỏ vì nợ tiền cám
Chưa hoàn hồn sau "cơn bão" dịch tả heo châu Phi, ông Trần Công Lực (ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) lại đứng ngồi không yên khi từ cuối năm 2022 giá heo lao dốc, còn giá cám thì tăng "phi mã". Tấm sổ đỏ của gia đình ông cũng vừa đem đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền mua cám.
Bao vốn liếng, tài sản của gia đình ông Lực hiện trông chờ vào hơn 40 con heo thịt đang chuẩn bị xuất bán. Ngày bán cận kề nhưng giá thương lái thu mua ở quanh xã cũng chỉ 42.000 - 45.000 đồng/kg.
"Hơn một năm qua, giá cám tăng hơn 100.000 đồng/bao. Bình quân mỗi con heo nuôi từ nhỏ đến khi xuất bán tốn 12-13 bao cám (khoảng 5 triệu đồng), tiền giống khoảng 1 triệu, chưa kể thuốc thang, công nuôi. Nếu bán 42.000 đồng thì mỗi con heo lỗ khoảng 1 triệu đồng, với giá này tôi lỗ nặng" - ông Lực chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Ông Lực cho hay nhiều hộ chăn nuôi tại Lâm Thao đã sạt nghiệp, bán nhà vì nợ tiền chi phí chăn nuôi.
"Bản thân tôi cũng đang cắm bìa đỏ vay ngân hàng để có tiền mua cám duy trì chăn nuôi. Nếu giá cám vẫn cao và giá bán heo vẫn thấp như hiện tại thì tôi chỉ cầm cự nuôi hết lứa heo này rồi bỏ chuồng để đi làm công ty" - ông Lực ngậm ngùi nói.
Ông Bùi Quang Hiệu - chủ trang trại heo ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ) - cho biết thời kỳ cao điểm, ông nuôi khoảng 400 heo nái và mỗi tháng khoảng 700 heo thịt. Trước cảnh giá heo thấp, ông đang nuôi cầm chừng 300 heo nái và bình quân mỗi tháng xuất bán 500 - 550 heo thịt.
Ông Hiệu cho hay từ Tết đến giờ, giá heo chỉ từ 47.000 - 49.000 đồng/kg, mấy hôm trước lên được 50.000 đồng/kg, xong lại quay về 47.000 - 48.000 đồng/kg. Trong khi chi phí giá thành sản xuất khép kín cũng lên tới 5,3 triệu đồng/con.
"Giá heo phải 53.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới hòa vốn, còn cao hơn thì mới bắt đầu có lãi. Một tháng tốn khoảng 1,5 tỉ tiền công và cám, trong khi tiền bán heo chỉ thu về khoảng 1,2 - 1,3 tỉ đồng. Nếu giá heo vẫn giữ đà thấp kéo dài trong một vài tháng tới thì những trang trại quy mô nhỏ và hộ chăn nuôi 'treo chuồng' là rất cao" - ông Hiệu nói.
Trang trại nuôi heo ở Hưng Yên giờ bỏ trống vì "bão" giá thức ăn chăn nuôi - Ảnh: P.THẢO
Hàng loạt trại nuôi "xóa sổ"
Không chỉ ở Phú Thọ, tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định những ngày này, không khí chăn nuôi trở nên ảm đạm, nhắc đến heo ai cũng ngao ngán.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), bà Trần Thị Bốn, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y của xã, than thở đợt vừa rồi Ngọc Lũ thống kê có hơn 70% người dân nuôi heo đã bỏ nghề chuyển sang công việc khác. Nhiều chuồng nuôi nay đã được cải tạo thành xưởng sản xuất hoặc đập bỏ để trồng cây ăn quả.
"Từ vị thế của một xã chăn nuôi heo lớn nhất tỉnh, thậm chí lớn nhất khu vực miền Bắc với khoảng 1.600 hộ nuôi và quy mô đàn khoảng hơn 100.000 con/lứa. Thế nhưng giờ đây Ngọc Lũ chỉ còn khoảng 19.000 con, tập trung trong hơn chục trang trại chăn nuôi" - bà Bốn nói.
Cạnh xã Ngọc Lũ là Bồ Đề - xã chăn nuôi tốp đầu của huyện Bình Lục - cũng trong cảnh "kiệt quệ" vì heo. Ông Trần Hữu Ngọc, phó chủ tịch UBND xã Bồ Đề, cho hay gia đình đang nợ hàng trăm triệu đồng tiền cám heo nhưng chưa biết lấy tiền đâu để trả.
Nếu bán đàn heo thời điểm này, mỗi con ông Trần Thiện Thảo (xã Bồ Đề) lỗ chừng 1 triệu đồng - Ảnh: P.THẢO
"Cơn lốc này khiến các nông hộ kiệt quệ, bao nhiêu vốn liếng đều ngốn sạch vào thức ăn cho heo khiến không ít hộ cầm cắm sổ đỏ.
Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam), thời kỳ cao điểm, tổng đàn heo trên địa bàn huyện vào khoảng 250.000 con mỗi lứa nhưng giờ đây con số này chỉ còn khoảng 100.000 con.
"Mấy đợt "bão" dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi, giá bán thấp như thế, chăn nuôi nông hộ trong huyện cơ bản xóa sổ hết" - ông Đỗ Thế Trọng, trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Lục, nói.
Đồng bộ giải pháp hỗ trợ người nuôi heo
Ông Tống Xuân Chinh, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết chưa thể khẳng định được đến khi nào giá thức ăn chăn nuôi mới ổn định trở lại.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh trồng nguyên liệu tại chỗ như sắn, ngô, đậu tương để cân đối giá thành thức ăn chăn nuôi.
"Giải pháp tốt nhất vẫn là nâng cao chất lượng con giống, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời tăng chế biến và tiến tới xuất khẩu để giảm sức ép tiêu thụ tại thị trường trong nước" - ông Tiến nói.
CHÍ TUỆ
Thông Tin Khác
Trong và Ngoài Nước
Côn trùng có thể thay thế đậu tương trong thành phần thức ăn cho gia cầm
0704-2015
Trong và Ngoài Nước
Loài lươn có thể được sử dụng để giúp quản lý chất lượng sinh thái của nước
1405-2014
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)