Nước càng sạch, tôm càng mạnh
Theo các chuyên gia, nước sạch là nước chứa ít các chất hóa học và các chất hữu cơ lơ lửng, không gây độc tôm sống trong đó. Nước bẩn chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, nhiều hợp chất, chất khí hòa tan độc hại (như H2S, NH3 NO2…) cùng vi khuẩn, virus gây bệnh. Khi nuôi mật độ cao trong môi trường nước bẩn (ô nhiễm), tôm sẽ luôn bị stress nên sức đề kháng giảm, dễ mẫn cảm với các loại bệnh.
Để đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nuôi tôm luôn sạch và chủ động, người nuôi cần tuân thủ các khâu kỹ thuật:
Địa điểm
Ao, đầm phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh của địa phương. Vùng nuôi phải có mương cấp, thoát nước riêng biệt đảm bảo đủ nước sạch đáp ứng nhu cầu nuôi.
Mỗi hộ hoặc cơ sở nuôi phải có hồ lắng, chiếm 15 - 20% tổng diện tích nuôi để xử lý nước cấp và diệt tạp trước khi bơm vào hồ nuôi. Hộ nuôi nên trang bị dụng cụ đo môi trường (như test pH, ôxy, NH3, NO3 ), độ kiềm, mặn…
Cải tạo ao lắng
Sau mỗi vụ nuôi, nên phơi khô nền đáy ao lắng 1 - 2 tháng để ngắt vụ, tiêu diệt hết mầm bệnh, khoáng hóa và phục hồi đáy ao. Trước vụ nuôi 15 - 20 ngày, ao lắng phải được bơm cạn, cải tạo (nếu chưa phơi đáy), sên vét bớt bùn, rải vôi bột (CaO) đều đáy ao và bờ ao, liều lượng 7 - 10 kg/100 m2 (pH đất > 7) hoặc 12 - 14 kg/100 m2 (pH đất ≤ 7). Bừa kỹ cho vôi trộn lẫn vào đáy để diệt hết tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp… còn sót lại, diệt khuẩn trong bùn, giải độc (kim loại nặng, H2S) và trung hòa pH.
Lấy và xử lý nước
Nên lựa chọn những ngày không mưa, con nước cao nhất để lấy được nước sạch hơn, ít phù sa và độ mặn cao. Nước lấy vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, ấu trùng, tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp, để lắng 3 - 4 ngày. Lưu ý: Không lấy nước vào ao lắng khi nước ngoài kênh mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, nhiều phù sa, nguồn nước nằm trong vùng có dịch bệnh và nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm.
Để tránh dư lượng hóa chất tồn dư trong đất đáy ao, người nuôi nên xử lý nước ở ao lắng rồi mới cấp vào ao nuôi. Dùng Chlorine 20 ppm (20 kg/1.000 m3 nước) hoặc những chất diệt tạp khác để diệt khuẩn, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và các chất cấm. Quạt nước liên tục trong 10 ngày để dư lượng Chlorine bay hơi hết. Kiểm tra dư lượng Chlorine trong nước bằng cách lấy 10 - 20 ml nước đã xử lý Chlorine, nhỏ 1 - 2 giọt thuốc thử Orthotolidin (1%), nếu nước không màu chứng tỏ không còn dư Chlorine, nếu nước chuyển màu vàng là còn dư Chlorine. Khi đó cần dùng Thiosulphat (Na2S2O3.5H2O) liều lượng 15 ppm để loại bỏ.
Cấp nước từ ao lắng qua ao nuôi (qua nhiều lớp túi lọc bằng vải dày) đến khi mực nước trong ao nuôi đạt 1,3 - 1,5 m. Để lắng 2 ngày rồi mới thả tôm.
Hiện nay một số nơi đã dùng hệ thống đèn cực tím để xử lý nước ao mà không cần dùng hóa chất đem lại hiệu quả cao. Hệ thống này bao gồm một bể tràn là bồn nhựa chứa nước thể tích 350 lít cùng với 10 bóng đèn tia cực tím, máng nước bằng tôn hoặc nhựa, nguồn điện phân, lưới mịn và điện năng có công suất 1.000 W. Khi nước được hút vào bể tràn, nó sẽ đi qua lưới lọc rồi chảy vào máng, nơi lắp đặt hệ thống đèn chiếu tia cực tím và nguồn điện phân. Tại đây, nhờ cách lắp đặt đèn đặc biệt và hệ thống làm xáo trộn, nước sẽ tiếp xúc trực tiếp với đèn nhiều hơn, cộng với nguồn điện phân sẽ diệt số lượng lớn vi khuẩn, trước khi chảy vào ao tôm.
Khi nước lấy vào ao lắng, không cần xử lý bằng hóa chất mà chỉ quạt khí cho trứng các loài giáp xác, ốc, tôm, cua nở hết. Sau đó cấp vào ao nuôi qua hệ thống lọc nước bằng tia cựa tím. Với công suất máy 120 m3 nước/giờ thì sau 1 ngày có thể lấy đủ nước cho ao, vừa diệt được khuẩn vừa hạn chế được dư lượng hóa chất trong nước ao, đảm bảo an toàn cho tôm nuôi.
theo http://thuysanvietnam.com.vn/
Thông Tin Khác
Trong và Ngoài Nước
Bụi từ các trại chăn nuôi bò sữa không có khả năng gây nguy hiểm cho cộng đồng sinh sống gần đó
0905-2014
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)