Bảo đảm nguồn vắc-xin phòng, chống cúm gia cầm
Ðể phòng, chống cúm gia cầm, Cục Thú y cho biết, trong quý I -2020, lượng vắc-xin cúm gia cầm trong kho của các doanh nghiệp có thể cung ứng cho thị trường khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc-xin sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong đó vắc-xin sản xuất trong nước khoảng 200 triệu liều. Ðể chủ động nguồn vắc-xin, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sản xuất được một số loại vắc-xin quan trọng như: CGC Navet-Vifluvac và Navet-Fluvac 2. Ngoài ra, Bộ cũng đang tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất vắc-xin cúm gia cầm.
https://nhandan.com.vn/cdn/vn/media/k2/items/src/4327/dbd73d7bb3b74b3fb59fedf57e852ea6.jpg
Sản xuất vắc-xin cúm gia cầm A (H5N1) tại Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco. Ảnh: THU PHƯỢNG
★ Hiện nay, tỉnh Lai Châu có tổng đàn gia cầm đạt 1,4 triệu con. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung hướng dẫn hộ chăn nuôi phòng dịch và tiêm phòng vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, đồng thời chuẩn bị nguồn nhân lực để phòng, chống bệnh kịp thời, hiệu quả.
★ Tại tỉnh Hà Nam hiện đang chăn nuôi khoảng 6,8 triệu con gia cầm. Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tốt chuồng trại; mua con giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
★ Tỉnh Vĩnh Phúc vừa có kế hoạch tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trên địa bàn. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí mua các loại vắc-xin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và phun khử trùng, tiêu độc.
★ UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 bảo đảm đạt tỷ lệ hơn 80% so với tổng đàn; tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, xử lý nghiêm việc vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không đúng quy định.
★ Tỉnh Phú Yên quyết định cấp không thu tiền 23.425 liều vắc-xin lở mồm long móng 2 type O và A cho 30 xã vùng có nguy cơ để tiêm phòng cho gia súc đợt 1 năm 2020.
★ Tỉnh Ðắk Nông vừa đồng ý bố trí 7,785 tỷ đồng để phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trên địa bàn trong năm 2020. Nguồn kinh phí này sử dụng vào hoạt động tiêm phòng bệnh dại cho động vật; tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm; tổ chức tiêu độc khử trùng, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ động vật…
★ UBND tỉnh Ninh Thuận vừa có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng và các bệnh truyền nhiễm khác cho đàn gia súc, gia cầm; bảo đảm đạt 100% số gia súc thuộc diện tiêm tại vùng dịch và ít nhất 80% số gia súc thuộc diện tiêm tại các vùng nguy cơ cao.
★ Nhằm chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu sở, ngành liên quan và các địa phương giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời dịch cúm gia cầm; hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng dịch, tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia cầm.
★ Tỉnh Hậu Giang vừa triển khai thực hiện tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn. Theo đó, lực lượng chức năng sẽ chú trọng việc tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm.
★ UBND tỉnh Tây Ninh vừa yêu cầu các sở, ngành, địa phương hướng dẫn nhân dân tăng cường áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; lực lượng chức năng tổ chức tiêm phòng vắc-xin cúm cho ít nhất 80% tổng đàn và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại.
★ Tỉnh Bạc Liêu, hiện có khoảng ba triệu con gia cầm. Ðể phòng, chống cúm cho đàn gia cầm, tỉnh đang cử cán bộ bám sát cơ sở nhằm phát hiện và xử lý kịp thời nếu xảy ra dịch, không để lây lan; khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn dịch bệnh.
★ Ðến nay, tỉnh Sơn La đã chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách dự phòng địa phương gần 40 tỷ đồng để chi cho công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Trong đó, đã hỗ trợ các hộ gia đình có lợn tiêu hủy khoảng 20 tỷ đồng, còn lại là chi cho công tác phòng, chống dịch. Toàn tỉnh hiện có bảy huyện công bố hết dịch.
★ Hiện nay, việc tái đàn lợn ở Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn lợn giống. Mặc dù vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân không nên mua giống trôi nổi, không an toàn và không tái đàn ở những địa phương chưa công bố hết dịch.
★ Tại Nam Ðịnh, hiện có 214 xã, phường, thị trấn có DTLCP đã qua 30 ngày không phát sinh lợn ốm, chết; 161 xã, phường, thị trấn công bố hết bệnh.
★ Ðến nay, tỉnh Thanh Hóa có 17 huyện, 420 xã công bố hết DTLCP; còn 10 huyện, 37 xã chưa công bố hết dịch. Bên cạnh đó từ đầu tháng 2 đến nay, bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 17 hộ chăn nuôi làm 98 con trâu bò mắc bệnh.
★ Trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng, hiện nay DTLCP trên địa bàn có chiều hướng giảm. Trong tuần vừa qua, 86 xã, phường, thị trấn và sáu huyện, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh. Hiện, đàn lợn của tỉnh là 383.393 con, tăng 2,01% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch.
★ Khoảng 7.000 con gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu bệnh vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An bắt giữ tại huyện Quỳnh Lưu. Sau khi hoàn tất các hồ sơ, thủ tục pháp lý lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật.
★ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên hôm nay (16-2), ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời chuyển rét, có nơi rét đậm, rét hại. Từ chiều 16-2, ở vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Ðông gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8, biển động.
★ Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 52 đoạn sông cảnh báo nguy cơ sạt lở. Trong đó, có sáu đoạn ở mức độ đặc biệt nguy hiểm; 41 đoạn ở mức độ nguy hiểm... Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương theo dõi, cảnh báo người dân khi phát hiện dấu hiệu sạt lở; cắm biển báo cảnh báo khu vực sạt lở; di dời người dân khỏi nơi xung yếu...
★ Ðến nay, TP Hà Nội có hơn 83.000 ha có đủ nước sản xuất vụ đông xuân. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn gần 7.000 ha đất canh tác chưa lấy đủ nước gieo cấy. Các quận, huyện hiện có nhiều diện tích chưa lấy đủ nước là: Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm. Riêng quận Long Biên hiện chưa lấy nước phục vụ cho sản xuất.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)