Bò sữa TP HCM: Đi vào phát triển bền vững

Là địa phương có đàn bò sữa lớn nhất cả nước, TP.HCM đang tập trung phát triển đàn bò theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng đàn bò sữa và giải quyết vấn đề môi trường

Chuyên nghiệp hóa
Trong những năm qua, do lợi nhuận tốt và sự ổn định của con bò sữa, tốc độ phát trên đàn bò sữa ở TP.HCM khá cao, nhất là khi so với định hướng phát triển đàn bò sữa của TP đến năm 2015. Cụ thể, trong Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2015, đàn bò sữa được đề ra những mục tiêu về số lượng như sau: Tốc độ tăng đàn bình quân 4,2%/năm; đến năm 2015 tổng đàn là 80.000 con.

Thực tế cho thấy tốc độ tăng đàn trong mấy năm qua thường cao hơn hẳn so với định hướng nói trên: Năm 2012 tăng 9,14%; năm 2013 tăng 8,52%. Bởi thế, đến hết năm 2013, tổng đàn bò sữa của TP đã là 97.448 con. Và đến thời điểm này đã xấp xỉ ở mức 100 ngàn con.

Điều đáng nói trong khi tốc độ tăng đàn vượt quá xa so với yêu cầu, thì những yêu cầu về chất lượng lại chưa đạt. Chẳng hạn, về năng suất sữa, TP đề ra mục tiêu mỗi năm đạt mức tăng trưởng 3,08%, để đến năm 2015 năng suất bình quân của bò cái vắt sữa 6.000 kg/con/năm, nhưng đến hết năm 2013 mới chỉ đạt bình quân 5.530 kg/con/năm. Với tốc độ tăng trưởng của năng suất sữa hiện rất thấp (năm 2012 tăng 0,73%; năm 2013 tăng 0,27%), chắc chắn đến năm 2015, năng suất sữa bình quân của bò cái vắt sữa ở TP.HCM không thể đạt mục tiêu 6.000 kg/con/năm.

Chính vì thế, trong định hướng phát triển bò sữa những năm tới, TP.HCM không chủ trương tăng đàn nữa, mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng đàn bò sữa. Trong đó, ngoài những giải pháp về giống, công tác quản lý, phòng ngừa bệnh tật…, việc đào tạo, huấn luyện kỹ thuật cho nông dân và cơ giới hóa nghề nuôi bò sữa đang được TP.HCM chú trọng đẩy mạnh.

Theo đó, các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa được tổ chức thường xuyên cho nông dân vùng ngoại thành. Không chỉ ngành khuyến nông, mà trung tâm dạy nghề của các huyện, hội nông dân, rồi các công ty đặt trạm thu mua sữa trên địa bàn, cũng thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ thuật cho nông dân.

Ngay chính những người nuôi bò sữa, cũng ngày càng tích cực tham gia nhiều hơn vào các lớp tập huấn, bởi họ nhận thức được rằng, muốn nuôi bò sữa thực sự có hiệu quả, thì phải là những nông dân chuyên nghiệp, tức phải có đủ kiến thức để có thể tự làm hết hoặc chí ít cũng gần hết các khâu.

Sự thất bại của những người nuôi bò sữa mà nhiều khâu quan trọng cứ phải thuê mướn người ngoài, chính là những bài học thực tế cho người nuôi bò sữa ở vùng ngoại thành TP.HCM. Đến bây giờ, người nuôi bò sữa ở ấp Xóm Trại (xã An Nhơn Tây, Củ Chi), vẫn thường nhắc nhở về sự thất bại đau đớn của một nữ đại gia khi về ấp này đầu tư nuôi bò sữa cách đây mấy năm. Nữ đại gia ấy đã bỏ ra khá nhiều tiền, đầu tư tới mấy trại bò sữa quy mô lớn, mỗi trại tới hàng chục con. Nuôi bò sữa nhưng bà chủ lại ở trên TP, lâu lâu mới về trang trại, mọi việc ở trại gần như khoán trắng cho những người làm công.



 

 



Nuôi bò sữa công nghệ cao tại TP.HCM


“Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm”, những người làm công thường tìm đủ cách gian lận. Chẳng hạn, mỗi khi bò mẹ sinh con, nếu là bê cái, những người làm công sẽ lén đem bê cái đó đi bán cho người ngoài với giá cao rồi tìm mua bê đực sơ sinh với giá khá rẻ để tráo vào. Rồi gian lận khi cho bò ăn, chữa bệnh… Bởi thế, chẳng mấy chốc, cả mấy trại bò của nữ đại gia này đều thua lỗ nặng nề nên đều bị dẹp bỏ.

Anh Phạm Đăng Vũ, nông dân ấp Xóm Trại, khẳng định: “Giá sữa mấy năm nay tuy ở mức khá tốt, nhưng giá thức ăn cao, giá thuốc thang, giá nhân công… cũng cao. Nếu nuôi bò sữa mà thuê mướn các khâu, thì nguy cơ thua lỗ là không nhỏ. Vả lại phải trực tiếp làm mọi khâu thì mới theo dõi sát sao được sức khỏe đàn bò và đảm bảo được chất lượng sữa, khi mà các công ty sữa ngày càng khắt khe hơn với sữa tươi của nông dân”.

Với suy nghĩ ấy, từ nhiều năm nay, anh Vũ không bỏ qua bất cứ một lớp tập huấn nào. Nhờ đó, đến nay, anh đã trở thành một người chăn nuôi bò sữa giỏi ở trong vùng, có thể tự làm mọi khâu, từ gieo tinh, chữa bệnh cho bò tới đỡ đẻ, vắt sữa…

Đàn bò nhà anh nhờ vậy có năng suất sữa ở mức cao, bình quân mỗi con đạt 13 kg/ngày. Cũng là một người rất chịu khó học hỏi nên, dù chưa tới 40 tuổi, anh Nguyễn Thành Được, nông dân ở ấp 9 (xã Tân Thạnh Đông, Củ Chi), đã tự làm mọi khâu cho đàn bò sữa một cách rất thành thạo, chuyên nghiệp. Hiện nay, đàn bò của anh Được đã lên tới 40 con, trong đó 15 con đang vắt sữa, với năng suất mỗi con lên tới mức bình quân 16 kg/ngày.

Anh Vũ khẳng định: “Hiện nay, các lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân nuôi bò sữa được mở ra thường xuyên, nhưng nhiều nông dân vẫn còn lười đi học vì tiếc mấy ngày công. Với kinh nghiệm nuôi bò sữa gần 20 năm nay, tôi nhận thấy những hộ nào chịu khó học hỏi để có thể trực tiếp làm mọi khâu thì sẽ thành công. Còn những hộ lười học hỏi, phải thuê mượn thì dễ thất bại. Ở đây đã có nhiều mô hình nuôi bò sữa quy mô lớn bị thất bại vì phải thuê mượn nhiều”.

Đẩy mạnh cơ giới hóa
Nhiều nông dân nuôi bò sữa có mức độ chuyên nghiệp hóa cao, cũng đang tích cực trong việc cơ giới hóa nghề nuôi bò sữa. Một trong những trại bò tiêu biểu về cơ giới hóa, là trang trại của anh Phạm Đăng Vũ mà chúng tôi đã nhắc ở trên.

Trưa nắng, ngoài trời phải nóng tới 34-35 độ, nhưng ngồi uống nước với anh Vũ ở dưới mái hiên ngôi nhà của anh, tôi vẫn thấy mát mẻ, dù chẳng có một cái quạt máy nào chĩa về phía chúng tôi. Sự mát mẻ ấy là nhờ hệ thống làm mát, hạ nhiệt độ của… trại bò sữa chỉ cách chỗ chúng tôi ngồi vài bước chân.

 

 



Chăm sóc đàn bò sữa tại hộ gia đình bà Trần Thị Lan, một trong những gia đình chăn nuôi bò sữa giỏi ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: Mạnh Linh



Cách đây mấy năm, nhờ nguồn vốn tự tích lũy, anh Vũ đã sửa sang, nâng cấp chuồng bò cho cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ hơn. Nhờ có sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Trung tâm Khuyến nông TP, anh đã đầu tư hệ thống phun sương trong chuồng bò. Bên cạnh đó, anh cũng tự bỏ tiền lắp đặt hệ thống làm mát trên mái tôn. Nhờ những hệ thống này, chuồng bò của anh Vũ luôn có nhiệt độ thấp hơn ở ngoài trời tới hơn 3 độ.

Vì vậy, trong những buổi trưa nắng nóng, đàn bò 40 con của anh vẫn có thể ung dung nằm nghỉ ngơi nhai lại, qua đó nâng cao được hiệu quả tiêu hóa thức ăn. Cũng nhờ sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông, anh Vũ đã mạnh dạn mua sắm máy thái cỏ và bỏ tiền ra tự sắm máy trộn thức ăn. Với những cái máy này, anh đã chuyển từ việc cho bò ăn thức ăn đơn lẻ sang dùng thức ăn trộn (trộn cỏ, cám, chất khoáng… với nhau), giúp cho bò tăng thêm năng suất sữa từ 1-2 kg/con/ngày. Ngoài ra, anh cũng đã mua sắm các thiết bị vắt sữa, thiết bị tắm tự động cho bò sữa…

Do đã cơ giới hóa được gần như toàn bộ khâu chăn nuôi, vắt sữa, nên 2 vợ chồng anh Vũ không cần phải thuê mướn người làm, mà vẫn có thể chăm sóc cho đàn bò 40 con một cách không mấy vất vả. Nhiều hộ nông dân cũng nhờ mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa mà đã nâng cao đáng kể hiệu quả chăn nuôi bò sữa.

Tuy nhiên, chương trình cơ giới hóa nghề nuôi bò sữa ở TP.HCM vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, đề án “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa” thực hiện từ 2013-2015, sẽ trang bị cho nông dân 700 máy vắt sữa đơn dạng hệ thống, 700 thiết bị rửa máy vắt sữa, 3.500 bình nhôm chứa sữa, 700 máy băm thái cỏ, 120 máy trộn thức ăn TMR 1 pha và 960 hệ thống làm mát.

Trong đó, chỉ có máy vắt sữa đơn dạng hệ thống là sẽ đạt mục tiêu đề ra, vì nông dân đã đăng ký mua nhiều. Còn các loại máy móc, thiết bị khác đều khó đạt được. Nguyên nhân chính vẫn do nhiều hộ nông dân còn chưa thực sự quan tâm đến việc cơ giới hóa, dù đã được TP hỗ trợ 50% kinh phí.

Chỉ khi nào có sức ép từ doanh nghiệp (như yêu cầu nông dân phải đựng sữa vào bình nhôm thay vì bình nhựa, để tăng hiệu quả đảm bảo vệ sinh, chất lượng lượng sữa), thì nông dân mới thực sự tích cực tham gia. Bởi thế, việc đẩy mạnh cơ giớ hóa trong chăn nuôi bò sữa ở TP.HCM, ngoài nỗ lực của ngành nông nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, vẫn cần có những hỗ trợ, tác động từ các công ty sữa.

Theo Báo NNVN

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC