Bước tiến phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam đã đạt được bước tiến quan trọng trong nghiên cứu vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi; dự kiến quý III-2021 sẽ có vắc xin để đưa vào sử dụng.
Cán bộ thú y tiêm phòng dịch bệnh trên đàn lợn ở xã Ngọc Hòa (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Ngọc Sơn
Ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các cơ quan khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Ngay khi bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra, Bộ NN&PTNT đã huy động các nhà khoa học thuộc nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai ngay việc nghiên cứu vắc xin. Mặt khác, Bộ NN&PTNT tìm kiếm sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và hợp tác trực tiếp với các cơ quan nông nghiệp của nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ này.
Từ tháng 9-2020, Việt Nam được tiếp nhận giống vi rút gây bệnh Dịch tả lợn châu Phi từ Mỹ. Giống vi rút này (I177N) đã được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm ra hơn 10 năm nay nhưng nước Mỹ không thúc đẩy nghiên cứu vắc xin phòng, chống. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam trao đổi thì phía Mỹ đã đồng ý chuyển giao giống vi rút I177N cho Việt Nam để nghiên cứu vắc xin. Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và Công ty cổ phần Thuốc thú y trung ương (NAVETCO) đã đánh giá độc lực và nghiên cứu thử nghiệm vắc xin. Sau khi đánh giá khảo nghiệm, Bộ NN&PTNT sẽ thành lập Hội đồng đánh giá để kiểm nghiệm chắc chắn trước khi cho ra đời sản phẩm vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về những kết quả nghiên cứu vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam?
Đến nay, công việc nghiên cứu vắc xin đã đạt được bước tiến quan trọng, tạo cơ sở để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam. Thứ nhất là các nhà khoa học đã lựa chọn, phân lập ngân hàng vi rút bệnh Dịch tả lợn châu Phi để làm cơ sở cho các hoạt động nghiên cứu, sản xuất ở những bước tiếp theo. Thứ hai là đã tập trung giải trình tự gen của các chủng vi rút để nghiên cứu chuyên sâu sản xuất vắc xin. Thứ ba là đã nghiên cứu dịch tễ để làm cơ sở xây dựng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới. Thứ tư là đã sản xuất được một số chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi lợn góp phần nâng cao sức đề kháng, kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh. Thứ năm là đã sản xuất được một số lô vắc xin các loại khác nhau, bước đầu thử nghiệm ở quy mô hẹp cho kết quả khả quan. Đặc biệt, các nhà khoa học đã nghiên cứu chọn tạo dòng lợn kháng được bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi.
Như vậy có thể nói, việc nghiên cứu vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi tương đối khả quan. Vậy theo Bộ trưởng, bao giờ Việt Nam sẽ sản xuất thương mại loại vắc xin này?
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục có những thử nghiệm và đánh giá độc lập, khách quan về hiệu quả, hiệu lực của vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trước khi cấp phép lưu hành. Theo báo cáo của các chuyên gia và doanh nghiệp, nếu thuận lợi thì quý III-2021, Việt Nam sẽ có vắc xin để sử dụng. Việc sớm đưa vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi vào sản xuất và thương mại hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Trong thời gian các nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục thử nghiệm để bảo đảm sản xuất thành công vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi cần áp dụng những biện pháp nào để bảo vệ đàn lợn, thưa Bộ trưởng?
Bộ NN&PTNT đang triển khai mô hình ứng dụng các chế phẩm sinh học trong chăn nuôi. Hiện đã có hai doanh nghiệp là Tập đoàn Quế Lâm và Tập đoàn Tân Long (BAF) chuyển giao các chế phẩm để hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học. Và hiện nay, 351 cơ sở chăn nuôi ở 36 tỉnh, thành phố đã áp dụng quy trình này với hơn 100.000 con lợn. Nhìn chung, với việc áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn lợn không chỉ sinh trưởng tốt mà còn không xảy ra dịch bệnh.
Từ thực tế chăn nuôi ở các doanh nghiệp, trang trại, ngành Nông nghiệp sẽ tổng kết quy trình và yêu cầu các địa phương nhân rộng mô hình, hướng dẫn người chăn nuôi cách phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong khi chưa có vắc xin. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong việc thử nghiệm và tiến tới sản xuất vắc xin phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi để người dân yên tâm tái đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường thực phẩm.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo báo Hà Nội Mới
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)