Cần thận trọng trong tái đàn lợn sau dịch tả Châu Phi
Hơn 8 tháng diễn ra dịch tả Châu Phi, hàng triệu con lợn đã bị tiêu huỷ do dịch, hiện nay giá lợn hơi trên toàn quốc tăng mạnh có nơi xấp xỉ 65.000 đồng/kg. Thế nên, các hộ chăn nuôi phải hết sức chú ý khi sớm tái đàn, bởi nguy cơ dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế, tuy nhiên việc tái đàn chăn nuôi trở lại phải hết sức thận trọng tránh nguy cơ bùng phát trở lại. Ảnh TL.
Giá lợn tăng cao chưa phải do thiếu nguồn cung
Tại hội nghị “Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, giá thịt lợn thời gian qua tăng là do tâm lý chung của thị trường, chứ thực tế trong nước chưa thiếu thịt lợn.
Tại Trung Quốc, thịt lợn trở thành nguồn hàng khan hiến khiến cho cuộc sống của người dân nước này bị đảo lộn. Trong nước, người dân cũng đang lo ngại nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu hụt giống như Trung Quốc, bởi hiện nay việc tái đàn trong dân cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã gây thiệt hại vô cùng lớn. Do đó, nhiều hộ gia đình đã không còn vốn để tái đàn lợn mới sau dịch.
Hơn nữa, thời điểm hiện tại DTLCP cũng chưa chấm dứt, nếu tiếp tục tái đàn, nguy cơ bùng phát dịch trở lại, nên nhiều hộ gia đình không dám mạnh dạn đầu tư tái đàn, dẫn đến nguồn cung thịt lợn giảm.
Trong buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Nguyễn Văn Long - Phó cục trưởng Thú y cho biết, DTLCP xảy ra từ tháng 2 khiến cả nước thiệt hại khoảng 5,6 triệu con lợn, tương đương 8% tổng sản lượng thịt. Số lượng tiêu hủy cao nhất vào tháng 5 với 1,2 triệu con và đang có xu hướng giảm trong 4 tháng qua.
Trong cả nước, DTLCP đã khiến người chăn nuôi lợn vô cùng khó khăn, giá trị sản xuất chăn nuôi lợn giảm trên 9%. Tổng đàn lợn tính đến ngày 31/8 của 56 tỉnh đã báo cáo là trên 22 triệu con, giảm 16% so với thời điểm tháng 10/2018. Nếu tính số liệu của 63 tỉnh thành, dự kiến đàn lợn sẽ đạt khoảng 23 – 23,5 triệu con, trong đó đàn nái khoảng 2,8 – 2,9 triệu con.
Hiện nay trên toàn quốc có 3.591 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố bệnh DTLCP đã qua 30 ngày. Có 4.632 xã thuộc 606 huyện của 63 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.
Cần thận trọng tái đàn sau dịch
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 31.253 hộ chăn nuôi (chiếm 38,7 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.357 thôn, tổ dân phố/449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 526.653 con (chiếm 28,1 % tổng đàn) với trọng lượng 36.067 tấn. Trong đó, tổng số lợn nái, đực giống phải tiêu hủy là 69.047 con, chiếm 13 % tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn TP.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 219 xã, phường (chiếm 49% tổng số xã, phường có dịch) và 6 quận, huyện gồm Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì có dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Theo UBND huyện Mê Linh, trên địa bàn huyện trong thời gian trở lại đây có một số xã, thị trấn bệnh DTLCP đã qua 30 ngày nhưng lại phát sinh trở lại như: Xã Tam Đồng, Chi Đông, Vạn Yên, Hoàng Kim…, đặc biệt một số xã có chiều hướng phát sinh bệnh tăng như Liên Mạc, Chu Phan. Do đó, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, bệnh dịch tại đây vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Như chủ tịch UBND xã Văn Khê (Mê Linh) cho biết, xã Văn Khê là một trong những xã có thiệt hại nặng nề nhất của huyện Mê Linh, cho tới thời điểm này, hầu hết các trang trại lớn và các hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn. Bởi, DTLCP tại đây vẫn còn diễn biến phức tạp, nếu như tái đàn ngay bây giờ thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Như vậy, để chuẩn bị điều kiện nhằm tái đàn, người nuôi lợn cần lưu ý đảm bảo việc áp dụng quy trình an toàn sinh học; không tái đàn ồ ạt mà nên nuôi thăm dò với số lượng nhỏ, sau đó khi ổn định thì mới tăng quy mô lớn hơn. Bởi ở các vùng đã công bố hết dịch, nhưng có thể mầm bệnh, nguồn virus vẫn còn lưu lại, nguy cơ tái dịch cao nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.
Người chăn nuôi cũng cần chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn trong việc tái đàn vật nuôi; kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định, tránh những thiệt hại do chủ quan, nóng vội.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)