Chăn nuôi có mất những thương hiệu nghìn năm
Có con vật nuôi lấy thịt, trứng, nào thân thuộc với người nông dân hơn con gà ri, chú lợn ỉ không nhỉ? Chắc không thể vì có lẽ nó đã đồng hành cùng người dân trồng lúa nước Việt Nam cả ngàn năm rồi. Vậy mà bây giờ về nông thôn kiếm miếng thịt lợn ỉ, kiếm chục trứng gà ri sao khó thế.
Đâu đó đã thấy người nuôi cho lợn nghe nhạc, nuôi lợn bằng lá thuốc nam, bằng giun quế, rồi cả trứng từ gà nuôi bằng rong biển... sao vẫn chưa thấy con gà ri, chú lợn ỉ xuất hiện trở lại, dù về độ ngon dễ gì các cách nuôi thời thượng kia có thể hơn được.
Còn thấy khuất lấp đi những con vật nuôi nào nữa: Con lợn Móng Cái (Quảng Ninh), lợn Mường Khương (Lào Cai), những con vịt gié chuyên nuôi chạy đồng vụ chiêm, vụ mùa. Rồi những bò vàng cao nguyên đá (Hà Giang), trâu Mường Nhé (Ðiện Biên), gà, cà xáy (ngan) Tiên Yên (Quảng Ninh)... Gần đây nhất, khi nhu cầu ăn ngon nổi lên thấy luôn quảng cáo những thương hiệu “gà vượt rào, lợn đào công sự” hay “gà đi bộ, lợn cắp nách”... vẫn rất nhiều nhưng... càng ngày càng tệ. Gà, rất ít gà vùng cao thật mà da căng như cao su, thịt mềm ngọt đậm, rất thường thấy như là thịt của giống gà lai gà chọi, nuôi thả vườn bán công nghiệp. Lợn thì vẫn cắp nách đấy nhưng phảng phất “vị” cám công nghiệp.
http://nguoichannuoi.com/upload_images/images/Lon-i-1.jpg
Ngày nay lợn ỉ ít được nuôi vì hiệu quả kinh tế không cao - Ảnh: CTV
Cuộc đấu nghiệt ngã của lợi nhuận
Con gà công nghiệp, con lợn lai xuất hiện nhiều từ giữa những năm 80 rồi nhanh chóng chiếm lĩnh chuồng nuôi. Thực tế thời ấy và ngay cả chừng 10 năm trước thôi, số lượng miếng thịt vẫn mang “tính trội”. Mức độ tăng sinh khối của giống lai rõ ràng hơn hẳn, thứ nữa mức độ chiếm diện tích chuồng, vườn của con lai ít hơn hẳn so các giống truyền thống. Cuộc cách mạng trong trồng trọt khiến tình trạng “vườn rộng rào thưa” trở nên hiếm hoi. Chuyện nuôi gà ấp theo kiểu cũ, rồi vài đàn gà dắt nhau dạo quanh xóm, bới tung mọi thứ... khó chịu lắm. Chưa kể chuyện khó chịu nhất là nuôi cả năm mà bán chả được mấy đồng. Buôn bán những thứ như con gà ri, con lợn ỉ cũng không mấy được thương lái quan tâm. Một lần tôi hỏi chị bán hàng gần nhà sao không lấy gà ri bán chị nhăn nhó: “Chú ạ, đi gom được bu gà mất cả ngày trời, mà giá cao lắm, khó bán, xách đi lại xách về, hao hụt đã khổ mà chết một hai con thì ông lão ở nhà ông ấy...”. Còn bác bán thịt lợn phân trần về con lợn ỉ: “Ngon thì có ngon đấy nhưng mỡ dày lắm, khó bán. Có lần ế mấy cân mỡ, coi như hòa”. Tình cảnh ấy khiến người ta không mặn mà với những con vật vốn rất thân thuộc. Mà khi thương lái đã “không mặn” thì người nuôi cũng “tự nhiên bỏ”. Với người dùng thích thì có, nhưng chưa đến mức không thể thiếu.
Khi người trẻ không muốn băm bèo, nấu cám
Mình về quê, thấy cảnh những khoảng đất trũng rau khoai nước mọc kín, cao ngập đầu người, mương nước mùa cạn rau muống mọc hoang đầy, rồi ruộng lúa sau gặt rau dừa mọc đặc sịt... Nhớ ngày xưa hay vác cái sọt ra đồng kiếm rau lợn, cả buổi chiều không dễ kiếm được sọt rau. Bây giờ nếu đi kiếm chắc phải dùng xe công nông chở. Mình hỏi người bạn có trại lợn hơn 200 con nuôi công nghiệp, thỉnh thoảng lại kêu không có lãi vậy sao rau nhiều, ngô rẻ không nuôi thêm lợn ỉ. Bạn mình lắc đầu cười: “Các ông ở thành phố sướng, sao cứ muốn chúng tôi băm bèo nấu cám mãi hả. Nuôi 20 con lợn như ngày xưa còn vất vả hơn nuôi 200 con kiểu công nghiệp, mà thời gian lại gấp đôi, bằng 400 con đấy”.
Chỉ về cậu con trai, bạn tôi nói thêm: “Nuôi công nghiệp nhàn thế mà nó còn không muốn làm, nay đòi đi công nhân, mai đòi đi học nghề. Giờ mà bảo lấy rau nấu cám thì nó bỏ đi không ngoái đầu nhìn lại ngay”. Ðợt mình ra Tiên Yên tìm hiểu về nghề chăn nuôi được giới thiệu một sản phẩm rất thú vị, trứng vịt nuôi biển. Quả thật ngon, bán đắt hơn trứng thường 20 - 30% mà sản phẩm không đủ bán. Cái ngon dễ hiểu, vịt chăn thả ngoài bãi bồi khi triều cạn, chuyên ăn các loại động vật thủy sinh trên bãi triều, đỡ cả chi phí thức ăn. Nghề vốn không quá nhiều, thu nhập ổn định ở mức khá cao, vậy mà bác chủ nhà ca thán ít hộ nuôi. Cả xóm trước mấy chục hộ bây giờ chỉ còn 5 hộ, đều là người già và gần già. Thanh niên không ai chịu làm cái việc “đi đuổi vịt”…
Cơ chế thị trường sẽ quyết định
Cái khó của những đối tượng chăn nuôi truyền thống là thời gian nuôi quá lâu, công sức người nuôi bỏ ra nhiều. Trước đây người tiêu dùng không thể chấp nhận miếng thịt này đắt... gấp đôi miếng thịt cùng loại kia. Quy luật của lợi nhuận, của thị trường đã “bắt” những con vật nuôi “cũ kỹ” phải nhường chỗ cho những đối tượng nuôi mới cho năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn. Nhưng rồi cùng với sự đi lên của cuộc sống, sự phân hóa trong nhu cầu tiêu dùng ngày càng mạnh. Thông tin nhất là từ nước ngoài cho người ta thấy miếng thịt này không chỉ có giá gấp hai, gấp ba mà thậm chí gấp hàng chục lần. Nhu cầu ăn nhiều bị thay một phần bằng nhu cầu ăn ngon.
Một điều nữa cũng rất quan trọng là vị thế. Ða phần sản phẩm từ những đối tượng chăn nuôi mất rất nhiều công sức ấy đã được coi là đặc sản. Từ vị thế của sản phẩm đến khoảng cách của giá cả là điều đương nhiên trong cơ chế thị trường. Khi vị thế, cái tên được nâng lên, sức hút về công việc có thể cũng nâng cao hơn, để người lao động không thấy ngại những công việc ấy, thậm chí coi đó là tự hào để hút được lao động trẻ, hút được chất xám để thay đổi cả về lượng và chất.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)