Chăn nuôi trước thềm TPP: Mong manh như đèn trước gió!
Không chỉ triền miên khó khăn trong những năm qua, ngành chăn nuôi (CN) đang được đánh giá là lĩnh vực có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất khi Việt Nam (VN) gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Diện mạo của ngành CN nước ta sẽ ra sao, khó khăn thách thức nào ngành CN sẽ phải đối mặt khi VN gia nhập TPP? Giáo sư Lê Viết Ly (ảnh) – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi đã có những trăn trở về vấn đề này.
Bất lực khi vực dậy nền chăn nuôi cạnh tranh kém
Từ sau gia nhập WTO (2007), chúng ta hiểu được rằng, thời gian không còn nhiều cho việc đưa ngành CN thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, sức cạnh tranh kém. Thế nhưng sau bao nhiêu năm, ngành chăn nuôi VN vẫn còn ngổn ngang. Giờ đây đối mặt với TPP, nông dân càng không thể không lo lắng.
Mảnh đất cho phát triển CN ở nước ta từ nhiều năm qua thật sự rất màu mỡ, nhất là dành cho các nhà đầu tư ngoài nước trong lĩnh vực SX TĂCN. Đến nay, trong tổng số 199 NM TĂCN hỗn hợp trên cả nước, có 132 NM của chủ đầu tư trong nước nhưng chỉ chiếm có 40% sản lượng, còn lại 67 NM có vốn đầu tư nước ngoài đang “ôm” tới 60% sản lượng.
Dù liên tục kêu lỗ, xin tháo gỡ, xin giảm thuế, nhưng nhìn chung DN TĂCN vẫn làm ăn rất béo bở, nhất là các DN nước ngoài. Thực tế kêu họ cứ kêu, nhưng làm gì có NM nào giảm sút sản lượng, chỉ thấy tăng thêm, mở rộng.
Trong bối cảnh ấy, các nhà đầu tư SX TĂCN trong nước đã không và không thể (do thiếu vốn, thiếu nguồn lực…) đầu tư mạnh vào đổi mới công nghệ một cách hệ thống. Cùng chung số phận DN yếu trong nước, nhưng tư duy “lợi nhuận” vẫn trên hết khiến liên kết giữa các DN rất yếu, thiếu ý thức san sẻ lợi ích. Vì mạnh ai nấy làm nên DN TĂCN trong nước luôn trong cảnh ăn đong, hết đâu mua đó, khiến giá nguyên liệu, giá thành SX thức ăn luôn đắt hơn DN nước ngoài.
Về giống vật nuôi, chúng ta cũng phải phụ thuộc vào nước ngoài nốt, thế nên sản phẩm CN trong nước luôn đắt hơn các DN nước ngoài. Thị phần sản phẩm CN của các Cty nước ngoài tại VN như CP Group, Japfa Comfeed ngày càng thượng phong, chứ chưa nói tới sản phẩm CN nhập khẩu từ nước ngoài về.
Trong bối cảnh ấy, việc gia nhập TPP chắc chắn sẽ như một trận cuồng phong đè lên vai ngành CN trong nước vốn đang vô cùng yếu ớt.
Điều gì sẽ xảy ra
Ngành CN nước ta sẽ đối mặt với những tình huống nào khi VN tham gia TPP? Xin nêu một số nhận định sau:
- Thứ nhất, có thể sẽ xuất hiện làn sóng tăng cường đầu tư của các Cty lớn nước ngoài nhằm SX và tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường VN, bởi hiện số lượng các nhà đầu tư nước ngoài tại VN chưa nhiều, chỉ có một số Cty quen thuộc trong vùng Đông Nam Á như CP Group, Emivest, Japfa.
Đây sẽ là điều tốt, bởi ngoài việc tăng cường trình độ và hiệu quả SX trong CN, nó còn tạo nên cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng trong nước. Các Cty trong nước sẽ phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn, nhưng cũng có thể được lợi nếu liên kết được với các Cty lớn nước ngoài, dù cơ hội này là khá thấp.
- Thứ hai, sẽ xảy ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa CN trong nước với hệ thống bán lẻ hùng mạnh của sản phẩm CN nhập khẩu về từ nước ngoài lẫn các Cty bán lẻ của DN nước ngoài đang đầu tư vào ngành CN tại VN. Trong cuộc cạnh tranh đó, các DN trong nước tuy nhỏ nhưng cũng rất linh hoạt và hiệu quả nên vẫn có thể chiếm thị phần.
Thịt NK sẽ là nguồn hàng chủ yếu với thịt gà dò, thịt bò, thịt lợn… đầy ắp các siêu thị (hệ thống Metro, Big C, và sắp tới là Wal Mart và nhiều nhà bán lẻ khác). Các sản phẩm CN sẽ được NK vào ồ ạt bởi lãi lớn. Nhiều sản phẩm như thịt gà, đặc biệt là thịt đùi, thịt cánh – những thứ rất rẻ với nước ngoài nhưng với nhiều người tiêu dùng nước ta lại là món khoái khẩu. Những dự báo không vui sẽ tới với ngành CN gà công nghiệp, bò thịt, tiếp sau có thể là lợn.
- Thứ ba, ngành công nghiệp SX TĂCN chắc chắn phải sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và sẽ phải hạ giá bán nếu muốn tồn tại (giá TĂCN công nghiệp nước ta hiện nay luôn đắt hơn các nước trong vùng khoảng 20%). Điều này sẽ có lợi cho người CN lẫn người tiêu dùng trong nước.
Một số NM nhỏ, công nghệ thấp, nghèo vốn sẽ khó mà đứng vững được nếu như không tạo được sự liên kết mạnh mẽ với nhau. Tình trạng DN trong nước mạnh ai nấy sống sẽ được cải thiện, bởi chỉ những Cty có sự liên kết mạnh, có khả năng đổi mới công nghệ, khai thác được nguồn nguyên liệu rẻ tại chỗ mới có thể tồn tại.
- Thứ tư, ngành bò sữa của nước ta còn nhiều dư địa phát triển. Vì vậy áp lực cạnh tranh khi VN gia nhập TPP có thể chưa cao vì một số tập đoàn như Vinamilk, Sữa Mộc Châu, TH milk, Cô gái Hà Lan, sữa Quốc tế… đã xây dựng được một mạng lưới khá vững chắc trong nông hộ. Họ cũng đang nỗ lực cải thiện đổi mới công nghệ chế biến bằng hệ thống NM chế biến sữa hiện đại.
Sự cạnh tranh trên thị trường sữa bột sẽ gay gắt thêm. Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng do có nhiều hơn sự lựa chọn và đỡ bị chèn ép về giá.
- Thứ năm, nhược điểm lớn của ngành CN nước ta là thiếu khả năng liên kết thông qua các HTX theo chuỗi SX. Trong bối cảnh cạnh tranh khi gia nhập TPP, các tổ chức liên kết trong CN nhỏ lẻ như HTX, hội, hiệp hội... chắc chắn sẽ hình thành nhiều hơn. Nhà nước, DN trong nước cũng như hiệp hội nghề nghiệp cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho người CN nông hộ nhỏ trong quá trình tạo liên kết CN theo chuỗi.
- Cuối cùng như đã nói, CN nông hộ chắc chắn sẽ khó khăn, nhưng vai trò sẽ vẫn rất quan trọng. Gần 70% nông dân đang theo đuổi CN nông hộ, SX ra 60% tổng sản phẩm CN cả nước sẽ không thể bị “xóa sổ” trong ngày một ngày hai mà sẽ tìm hướng tồn tại ở phân khúc SX đặc thù, đặc biệt là các sản phẩm CN chất lượng cao, đặc sản vùng miền, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng tiêu thụ tươi tại chỗ.
Dù bị đe dọa của dịch cúm gia cầm, nhưng CN thủy cầm, đặc biệt là vịt sẽ vẫn là mảng độc đáo và vẫn sẽ phát triển đầy sức sống; CN trâu vẫn phát triển tốt ở miền núi nước ta... Kinh nghiệm rất nhiều nước có hoàn cảnh tương đồng với VN cho thấy, còn lâu mới bỏ được chăn nuôi nông hộ nhỏ (Ấn Độ là một ví dụ). Vì thế, cần thiết phải có ngay cơ chế hỗ trợ CN nông hộ, nhất là công tác thú y, giống tốt bản địa, kỹ thuật CN... thông qua công tác khuyến nông và gắn kết họ vào các chuỗi liên kết SX. Những việc này không đòi hỏi phải cần quá nhiều tiền.
Tóm lại, gia nhập TPP, ngành CN sẽ đối mặt với vô vàn thách thức, nhưng cũng không nên bi quan nếu chúng ta coi việc gia nhập TPP là một cơ hội. Các Cty CN trong nước, người CN nông hộ sẽ phải liên kết lại và có chiến lược đúng đắn mới mong tránh khỏi phá sản.
Nguồn: Báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)