Chủ động bảo vệ đàn gia cầm
Hiện nay đang là thời điểm các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung tái đàn phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Cao Bằng, Thái Bình, Quảng Ninh… đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N8 trên đàn gia cầm, nguy cơ lây nhiễm vào Thái Nguyên là rất lớn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các địa phương chỉ đạo người dân chủ động các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.
Gia đình anh Lương Văn Long, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ), tích cực chăm sóc đàn gà theo hướng dẫn của ngành chuyên môn để phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Trước khi thả lứa gà gần 10.000 con, gia đình anh Lương Văn Long, ở xóm Quyên, xã Phú Xuyên (Đại Từ), đã chuẩn bị gần 8 tạ vôi bột, 10 lít hóa chất ở trong kho vật tư của trang trại để vừa khử độc chuồng trại vừa phun diệt khuẩn hàng tuần.
Anh Long chia sẻ: Gia đình tôi rất quan tâm đến khâu phòng, chống dịch bệnh, bởi chỉ cần 1 con nhiễm bệnh là sẽ lây ra cả chuồng. Giống gà tôi cũng nhập ở cơ sở uy tín, có kiểm dịch đầy đủ. Để hạn chế nguồn lây mầm bệnh, tôi rắc vôi bột trước cổng, tạo đệm lót nền để chuồng trại luôn sạch sẽ, giảm mùi hôi và hạn chế người lạ ra vào. Ngoài ra, trong những ngày trời lạnh, tôi thắp thêm bóng điện để sưởi ấm và bổ sung thức ăn, nước uống đầy đủ để đàn gà tăng cường sức đề kháng.
Ông Lương Văn Đường, Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho biết: Dịp cuối năm, hoạt động vận chuyển, buôn bán gia cầm diễn ra sôi động, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhằm nâng cao ý thức của người dân, xã đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo bà con thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp gia cầm có biểu hiện ốm, chết, bà con cần báo ngay với chính quyền địa phương; tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm bị bệnh và không rõ nguồn gốc.
Tại Huyện Phú Lương, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia cầm cũng đang được ngành chức năng quan tâm triển khai. Ông Phan Văn Tường, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền về sự nguy hiểm, tốc độ lây truyền của chủng cúm A/H5N8 để người dân nâng cao cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với việc tiêm vắc-xin đầy đủ, bà con áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tuyệt đối không vứt xác động vật ra môi trường.
Hiện, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có khoảng 14,6 triệu con, tăng 2,7% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm cũng đã xảy ra ở huyện Định Hóa và T.X Phổ Yên, tổng số gia cầm phải tiêu hủy trên 10.600 con. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất lớn do thời tiết giao mùa khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm; thêm vào đó, nhu cầu tái đàn, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm tăng cao.
Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản, nhằm triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, đơn vị sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành, thị quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, kinh doanh, giết mổ động vật; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, kinh doanh động vật mắc bệnh hoặc cố tình vứt xác động vật mắc bệnh ra ngoài môi trường; triển khai Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh tại khu vực chăn nuôi, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, vùng ổ dịch cũ, nơi chôn hủy động vật mắc bệnh…
Theo báo Thái Nguyên
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)