Hậu Giang phòng, chống nguy cơ dịch bệnh từ vịt chạy đồng
Sau khi nông dân hoàn thành thu hoạch lúa Đông Xuân, người chăn nuôi vịt chạy đồng từ các tỉnh lân cận sẽ di chuyển đàn vịt sang Hậu Giang để chăn thả.Với số diện tích chưa thu hoạch còn khá lớn, lượng vịt chạy đồng sẽ vẫn tiếp tục di chuyển qua lại giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh.
http://cpv.org.vn/DATA/0/2018/04/1_136649-14_51_18_767.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Việc thả vịt chạy đồng phần nào giúp người chăn nuôi tận dụng các sản phẩm sau thu hoạch trên cánh đồng lúa, tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.
Để đề phòng nguy cơ dịch bệnh đối với vật nuôi, người chăn nuôi có đàn vịt chạy đồng luôn chủ động trong tiêm phòng. Đơn cử như ông Đặng Thanh Hiền (khu vực 2, phường 3, thành phố Vị Thanh) nuôi trên 2.000 con vịt chạy đồng. Trong mùa thu hoạch lúa này, đàn vịt của ông đi từ đồng trong tỉnh đến các cánh đồng tại Sóc Trăng, Bạc Liêu. Nơi nào có đồng thì ông Hiền di chuyển đàn đến nơi đó. Trước khi bước vào mùa chạy đồng, ông đã chủ động tiêm phòng cho đàn vịt vì khi dời đàn lực lượng thú y luôn thực hiện kiểm dịch.
Ông Lê Trường Hận, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố Vị Thanh cho biết, trên địa bàn có một số tuyến đường, xã giáp ranh tỉnh Kiên Giang, lực lượng thú y thường xuyên kiểm tra việc tiêm phòng cúm. Khi đàn tiêm phòng đầy đủ mới được lưu trú tại địa phương.
Nếu người chăn nuôi có nhu cầu tiêm phòng, ngành thú y vẫn hỗ trợ tiêm theo hình thức có thu phí với những đàn ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhìn chung về tình hình dịch bệnh trên gia cầm từ đầu năm đến nay được kiểm soát tốt.
Để hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ngoài việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhất là ở địa bàn giáp ranh, hệ thống các trạm thú y ở các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ thú y cơ sở tại xã, phường, thị trấn còn thực hiện công tác quản lý tổng đàn, biến động đàn. Đồng thời, các trạm thú y tại các địa phương giám sát chặt chẽ đàn vịt chạy đồng di trú trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc giám sát, ngành thú y vận động người dân tiêm phòng đối với đàn đã hết thời gian miễn dịch.
Ông Trịnh Hùng Cường - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết, nhìn chung, đàn vịt trên địa bàn tỉnh tiêm phòng khá đầy đủ, các địa phương trong tỉnh đã vận động người dân tiêm phòng đối với đàn đã hết miễn dịch. Đối với các đàn vịt ở tỉnh khác thì phải được tiêm phòng trước khi di chuyển vào tỉnh Hậu Giang, nếu không tuân thủ sẽ trục xuất khỏi địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành thú y còn được cơ quan thú y cấp trên hỗ trợ về chuyên môn. Khi có dịch bệnh phát sinh ở địa bàn lân cận, thông tin sẽ được phổ biến và cập nhật một cách nhanh chóng, giúp tỉnh có biện pháp chủ động phòng chống dịch hiệu quả trên địa bàn.
Trong thời gian tới, ngành thú y tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền các dịch bệnh nguy hiểm trên gia cầm đến người chăn nuôi để người dân chủ động và phối hợp với địa phương phòng chống hiệu quả; xây dựng kế hoạch kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống gia cầm.
Tại thời điểm tháng 3/2018, tỉnh Hậu Giang có trên 43.100 hộ chăn nuôi với trên 2,6 triệu con gia cầm; trong đó, số lượng vịt là trên 1,6 triệu con. Tính đến tháng 3, lực lượng thú y tỉnh Hậu Giang thực hiện tiêm phòng và giám sát tiêm phòng cho trên 508.000 con gia cầm; tiêm phòng bệnh cúm cho gần 130.000 con gia cầm, tiêm phòng bệnh dịch tả vịt cho 51.550 con.
Ngoài ra, ngành thú y tỉnh đã thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018, thực hiện và giám sát công tác tiêu độc, khử trùng thường xuyên cho trên 285 chuyến xe tải, 90 chuyến xe mô tô vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)