Cúm gia cầm giảm nhiều về cả diện và mức độ dịch
Chiều 27/1, tại Hà Nội, BCĐ Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm đã họp báo về công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm năm 2015.
http://nongnghiep.vn//upload/2016/1/27/17-14-23_1.jpg
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chủ trì cuộc họp
BCĐ cho biết, năm 2015, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xảy ra tại 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều chủng virus cúm gia cầm độc lực cao khác như H5N2, H5N3, H5N8, H5N9, H7N3, H7N7… cũng gây ra nhiều ổ dịch cho nhiều nước từ châu Á, châu Âu cho tới châu Mỹ.
Tại Việt Nam, trong năm 2015 và tháng 1/2016, các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện ở 19 xã, phường của 18 huyện, thị xã thuộc 12 tỉnh, TP. Số gia cầm mắc bệnh là 56.138 con. Về chủng cúm H5N6, cả nước có 27 xã, phường thuộc 14 tỉnh, TP, buộc phải tiêu hủy trên 39.000 con gia cầm.
Tính đến ngày 27/1, cả nước còn 5 ổ dịch cúm H5N6 tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Tuyên Quang và Lạng Sơn. Những địa phương này chưa qua 21 ngày, số lượng gia cầm mắc bệnh là 3.544 con.
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tình hình dịch cúm gia cầm nói chung năm 2015 giảm nhiều cả về diện và mức độ dịch so với năm 2014. Số ổ dịch giảm 4 lần, số gia cầm chết và buộc tiêu hủy giảm hơn 2 lần.
Ông Đông nhận định, các ổ dịch cúm xảy ra vừa qua chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình chưa tiêm phòng vacxin. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan rất cao.
Về dịch lở mồm long móng, cả năm 2015 và tháng 1/2016, xuất hiện hiện ở 102 xã ở 23 tỉnh, TP. Diện dịch và mức độ tăng nhẹ so với năm 2014. Đến ngày 27/1, vẫn còn 27 ổ dịch tại 6 tỉnh, TP.
Từ tháng 7/2013 đến tháng 9/2015, nước ta đã cơ bản khống chế được dịch tai xanh. Tuy nhiên, trong tháng 10 và 11/2015, 19 ổ dịch lại xuất hiện tại 6 tỉnh. 1.228 con lợn bị mắc bệnh đã được tiêu hủy.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo cần cảnh giác với các vấn đề như dịch tai xanh, dịch cúm gia cầm H5N6, nguy cơ dịch H7N9 từ Trung Quốc. Đặc biệt, vấn đề bệnh dại vẫn còn tồn tại, cần được chú ý theo dõi, tìm giải pháp khắc phục kịp thời.
Theo báo NNVN
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)