Đánh thức tiềm năng nuôi cá lồng bè
Khó khăn còn nhiều
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, diện tích phát triển nuôi thủy sản lồng bè tại miền Bắc rất lớn, với trên 200.000 ha. Tuy nhiên, hiện mới chỉ khai thác được phần nhỏ diện tích mặt nước sông và hồ chứa. Đến hết năm 2013, tổng thể tích lồng nuôi đạt khoảng 385.630 m3, số lượng trên 6.000 lồng với năng suất hơn 2.500 tấn/năm. Riêng các tỉnh miền núi phía bắc, một số địa phương có nghề nuôi cá lồng bè phát triển như: Phú Thọ với 387 lồng, sản lượng 700 tấn/năm; Hòa Bình 1.200 lồng, sản lượng 200 tấn/năm; Yên Bái 400 lồng, sản lượng 200 tấn/năm...
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Nuôi cá lồng bè có năng suất cao hơn so với nuôi trong ao đất, dễ chăm sóc, quản lý, thu hoạch; đặc biệt là tạo ra được sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè ở các tỉnh miền núi phía bắc còn gặp nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng bởi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, hạn chế về kỹ thuật nuôi, con giống cũng như đầu ra của sản phẩm…
Một khó khăn khác là chi phí đầu vào trong nuôi lồng bè tương đối lớn so với khả năng kinh tế của nhiều hộ nuôi, thậm chí là nhóm hộ, doanh nghiệp. Ông Nguyễn Minh Đăng, một người nuôi cá lồng bè tại huyện Tam Nông (Phú Thọ) cho biết: Để đầu tư cho 1 lồng nuôi (108 m3) bằng khung sắt, lưới, phuy nhựa, phải có 20 - 25 triệu đồng. Chính vì thiếu vốn nên nhiều nơi vẫn sử dụng những lồng nuôi bằng vật liệu tự nhiên (tre, gỗ, nứa…) giá thành thấp. Điều này gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, quản lý, đặc biệt là dễ rủi ro trong mùa mưa lũ.
Nuôi cá lồng ở hồ Thủy điện Sơn La - Ảnh: Đức Tuấn
Giải pháp đồng bộ
Không chỉ khó khăn về kỹ thuật, con giống, vốn sản xuất, nghề nuôi cá lồng bè ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra. Tiến sĩ Kim Văn Vạn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Các loài cá nuôi lồng như trắm cỏ, chép, điêu hồng… đều dễ mắc dịch bệnh nguy hiểm. Nguyên nhân một phần do kỹ thuật nuôi, quản lý, cùng đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nếu tình trạng lồng bè nuôi cá trên sông hồ cứ tăng số lượng như hiện nay thì nguy cơ dịch bệnh rất lớn, ảnh hưởng đến sự bền vững của nghề.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ cho biết: Địa phương chưa có chính sách riêng cho nuôi cá lồng, nhưng người nuôi cá được chính quyền địa phương hỗ trợ mua lồng nuôi, tập huấn kỹ thuật... Tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ các hộ, nhóm hộ nuôi thủy sản (hỗ trợ thiệt hại, hỗ trợ tiền cho dự án…).
Một số địa phương như Lào Cai cũng đã hỗ trợ tiền làm lồng, cho vay với lãi suất thấp, tạo điều kiện giúp người nuôi phát triển sản xuất. Các địa phương đã tổ chức cho người dân tham quan mô hình; mở các lớp tập huấn kỹ thuật; xây dựng mô hình để người dân nắm được kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Để nghề nuôi cá lồng bè phát triển hiệu quả và bền vững, các địa phương cần phải quy hoạch tốt vùng nuôi, vị trí đặt lồng bè. Kiểm soát tốt nguồn giống, dịch bệnh, quan trắc môi trường, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Các hộ nuôi cần tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nhà nước (về vùng nuôi, đối tượng nuôi, bảo vệ môi trường…).
Theo Thuy San Viet Nam
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)