Đề nghị điều tra bán phá giá thịt gà

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan điều tra để kiện chống bán phá giá đối với thịt gà Mỹ vào VN.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan điều tra để kiện chống bán phá giá đối với thịt gà Mỹ vào VN.

http://static.new.tuoitre.vn/tto/i/s626//2015/07/29/2cdda588.jpg


Liên tục 11 tháng qua, các chủ trại gà công nghiệp đều bán với giá thấp hơn giá thành. Trong ảnh là một trại gà công nghiệp tại Tân Phú, Đồng Nai - Ảnh: Trần Mạnh

Ngày 28-7, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cùng ký tên vào văn bản đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan điều tra để kiện chống bán phá giá đối với mặt hàng thịt gà Mỹ vào VN.

Ngoài ra, hai hiệp hội này cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT và Cục Thú y tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản như một biện pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi.

Gà Mỹ bán phá?

Ngày 1-7-2015, báo Tuổi Trẻ đăng bài viết về giá đùi gà Mỹ nhập khẩu về VN bán chưa tới 20.000 đồng/kg. Ngay sau đó, ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trả lời trên truyền hình rằng do người Mỹ nuôi gà chỉ lấy ức bán với giá rất đắt và không ăn đùi gà nên bán với giá rất rẻ.

Tuy nhiên, sau khi cử người sang Mỹ để tìm hiểu, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết đùi và cánh gà được bán nhiều tại siêu thị Mỹ với giá cao hơn 4 - 5 lần mặt hàng này bán ở VN, chứ không như ông Phát nói.

Theo ông Lê Văn Quyết - phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, đùi gà ở siêu thị Mỹ có giá 70.000 - 80.000 
đồng/kg trong khi đùi gà đông lạnh Mỹ nhập khẩu về VN bán ra chưa đến 20.000 đồng/kg. Giá thịt gà Mỹ đưa về VN ngày càng rẻ. Năm 2013, giá đùi gà Mỹ về VN ở mức 1,2 - 1,5 USD/kg nhưng nay chỉ còn 0,6 - 0,8 USD/kg. Cả năm 2014, VN nhập khẩu khoảng 80.000 tấn thịt gà các loại thì chỉ trong sáu tháng đầu năm 2015 đã nhập khẩu trên 50.000 tấn thịt gà, trong đó gần 70% là từ Mỹ.

Theo ông Quyết, trong cơ cấu giá thành nuôi gà, toàn bộ con giống thế giới đều phụ thuộc vào 2-3 nhà cung cấp chính, thức ăn chăn nuôi ở VN cao hơn các nước do phải nhập khẩu, thuốc thú y phải dùng nhiều hơn do dịch bệnh nhưng bù lại giá nhân công của VN rẻ hơn nhiều so với Mỹ.

Do đó, giá thành chăn nuôi gà của VN đã ngang bằng với các nước trong khu vực và không cao hơn nhiều so với Mỹ. Thịt gà Mỹ về VN chịu hàng loạt chi phí khác như chi phí đông lạnh, vận chuyển, thuế nhập khẩu, lưu kho và phân phối. “Thế nên cực kỳ vô lý khi đùi gà Mỹ về đến VN mà chỉ bán ra với mức giá bằng 1/4 so với tại Mỹ” - ông Quyết thắc mắc.

Bà Diệp Hoàng, cán bộ kỹ thuật của Công ty Koyu & Unitek (Đồng Nai), cũng cho biết gà lông sau giết mổ chỉ còn khoảng 76% trọng lượng nên với giá 20.000 đồng/kg, giá bán gà lông tại Mỹ chỉ ở mức 15.200 đồng/kg. Chi phí cấp đông gà là 2.800 - 3.000 đồng/kg, trừ tiếp 10% chi phí phân phối đến người tiêu dùng, giá thành 1kg gà nuôi còn dưới 10.000 đồng/kg. Số tiền này chỉ mua được 1kg thức ăn chăn nuôi loại rẻ tiền.

Trong khi đó, tỉ lệ chuyển đổi thức ăn trong nuôi gà nói chung của các nước là 1,6kg thức ăn thành 1kg thịt và thức ăn chỉ chiếm khoảng 60 - 70% tổng chi phí nuôi gà thì giá thành nuôi gà tối thiểu cũng ở mức 24.000 - 25.000 
đồng/kg. “Điều đó cho thấy giá gà Mỹ về đến VN mà chỉ có 20.000 đồng/kg là không tưởng” - bà Hoàng kết luận.

Nguy cơ phá sản

Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM cho biết các nhà xuất khẩu Mỹ đang tìm mọi cách để đẩy thịt gà đông lạnh về VN. Bên cạnh giảm giá liên tục trong thời gian qua, nhà xuất khẩu còn khuyến mãi thêm nếu khách hàng đặt mua nhiều. Cụ thể, đơn vị này đang nhận được chào mời của doanh nghiệp Mỹ nếu mua 17 container (25 tấn/container) sẽ được tăng thêm một container nữa.

Ông Lê Thanh Phương, giám đốc chăn nuôi Công ty Emivest VN, cho biết nhập khẩu thịt gà mỗi tháng lên đến 6.000 tấn thịt đùi, cánh gà. Nếu quy đổi lượng thịt này ra gà (2,5 kg/con), tương đương với 3 triệu con gà thịt/tháng. Trong khi đó, toàn ngành nuôi gà của VN mỗi tháng thu hoạch khoảng 8 - 8,4 triệu con. “Nghĩa là gà nhập khẩu đã chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước. Với mức giá siêu rẻ và số lượng khủng khiếp thế này, ngành chăn nuôi không thể tồn tại nổi” - ông Phương nói.

Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cho biết suốt 11 tháng qua các doanh nghiệp và người chăn nuôi gà công nghiệp trong nước đều đang bán dưới giá thành. Hiện nay người chăn nuôi đều phải cắn răng chịu lỗ vì tiền đầu tư vào trang trại, nhà máy quá lớn nên không thể dừng lại ngay.

Với số lỗ khoảng 10.000 đồng/con gà như hiện nay, trong 11 tháng qua ngành chăn nuôi đã lỗ gần 1.000 tỉ đồng. “Ngành chăn nuôi đang sống bằng hi vọng rằng Nhà nước sẽ siết chặt gà nhập khẩu, nhưng không biết có thể cầm cự đến bao giờ” - ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội, cho hay.

Theo ông Ngọc, các thành viên của hiệp hội này đang quản lý trên 3.000 trang trại chăn nuôi với vốn vay ngân hàng lên đến gần 10.000 tỉ đồng. Nếu tình trạng thua lỗ kéo dài còn tiếp diễn, nguy cơ vỡ nợ hàng loạt của các trang trại là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Hàng VN xuất khẩu đi các nước còn nhiều khó khăn do đủ các hàng rào kỹ thuật, nhưng thịt nhập khẩu vào VN lại hầu như thả lỏng. Nhà nước kêu gọi doanh nghiệp vào nông nghiệp nông thôn nhưng không có chính sách bảo vệ thì không ai dám đầu tư cả” - ông Ngọc nói.

Vụ “xuất gà sang Nhật gặp khó vì thủ tục thú y”:
Cục Thú y chưa nhận được hồ sơ

Về thông tin một số doanh nghiệp không thể xuất thịt gà sang Nhật do thủ tục thú y (Tuổi Trẻ ngày 23-7), bà Nguyễn Thu Thủy - phó cục trưởng Cục Thú y - cho rằng muốn xuất khẩu thịt gà sang Nhật chỉ cần tuân thủ các quy định vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm của Tổ chức Thú y thế giới và theo yêu cầu cụ thể của Nhật, không cần ký kết hiệp định thú y giữa hai nước Việt - Nhật.

Về thủ tục xuất khẩu thịt gà, bà Thủy cho biết sau khi nhận hồ sơ đăng ký xuất khẩu của doanh nghiệp, cơ quan này sẽ rà soát, hướng dẫn, bổ sung theo yêu cầu của nước nhập khẩu và gửi hồ sơ cho nước nhập khẩu, nước nhập khẩu sẽ cử đoàn đánh giá sản phẩm của từng doanh nghiệp xem có đạt yêu cầu xuất khẩu hay không, chứ không căn cứ vào việc có hiệp định thú y.

“Tuy nhiên đến nay, chúng tôi chưa nhận được hồ sơ đề nghị xuất khẩu thịt gà sang Nhật của bất kỳ doanh nghiệp nào” - bà Thủy cho biết.

Tuy nhiên, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định trong nhiều tháng qua đã có thành viên và doanh nghiệp liên kết với thành viên của hiệp hội liên hệ với Cục Thú y đề nghị hỗ trợ các thủ tục về công nhận vùng an toàn dịch bệnh cũng như cấp mã số để họ xuất khẩu theo đề nghị của phía Nhật Bản, nhưng đến nay chưa có câu trả lời.

Theo báo Tuổi Trẻ

Gợi Ý Sản Phẩm

Phòng bệnh cho gia cầm NAVET-FLUVAC 2

NAVET-FLUVAC 2

Vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)

Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU 600

NAVET-BIO-YU 600

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Men vi sinh xử lý nước NAVET-BIO-YU

NAVET-BIO-YU

Cung cấp men vi sinh, enzym xử lý nước và đáy ao nuôi tôm

Thức ăn thuỷ sản bổ sung NAVET-GLUCAMIN

NAVET-GLUCAMIN

Bổ sung ß-glucan và các dưỡng chất thiết yếu

Icon động, để lại yêu cầu
Dịch tả heo Châu Phi
Góc thông tin
Dịch tả heo Châu Phi
NAVET-ASFVAC