Dịch tả lợn Châu Phi: Nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao
Tại Trung Quốc, dịch tả lợn Châu Phi (AFS) lây lan rất nhanh và đang có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam, áp sát biên giới nước ta. Điều đáng lo ngại nhất, là ổ dịch lớn của Trung Quốc đang ở địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam. Trong khi đó, giao thương giữa nhân dân vùng biên hai quốc gia đang rất sôi động.
Ngành chăn nuôi trong nước đang bị dịch bệnh AFS đe dọa. Ảnh: PV
Dịch bệnh lây lan chóng mặt, trên 817 nghìn con lợn bị tiêu hủy
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 28.10.2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bungari, Cộng hòa Sát (Cộng hòa Tchad), Trung Quốc, Cote D’Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, Estonia, Hungari, Kenya, Latvia, Litva, Mondova, Nigieria, Ba Lan, Rumani, Liên bang Nga, Nam Phi, Ukraina và Zambia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Tổng số lợn bị bệnh đã lên tới trên 366 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 122 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 817 nghìn con. Tại Trung Quốc, theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), tính từ ngày 3.8.2018 - 28.10.2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có trên 53 ổ dịch xuất hiện tại 13 tỉnh, bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Vân Nam (giáp biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam), Hồ Nam và tỉnh Quý Châu. Tại Trung Quốc, đã có hơn 210 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ dịch AFS vào Việt Nam là rất cao
Cơ quan chức năng Trung Quốc vừa công bố thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại TP.Zhaotong (Chiêu Thông), phía bắc tỉnh Vân Nam. Tính từ Chiêu Thông đến Lào Cai, ổ dịch chỉ cách nước ta 735km. Theo thông tin mới đăng tải trên các tờ báo của Trung Quốc và hãng Thông tấn Reuters, Trung Quốc vừa công bố thêm ổ dịch AFS tại TP.Zhaotong (Chiêu Thông), phía bắc tỉnh Vân Nam. Hiện cơ quan thú y Trung Quốc đã tiêu hủy 7.000 con lợn trong bán kính 3km từ các điểm dịch tại Vân Nam để ngăn chặn sự lây lan.
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), đến ngày 28.10, dịch bệnh AFS đã lan rộng ở Trung Quốc và áp sát biên giới Việt Nam. Nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao, bởi các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh là rất cao.
Đại diện Cục Thú y nhấn mạnh: Bệnh Dịch tả AFS đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc vào ngày 27.8.2018; trong xúc xích của một du khách từ Trung Quốc tại sân bay Hokkaido, Nhật Bản vào ngày 22.10.2018) cũng có thể đưa virút bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
Bộ NNPTNT đang yêu cầu các bộ, ban, ngành liên quan cùng các DN và người chăn nuôi phải đặt công tác phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu. Mới đây, ngày 24.10.2018, Bộ NNPTNT đã ban hành Tờ trình số 8305 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi”; ngày 25.10.2018, Bộ NNPTNT thôn có Công văn số 8328 gửi Bộ Tài chính đề nghị xuất kinh phí phòng, chống bệnh dịch tả AFS…
Ngoài các văn bản, chỉ đạo yêu cầu các địa phương thực hiện Công điện số 1194 của Thủ tướng về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả AFS xâm nhiễm vào Việt Nam, Cục Thú y đang đẩy mạnh theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh ở các nước trên thế giới. “Ngày 24 - 25.10.2018, Cục Thú y đã có đoàn công tác đi hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại Quảng Ninh. Các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT đang phối hợp với chuyên gia FAO để tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh dịch tả AFS” - ông Đàm Xuân Thành - Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết.
Để ngăn chặn dịch AFS xâm nhiễm, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở NNPTNT công khai số điện thoại đường dây nóng để người cung cấp thông tin liên quan các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ heo và sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn heo, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. UBND TPHCM cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM chỉ đạo tăng cường giám sát đàn lợn trên địa bàn và thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, cập nhật tình hình, diễn biến dịch tả AFS trên địa bàn TPHCM.
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)