Đổi đời nhờ cá tra
Hiểu về chuỗi liên kết và kiên trì theo đuổi nghề nuôi cá tra đã giúp anh Hà Tấn Tâm (khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) mỗi năm có doanh thu lên đến hàng tỷ đồng.
Đổi đời nhờ cá tra
“Năm 2000 phong trào nuôi cá tra ở Thới An và một số nơi rầm rộ đã thôi thúc tôi phải chuyển cách làm ăn. Tôi bàn với gia đình đào ao nuôi cá, lúc đầu tôi nuôi 3ha. Lúc ấy không đủ vốn, tôi phải mượn của họ hàng và vay ngân hàng. 2 năm đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên không đem lại lợi nhuận…” – anh Tâm kể.
Anh Hà Tấn Tâm đang cho cá ăn.
Sau vài năm, khi đã có kinh nghiệm, tình hình sản xuất bắt đầu ổn định, anh Tâm và nhiều nông dân nuôi cá tra lại rơi vào tình thế gian nan khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn: “Năm 2004, tôi lỗ gần 200 triệu đồng, số tiền lúc đó là rất lớn, tưởng đã không gượng dậy nổi vì mình mới nuôi, ít vốn. Dần về sau tôi hiểu mình phải chủ động con giống, vật tư đầu vào và đầu ra sản phẩm mới mong sống được”.
Theo anh Tâm, quan trọng nhất là bản thân người nuôi phải tiết giảm chi phí, cải tiến kỹ thuật, tìm doanh nghiệp để liên kết. Năm 2008, anh và nhiều hộ trong Hợp tác xã cá tra Thới An đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương. Công ty khoán cung cấp thức ăn và khoán chi phí, còn người nuôi phải tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, hưởng giá trị trên sản lượng cùng phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi.
“Hiện tôi có 15 ao cá tra nuôi gia công, diện tích mặt nước 5ha, sản lượng đạt 4.000-5.000 tấn/năm. Nhờ tiết giảm chi phí, liên kết sản xuất nên cá xuất bán cho lãi bình quân từ 1.000-1.500 đồng/kg. Mỗi vụ tôi có lãi từ cá tra khoảng 5-6 tỷ đồng. Việc tiêu thụ cá tra dễ dàng vì doanh nghiệp bao tiêu, không có chuyện ép giá bởi phần vốn đầu tư của doanh nghiệp rất lớn. Người nuôi lãi nhiều hay ít phụ thuộc trình độ áp dụng quy trình kỹ thuật…” - anh Tâm bộc bạch.
Hăng say làm thiện nguyện
Không những đam mê nuôi cá tra, anh Tâm còn chủ động tìm đến Công ty Hùng Vương để nhận làm thêm dịch vụ vận chuyển thức ăn thủy sản. Hiện anh có 12 ghe, mỗi tháng vận chuyển khoảng 7.000 tấn thức ăn cho các chủ ao cá tra trong và ngoài tỉnh. Dịch vụ vận chuyển thức ăn thủy sản mang về cho anh Tâm khoản lợi nhuận 150 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, hiện anh Tâm còn có 8ha vườn trồng nhãn, xoài, cam, hàng năm có lợi nhuận trên 500 triệu đồng. Các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ vận chuyển của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 200 lao động với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2012 đến năm 2014, trung bình mỗi năm, anh Tâm đóng góp cho địa phương khoảng 200 triệu đồng để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, tặng nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. “Chỉ tính riêng năm 2014, anh Tâm đã chi khoảng 500 triệu cho công tác an sinh xã hội ở địa phương. Anh Tâm không những là một nông dân sản xuất giỏi mà còn có lòng từ tâm giúp đỡ người nghèo, được bà con quý mến” - ông Phạm Văn Yên – Phó Chủ tịch Hội ND quận Ô Môn, cho biết.
Về điều này, anh Tâm tâm sự: “Tuy cuộc sống của gia đình tôi hiện ổn định, nhưng quanh mình còn có những mảnh đời, những hoàn cảnh kém may mắn, quê hương mình còn thiếu thốn nhiều mặt. Giúp được cho những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tôi rất vui” - anh Tâm tâm sự.
Anh Hà Tấn Tâm được UBND quận Ô Môn nhiều lần biểu dương, khen thưởng; được nhận bằng khen của UBND TP.Cần Thơ 3 năm 2013, 2014, 2015; được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư từ năm 2008 đến nay.
Theo báo Dân Việt
Gợi Ý Sản Phẩm
NAVET-BIOZYM (TÔM, CÁ)
Men vi sinh và Enzyme cao cấp, xử lý, cải tạo môi trường nuôi tôm, cá (giống và thịt)